Cho vay trực tuyến sẽ bùng nổ khi ngân hàng tiếp cận 'mỏ vàng' dữ liệu dân cư

Hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa cùng với việc được phép tiếp cận 'mỏ vàng' dữ liệu dân cư, nhiều ngân hàng đổi mới các hình thức giao dịch trực tuyến, bắt đầu đẩy mạnh cho vay online.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng thông tin: Việc kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia sẽ giúp các ngân hàng kiểm tra, xác thực thông tin khách mới một cách dễ dàng hơn. Khi dữ liệu dân cư có đầy đủ, các ngân hàng thương mại, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro có thể sử dụng dữ liệu dân cư để tiến hành cho vay trên nền tảng điện tử.

Ứng dụng dữ liệu để đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Cho vay trực tuyến (đa số với khoản vay nhỏ) đã được nhiều ngân hàng triển khai từ lâu. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc cho vay online được các ngân hàng đẩy mạnh nhờ chuyển đổi số, đồng thời kết nối được với cơ sở dữ liệu lớn cho phép họ chấm điểm tín dụng, phân tích được mức độ rủi ro của từng khách hàng.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng hiện đã giảm xuống dưới mức 30% nhờ tích cực chuyển đổi số.

Chia sẻ với VnBusiness bền lề sự kiện truyền thông giáo dục tài chính "Nhà ngân hàng tương lai năm 2023" diễn ra chiều 23/5, ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Viet Capital Bank thông tin, cách đây 4 ngày, ngân hàng này đã triển khai mở thẻ tín dụng online cho khách hàng, theo đó khách hàng tự tải app để thực hiện.

“Hiện nay, Ngân hàng đang triển khai cho vay online, công đoạn vay vốn ban đầu sẽ do 4 robot nhập dữ liệu khách hàng, các robot này sẽ làm việc 24/7, thay vì khách hàng phải nộp hàng chồng hồ sơ tại quầy như trước”, ông Sang cho hay.

Tuy nhiên, ông cho biết, tốc độ triển khai cho vay online đối với khách hàng doanh nghiệp chậm hơn khách hàng cá nhân. Năm ngoái, 94% khách hàng của Viet Capital Bank tiếp cận với dịch vụ cơ bản như: mở tài khoản, mở tiết kiệm online, thẻ ghi nợ… trên online. Tuy nhiên, với dịch vụ vay vốn vẫn còn vướng một số quy định của NHNN. Vì vậy, Viet Capital Bank sẽ chia thành một số công đoạn.

Ví dụ với các gói vay nhỏ lẻ, phục vụ đời sống tiêu dùng, khách hàng có thể vay online. Tuy nhiên, đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, việc vay vốn đang thực hiện theo hình thức bán tự động do quy trình vay vốn phức tạp hơn.

“Theo quy định hiện nay, khách hàng vay vốn vẫn phải đến ngân hàng để thẩm định, đánh giá, đối chiếu con người. Do đó, cho vay khách hàng doanh nghiệp qua kênh online mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận hồ sơ”, ông Sang cho hay.

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối chiến lược MSB cho biết: Dựa trên các dữ liệu về thuế, về lịch sử tín dụng thu thập được, MSB cho phép doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến và vay tới 15 tỷ đồng.

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của ngân hàng đã giảm xuống dưới mức 30% nhờ tích cực chuyển đổi số.

"Khi khách hàng cung cấp các thông tin cơ bản về doanh nghiệp của mình với hệ thống máy học đã có và những thông tin chúng tôi đã tập hợp, trong vòng 10 giây, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng được hạn mức dự kiến có thể cho khách hàng vay", bà Uyên nói.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Vấn đề các ngân hàng băn khoăn hiện nay là hình thức cấp tín dụng online chưa được quy định cụ thể trong luật. Thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng “vừa làm vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, do lượng dữ liệu rác lớn, tài khoản ảo nhiều, các ngân hàng cũng không mặn mà đẩy mạnh cho vay online vì ngại rủi ro.

Ông Sang cho hay, các văn bản pháp luật chưa theo kịp với những thay đổi của cuộc sống nên cần phải thay đổi sớm, cần có sự đồng bộ các dữ liệu. Hiện nay, mỗi đơn vị quản lý một nguồn dữ liệu khác nhau. Ví dụ về mã số thuế thì cơ quan thuế quản lý, thông tin tín dụng thì ngân hàng quản lý… chưa liên kết để đồng bộ. Như vậy, dữ liệu quốc gia phải đồng bộ tất cả những thông tin này.

Về mặt khai thác và sử dụng, ông Sang kiến nghị cần có cơ chế thoáng hơn. Hiện nay, nhiều ban ngành coi là bí mật quốc gia, do đó việc sử dụng dữ liệu khách hàng vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi.

“NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng phải điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan để phù hợp với đặc thù của cấp tín dụng trên môi trường điện tử”, ông Sang nêu.

Từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an làm sạch 25 triệu dữ liệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng và đang tập trung làm sạch 26 triệu dữ liệu khách hàng còn lại trong vòng vài tháng tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở hữu trong tay lượng dữ liệu sạch khổng lồ này đang là "cơ hội vàng" để các ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm số, đặc biệt là cho vay trực tuyến.

Hiện nay, một số ngân hàng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) bắt đầu thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Đây là cơ sở để giúp các ngân hàng áp dụng cho vay tín chấp, bước đầu là đối với các món vay giá trị nhỏ. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn trong dạng thí điểm.

Được biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định cụ thể hóa các dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng… Các ngân hàng thương mại đề nghị NHNN sớm sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN để ngân hàng có cơ sở triển khai cho vay. Ngoài ra, các bộ, ngành khác cũng phải sửa đổi một số quy định tại Luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử… hoàn thiện khung khổ pháp lý về cho vay trực tuyến.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-so/cho-vay-truc-tuyen-se-bung-no-khi-ngan-hang-tiep-can-mo-vang-du-lieu-dan-cu-1092763.html