Chiều cuối năm ở nghĩa trang Đường 9: Chim bồ câu và thông điệp hòa bình

Vài năm gần đây, những ngày cận Tết, người dân và du khách khi đến viếng hương Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng trăm chim bồ câu ríu rít, sà xuống khu vực hành lễ mỗi lần có đoàn đến viếng.

Chim bồ câu - biểu tượng của khát vọng hòa bình được chăm nuôi tại Nghĩa trang Liệt sĩ, chốn tâm linh càng có ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc, tạo ra cảm giác yên bình. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị là một địa chỉ như vậy.

Đàn chim bồ cầu sà xuống Nhà hành lễ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị mỗi lần có đoàn khách đến viếng.

Những ngày cuối năm, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị nhiều đoàn người khắp mọi nơi đến viếng mộ. Mùi hương thơm ngát trong khuôn viên nghĩa trang giữa tiết trời cuối Tháng Chạp làm người đi viếng mộ ấm lòng. Sau 3 hồi thỉnh chuông, người quản trang thổi 3 hồi còi, bất ngờ hàng trăm chim bồ câu sà xuống khu vực hành lễ đón thức ăn trước sự ngỡ ngàng của khách viếng mộ ngày cuối năm.

Có mặt trong Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên về viếng Nghĩa trang Liệt sĩ trước Tết cổ truyền có Thượng tá Đàm Tiến Dũng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên. Bác ruột ông Dũng là liệt sĩ hy sinh khi tình nguyện tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 tỉnh Quảng Trị. Đến Quảng Trị lần này, nhìn ngôi mộ người Bác của mình được nhân viên quản trang chăm sóc chu đáo, ông cảm thấy yên lòng.

Điều mà Thượng tá Đàm Tiến Dũng bất ngờ là tại chốn linh thiêng, trang nghiêm này có đàn bồ câu chao liệng: “Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, phần lớn là liệt sĩ hy sinh làm nhiệm vụ quốc tế, vì hòa bình rất cao cả. Chim bồ cầu là biểu tượng của hòa bình của thế giới, có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ sau nên nhớ công lao của liệt sĩ không chỉ hy sinh cho đất nước và cả nhiệm vụ quốc tế cao cả.”

Thượng tá Đàm Tiến Dũng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên thắp hương lên mộ người thân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9

Ý tưởng nuôi đàn chim bồ câu trong nghĩa trang xuất phát từ hình ảnh những chú chim bồ câu trắng được thả trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, với mong muốn đưa sự sống và biểu tượng hòa bình về với nơi này như một sự nhắc nhớ mọi người về nỗi đau chiến tranh, giá trị của hòa bình.

Ông Nguyễn Minh Đoàn, nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 được giao nhiệm vụ chăm sóc, cho chim ăn hàng ngày. Ông Đoàn kể, trong một lần tham quan tại thành phố Đà Nẵng, nhìn thấy đàn bồ câu chào liệng trên bãi biển rất ấn tượng nên Ban Quản lý đề xuất với lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho phép thả nuôi bồ câu tại nghĩa trang. Kinh phí mua chim bồ câu do các cơ quan, tổ chức hảo tâm tài trợ. Kể từ đó, nhiều người bất ngờ và xúc động trước hình ảnh những chú chim bồ câu trắng chao liệng trước Đài tưởng niệm liệt sĩ. Ông Nguyễn Minh Đoàn cho biết, lúc đầu, đơn vị phải thuê chuyên gia để huấn luyện chim.

Mỗi lần có đoàn khách đến viếng, nghe tiếng còi là bồ câu tập trung nhà hành lễ. “Mỗi lần có đoàn tới viếng, nghe tiếng còi là chim bồ câu tập trung lại, mang tâm linh, giống như hương hồn của Anh hùng Liệt sĩ về chứng kiến. Thân nhân liệt sĩ đến, khi bắt đầu đứng xếp hàng nghiêm trang làm lễ, thấy bồ câu bay xuống là họ rất ngạc nhiên. Họ liên tưởng lại bộ đội của mình thời kỳ chiến tranh ác liệt.” - Một du khách chia sẻ.

Việc nuôi chim bồ câu tại Nghĩa trang liệt sĩ như một sự nhắc nhở mọi người giá trị của hòa bình.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.600 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào vì nhiệm vụ quốc tế. Các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì hòa bình. Chim bồ câu thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình, độc lập tự do.

Ông Nguyễn Văn Quản, Phó Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiều năm gắn bó với công việc ở nghĩa trang, ông càng thấm thía về giá trị hòa bình. Hàng vạn gia đình mất đi người thân yêu ruột thịt, hàng vạn Anh hùng Liệt sĩ nằm xuống để có được hòa bình, tự do như hôm nay.

Việc nuôi chim bồ câu như một sự nhắc nhở mọi người giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp hòa bình đến với bạn bè quốc tế. Ông Nguyễn Văn Quản mong muốn đàn chim bồ câu tại đây được tăng lên nhiều hơn để mỗi người khi đến viếng nghĩa trang luôn cảm nhận được giá trị và khát vọng của hòa bình.

Mỗi lần ông Nguyễn Minh Đoàn, nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 thổi còi là đàn chim bồ cầu sà xuống nhà hành lễ.

Ông Nguyễn Văn Quản cho rằng: “Chim bồ câu thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam, hướng tới hòa bình, khát vọng độc lập, tự do, là biểu tượng cao cả. Năm 2022 này tiếp tục đầu tư nuôi thêm 100 con. Khi có đoàn đến chuẩn bị làm lễ, đoàn chim ra bay chao liệng. Bất kỳ ai đến đây đều có ấn tượng rất tốt về đàn chim bồ câu.”

Năm 2022 này, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức “Festival vì hòa bình” nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình. Đây là dịp tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, cùng nhau xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh. Và những cánh chim bồ câu trắng tung bay tại chốn tâm linh này sẽ kéo mọi người ngày thêm gần gũi, tôn vinh ý nghĩa của Ngày hội vì hòa bình./.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chieu-cuoi-nam-o-nghia-trang-duong-9-chim-bo-cau-va-thong-diep-hoa-binh-post921161.vov