Chính phủ 4 lần đề cập tới giá vàng trong Nghị quyết vừa ban hành

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường vàng; xử lý nghiêm việc buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, trong đó những bất ổn trong thị trường vàng được nhiều lần nhắc tới, với 4 lần sử dụng hai từ "giá vàng". Đó không chỉ là vấn đề giá vàng thế giới biến động mạnh, mà quản lý thị trường vàng thời gian qua còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch ở mức cao. Điều này ảnh hưởng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về giải pháp, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vốn đang điều chỉnh thị trường vàng 12 năm qua.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Các giải pháp với thị trường vàng phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ chung là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời phải theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội; phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bảo đảm cùng thời điểm thi hành với luật.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Cập nhật đến chiều nay, giá vàng SJC đồng loạt tăng mạnh lên mức kỷ lục 92 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng tiếp tiếp tục tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng so với hôm qua. Hiện PNJ và SJC niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 74,6 - 76,4 triệu đồng/lượng. Trong khi Bảo Tín Minh Châu áp dụng mức cao hơn là 75,28 - 76,78 triệu đồng/lượng. Còn DOJI niêm yết 75,3 - 76,8 triệu đồng/lượng.

Diễn biến tăng giá liên tục này gây khó hiểu bởi thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp một lượng không nhỏ vàng miếng SJC vào thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-4-lan-de-cap-toi-gia-vang-trong-nghi-quyet-vua-ban-hanh-post789903.html