Chơi đồng hồ xa xỉ, lãi hơn đầu tư chứng khoán

Giá của những chiếc đồng hồ xa xỉ như Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet tăng trung bình 20% mỗi năm kể từ giữa năm 2018, vượt xa hiệu suất của chỉ số S&P 500, do giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng liên tục tăng mạnh.

Mua đồng hồ xa xỉ được xem là một khoản đầu tư đáng tiền.

Thường được mệnh danh là “thị trường xám”, lĩnh vực đồng hồ xa xỉ thứ cấp đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và nhiều nhà đầu tư truyền thống bắt đầu tìm kiếm các loại tài sản đặt cược khác ngoài cổ phiếu, việc đầu tư vào hàng xa xỉ, đặc biệt là đồng hồ, ngày càng được chú ý.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 đạt lợi nhuận trung bình hàng năm là 8% trong quãng thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2023, trong khi đó, các mẫu đồng hồ đã qua sử dụng từ các thương hiệu xa xỉ tại Thụy Sĩ tăng trưởng với tốc độ hơn gấp đôi, theo dữ liệu từ Boston Consulting Group và đại lý thị trường thứ cấp WatchBox - một trong những công ty bán đồng hồ đã qua sử dụng hàng đầu trên thế giới.

Cũng theo dữ liệu từ Watchbox, trong cùng thời kỳ, giá của những đồng hồ từ các thương hiệu độc lập bao gồm FP Journe, H. Moser & Cie và De Bethune - một nhà sản xuất nhỏ của Thụy Sĩ, cũng đã tăng 15%.

Sự phát triển này diễn ra bất chấp việc giá của một số mẫu đồng hồ kinh điển đã qua sử dụng, bao gồm Rolex Daytonas, Patek Nautilus và AP Royal Oaks, đã giảm tới 1/3 giá trị kể từ khi thị trường đồng hồ đã qua sử dụng đạt đỉnh vào quý I/2022.

Tất nhiên, nhìn chung trong quãng thời gian dài, cổ phiếu vẫn là loại hình đầu tư vượt trội hơn so với đồng hồ. S&P 500 có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12% từ năm 2012 đến năm 2022, trong khi đồng hồ Rolex, Patek và AP đạt mức tăng trưởng trung bình 7% trong cùng kỳ.

Giá đồng hồ trên thị trường thứ cấp chỉ bắt đầu gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, khi người tiêu dùng thuộc thế hệ "thiên niên kỷ" (millennial, hế hệ sinh từ 1981 đến 1996) và Thế hệ Z (sinh năm 1997-2012), rủng rỉnh tiền mặt nhưng phải ở nhà, bắt đầu sưu tập đồng hồ Thụy Sĩ. Sự tăng giảm của giá trị tiền điện tử cũng tương quan với giá đồng hồ đã qua sử dụng.

“Giá trị và tính minh bạch là động lực của thị trường thứ cấp và đó là động lực của thanh khoản,” Sarah Willersdorf, giám đốc điều hành và đối tác tại BCG ở New York, chia sẻ với Bloomberg.

"Hơn 60% giao dịch được thực hiện trực tuyến so với 15% cho các giao dịch mua mới. Trong khi nam giới vẫn chiếm đa số người mua, số lượng nhà sưu tập nữ và trẻ tuổi đang tăng lên nhanh chóng", cô Sarah nói thêm.

Tổng giá trị thị trường đồng hồ xa xỉ thứ cấp đã tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2022, tương đương gần một nửa so với thị trường bán lẻ sơ cấp trị giá 55 tỷ USD. Theo nhiều ước tính, thị trường đồng hồ thứ cấp dự kiến sẽ tăng 9% giá trị lên 35 tỷ USD vào năm 2026, khi giá tăng và nhiều người bắt đầu sưu tập đồng hồ.

LuxeConsult, một công ty tư vấn và phân tích độc lập của Thụy Sĩ, gần đây đã dự báo rằng doanh số bán đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sẽ vượt qua thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu tăng lên 85 tỷ USD.

Linh Anh

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/choi-dong-ho-xa-xi-lai-hon-dau-tu-chung-khoan-20180504224281740.htm