Chùa Phật Tích với những điều kỳ bí

Chùa Phật Tích không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Chùa Phật Tích không chỉ là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh

Chùa Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được xếp hạng di tích Lịch sử-Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa và được Thủ tướng chính phủ ký và xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý do Lý Thánh Tông xây dựng nên.

Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích.

Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi năm Chính Hòa thứ bảy (1686) ca ngợi vẻ đẹp của cảnh chùa: “Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc, phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá”.

Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng Phật Tích và viết chữ “Phật” dài tới 5 m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Bà Nguyên phi Ỷ Lan có đóng góp quan trọng trong buổi đầu xây dựng chùa Phật Tích.

Thời bấy giờ vua Trần Nhân Tông đã cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hoa. Sau khi khánh thành, vua Trần Nhân Tông đã sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” dày tới 8 quyển. Vua Trần Nghệ Tông đã lấy Phật Tích làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh (thi Tiến sĩ).

Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am – đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bia đá còn ghi lại cảnh chùa thật huy hoàng:

“Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao,cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng”. Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), một đại yến hội đã được mở ở đây.

Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự thịnh vượng của chùa Phật Tích cũng chỉ tồn tại sau đó được gần 300 năm. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ và chùa bị tàn phá nhiều. Chùa đã bị quân đội Pháp đốt cháy vào năm 1947, chỉ còn sót lại phần nào kiến trúc nền.

PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết:

Theo tài liệu của trường Viễn đông Bác cổ Pháp để lại thì khoảng trước năm 1945, KTS nổi tiếng của Pháp là Louis Bezacier đã tiến hành trùng tu ngôi chùa Phật tích. Trước khi trùng tu, theo yêu cầu của viện Viễn đông bác cổ, ông đã tiến hành khai quật nền chùa, đã phát hiện ra nền của ngôi tháp thời Lý còn nằm nguyên vẹn dưới lòng chùa, cùng rất nhiều di vật tiêu biểu cho nghệ thuật xây chùa Phật Tích, cũng là nghệ thuật xây dựng đặc sắc thời Lý.

Theo các tài liệu chúng tôi đọc được, ông đã nghiên cứu, đo vẽ rất cẩn thận, rồi giữ nguyên trạng di tích và lấp đi. Mọi hoạt động trùng tu chỉ diễn ra trên mặt đất nên không đụng gì đến lòng chùa nữa”.

Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A Di Đà bằng đá quý giá. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là Di tích lịch sử văn hóa.

Chùa Phật Tích còn bảo lưu được nguyên nền móng của thời Lý với 4 lớp nền có quy mô to lớn, nhiều cổ vật, di vật thời Lý. Hiện, chùa có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu.

Dấu tích nền móng chùa Phật Tích từ thời Lý vẫn còn tới ngày nay. Ngôi chùa được xây dựng ở lưng chừng núi Phật Tích và được phân thành 4 cấp.

Cấp thứ nhất – cấp nền là khu vực cổng chùa có mặt bằng với chân núi, hai bên là hai ao được ví như hai “mắt rồng” và một “giếng rồng”.

Cấp 2: Có chiều dài 58m, cao 3,7m. Là nơi có tam quan cùng tòa gác chuông hai tầng 8 mái, truyền rằng xưa là vườn hoa mẫu đơn là nơi diễn ra hội “Hoa Mẫu đơn”cùng với câu truyện tình lãng mạn “Từ Thức gặp tiên”. Hiện tại cấp nền này là tòa gác chuông mới được phục dựng lại.

Cấp 3: Có chiều dài 58m, chiều rộng 62m, cao 5m, là khu vực nền chùa chính, là trung tâm thờ Phật của ngôi chùa và có các tòa như: tam bảo, hậu đường, hành lang, nhà tổ, nhà mẫu.

Cấp 4: Là vườn tháp của chùa, hiện còn bảo lưu được 34 tháp (9 tháp được xây dựng bằng đá xanh, 25 tháp bằng gạch), các ngôi tháp phần lớn được dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII – XIX). Chính giữa vườn tháp là ao rồng hình chữ nhật, đáy ao là một phiến đá lớn hình bán nguyệt chạm nổi hình rồng rất lớn, mặt cạnh phiến đá chạm hình sóng nước.

