Chi bộ Công nhân - mô hình cần nhân rộng

Làm gì để đảng viên là công nhân có điều kiện tham gia sinh hoạt đảng nền nếp, hiệu quả là câu hỏi hóc búa đối với nhiều đảng bộ địa phương.

Với trách nhiệm cao và bằng cách làm sáng tạo, tập thể Đảng ủy phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xây dựng thành công mô hình Chi bộ Công nhân (CBCN), định hình đáp án ban đầu cho câu hỏi nêu trên.

Lời giải cho bài toán hóc búa

Cầm trên tay Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết chi bộ năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư CBCN vui mừng nói: "Năm qua, chi bộ luôn duy trì nền nếp, chất lượng sinh hoạt theo quy chế, quy định và kế hoạch đề ra. Thông qua sinh hoạt chi bộ đã giúp các đảng viên công nhân (ĐVCN) nâng cao nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật; tích cực học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất giỏi. Đặc biệt, từ khi CBCN được thành lập, tình trạng ĐVCN vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng được khắc phục triệt để".

Chi bộ Công nhân phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mở đầu buổi sinh hoạt chi bộ bằng “Lời thề đảng viên”. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tiếp lời đồng chí Bí thư CBCN, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Phước Lê Thị Kim Liên chậm rãi: “Trước đây, có những ĐVCN bị khai trừ Đảng một cách rất đáng tiếc. Bởi lẽ, đảng viên dù có ý thức trách nhiệm tốt nhưng không có điều kiện tham gia sinh hoạt đảng vì còn phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”; trong khi đó, tổ chức cũng phải “ngậm ngùi” thi hành kỷ luật đảng viên, vì nguyên tắc sinh hoạt đảng, Điều lệ Đảng thì không thể vi phạm”.

Được biết, trước thời điểm thành lập CBCN, Đảng bộ phường Mỹ Phước có 18 chi bộ trực thuộc, với 548 đảng viên; trong đó, có nhiều đảng viên là công nhân đang làm việc trên địa bàn. Do đặc thù lao động, sản xuất nên thời gian tham gia sinh hoạt đảng của ĐVCN gặp rất nhiều khó khăn; nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ĐVCN khi phải tham gia các hoạt động của tổ chức đảng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức đảng; các chi bộ khu phố tổ chức sinh hoạt định kỳ vào một ngày cố định trong tháng... Trước khó khăn đó, một số ĐVCN đành "nhắm mắt" bỏ sinh hoạt đảng nhiều lần, dẫn đến vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng. Chỉ tính trong năm 2016, Đảng ủy phường Mỹ Phước đã xem xét, đề nghị kỷ luật 3 ĐVCN với hình thức khai trừ Đảng vì vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng (vắng sinh hoạt không lý do).

Từ thực tế đó, yêu cầu thành lập một chi bộ riêng cho số đảng viên đang làm công nhân trên địa bàn đặt ra cấp thiết. Để hiện thực ý tưởng này, Đảng ủy phường xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đến ngày 19-6-2017, CBCN được thành lập theo Quyết định số 75-QĐ/ĐU của Đảng ủy phường Mỹ Phước.

Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công nhân tại phường Mỹ Phước (tháng 6-2017). Ảnh: TRUNG HIẾU

Để chi bộ hoạt động hiệu quả, Đảng ủy phường chỉ định đồng chí Phan Ái Thanh Dung, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường (nay là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Mỹ Phước) trực tiếp làm Bí thư chi bộ; phân công đồng chí Ủy viên Thường vụ Thị ủy Bến Cát, Bí thư Đảng ủy phường trực tiếp phụ trách, theo dõi. CBCN duy trì sinh hoạt nền nếp vào lúc 18 giờ 30 phút ngày chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Đồng chí Lại Thị Thảo, đảng viên là công nhân Công ty TNHH Thu Nguyệt, nhớ lại: “Biết tin sẽ thành lập một chi bộ với tên gọi CBCN, những ĐVCN rất vui mừng, phấn khởi. Được đưa vào một tổ chức đảng đặc thù, có điều kiện sinh hoạt và môi trường thuận lợi sẽ giúp chúng tôi khẳng định được vai trò, vị trí của mình”.