Ảnh: St

Lối dẫn lên gian chính là những bậc đá cổ, mang lại không gian cổ kính của ngôi chùa. Qua các sử liệu và các chứng tích văn hóa vật thể còn tồn tại đến tận ngày nay đã khẳng định, chùa Phật Tích xưa kia từng là một đại danh lam thắng cảnh đẹp, hài hòa, vừa thơ mộng linh thiêng. Núi Phật Tích như một hạt châu ngời sáng với bao huyền tích kỳ thú cùng với những dấu vết vật chất rất đỗi tự hào.

Chính điện của chùa Phật Tích là nơi tôn trí pho tượng Phật A Di Đà được tạo tác bằng đá xanh, kích thước hiện tại cả bệ cao 2m77 thể hiện Đức Phật Adi đà ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối Kiết Già toàn phần, dáng ngồi thanh thản tự tại. Khuôn mặt tượng Phật A DI Đà mang vẻ đôn hậu viên mãn, ít nhiều được lý tưởng hóa với dạng nhân chủng Ấn Độ. Sắc mặt vừa có vẻ trầm tư, lại lộ vẻ rạng rỡ. Đôi mắt hơi nhìn xuống, sống mũi cao, khóe miệng mỉm cười kín đáo. Pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích là kiệt tác điêu khắc thời Lý và đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Ảnh: St

Ngoài ra, chùa Phật Tích còn một Bảo vật quốc gia khác, đó là bộ tượng 10 linh thú có từ thời Lý. 10 bức tượng này gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử, được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo.

Ảnh: St

Những linh thú này đều có trong tích nhà Phật. Nó vừa mang ý nghĩa bảo vệ phật pháp và sự quy y phật pháp. Đó trước tiên là sự biểu dương sức mạnh của Phật pháp bằng tiếng của sư tử, đó là biểu trưng của sức mạnh. Kế tiếp là tượng voi được coi là sức mạnh tinh thần.

Tiếp theo là tượng tê giác nằm áp sát bụng xuống bệ sen, miệng ngậm, chiếc sừng nhú trên mũi. Trong phật pháp tê giác được đức Phật ca ngợi như là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát. Ngựa cũng là biểu tượng cho năng lượng và sức lực trong việc hành pháp.

Trong đạo Phật để dạy người phật tử cách điều phục tâm của mình cho nên tâm được ví với con trâu hoang. Trâu có bản tính siêng năng, nhẫn nại không hung hăng nhưng vô trí. Trâu được tạc trong tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái, mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tư tại trong thế giới của Phật.

Trong 10 tượng linh thú, có tượng voi đã bị cụt mất tai và ngà do năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng chùa Phật Tích đã phá hủy phần nào kiến trúc ngôi chùa.

Ảnh: St

Hiện nay, chùa Phật Tích được nhà nước đầu tư cùng với kinh phí do nhân dân đóng góp tiến hành trùng tu gồm các tòa: Tam bảo, hậu đường, nhà khách, nhà tổ, nhà mẫu đặc biệt là phục dựng pho tượng Phật A Di Đà mới cao 27m, tính luôn bệ là 30m đặt trên đỉnh núi Phật Tích.

Ảnh: St

Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn lưu giữ kho tàng truyền thuyết, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ dân gian, tiêu biểu là những huyền thoại về bà Tồ Cô, các cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Triệu Đà, chàng tiều phu Vương Chất, Từ Thức gặp tiên, Cao Biền xây tháp yểm bùa, bà chúa Chè, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và nổi tiếng là hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vào ngày mồng 4 tháng Giêng.

Những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đó cho thấy Phật Tích không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập nhiều luồng tư tưởng, tôn giáo ở các vùng, các nước trong khu vực, hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Với những giá trị nổi bật nêu trên, chùa Phật Tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014.

Tổng hợp: Nguyễn Thúy Anh (T/h)

Nguồn tham khảo:

Wikipedia

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-phat-tich-voi-nhung-dieu-ky-bi.html