“Nếu không có CBCN, chắc rằng tôi và nhiều ĐVCN không thể tiếp tục sinh hoạt đảng và khó có thể tiếp tục gắn bó với tổ chức đảng”-một đảng viên là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 trải lòng. Trong khi, nhiều đảng viên trẻ đang sinh hoạt tại CBCN thẳng thắn cho rằng, nếu không có CBCN và sự vận động, định hướng của các đồng chí đảng viên đi trước thì họ rất “ngại” vào Đảng, vì không thể có điều kiện hiện thực lý tưởng, hoài bão của mình.

Tiếp cận một số đồng chí từng bị khai trừ Đảng vì vi phạm chế độ sinh hoạt đảng thì đều nhận được phản hồi về nỗi buồn và sự tiếc nuối khi bản thân không còn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Họ băn khoăn rằng việc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt và Điều lệ Đảng có phần nguyên nhân chủ yếu từ phía khách quan, chứ không phải do bản thân thiếu ý thức trách nhiệm, hay khiếm khuyết, yếu kém về phẩm chất, năng lực.

Khảo sát bằng hình thức điều tra xã hội học đối với ĐVCN tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và TP Thuận An (Bình Dương) cho thấy: 100% đối tượng đều cho rằng việc thành lập CBCN là cách làm sáng tạo; là phương cách tháo gỡ khó khăn về mặt thời gian, cơ chế và cả về mặt tâm lý cho ĐVCN. Ở những nơi chưa có tổ chức đảng, đội ngũ ĐVCN thiết tha mong muốn cấp ủy địa phương sớm thành lập mô hình CBCN để đảng viên có nơi sinh hoạt, học tập và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của người đảng viên.

Cần sớm nghiên cứu, nhân rộng

Cùng với duy trì nền nếp sinh hoạt chất lượng, CBCN tập trung lãnh đạo làm tốt việc giáo dục, rèn luyện đảng viên nâng cao ý thức học tập, chấp hành pháp luật; nắm bắt tình hình, tư tưởng của công nhân, hoạt động của doanh nghiệp nơi công nhân làm việc để ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo phù hợp; vừa tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách hỗ trợ ĐVCN nói riêng, công nhân trên địa bàn nói chung; vừa phối hợp, trao đổi với các doanh nghiệp nhằm bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho đảng viên.

Không những vậy, chi bộ còn lãnh đạo tổ chức nhiều hoạt động, phong trào cách mạng cho lực lượng công nhân đạt hiệu quả. Tiêu biểu là việc thực hiện mô hình “Thắp sáng niềm tin” với nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên tinh thần, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; động viên tinh thần và giúp đỡ các đồng chí đảng viên là công nhân xa quê gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, CBCN định kỳ tổ chức cho đảng viên đi du lịch, tham quan các di tích lịch sử nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống cách mạng; tăng cường mối quan hệ gắn bó, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa cấp ủy chi bộ, đảng viên với các loại hình chi bộ khác trên địa bàn; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ...

Đáng ghi nhận là CBCN đã làm tốt việc tạo nguồn, phát triển đảng viên từ cán bộ, đoàn viên, hội viên trong các Chi đoàn Thanh niên xa quê, Chi hội Thanh niên công nhân và Chi hội Nữ công nhân nhà trọ... Từ 15 đảng viên khi mới thành lập năm 2017, đến nay, CBCN ở phường Mỹ Phước có 50 đảng viên chính thức là những công nhân có trình độ, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm. Đặc biệt, sau khi CBCN ở phường Mỹ Phước ra đời và hoạt động hiệu quả, Đảng bộ phường Thới Hòa và Đảng bộ xã Phú An cũng đã thành lập CBCN.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn thị xã Bến Cát đã thành lập được 3 CBCN với 133 đảng viên, chủ yếu là công nhân, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng chí Nguyễn Thị Yến Loan, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Bến Cát khẳng định: “Cùng với nhất quán chủ trương xây dựng tổ chức đảng trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, thì việc thành lập CBCN là cách làm sáng tạo, được thực tiễn kiểm định tính đúng đắn. Mô hình này không chỉ giải quyết bài toán trước mắt về nơi sinh hoạt của ĐVCN, khi các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, mà sẽ là loại hình tổ chức đảng quan trọng trong hệ thống tổ chức đảng trong thời gian tới”.

Với hiệu quả thấy rõ, được biết, ngay trong tháng 11-2023, Đảng bộ thị xã Bến Cát sẽ tổ chức sơ kết và triển khai nhân rộng mô hình CBCN ở tất cả 8 xã, phường trên địa bàn. Quan điểm của Ban Thường vụ Thị ủy là quyết liệt chỉ đạo nhân rộng, kết hợp với cẩn trọng nghiên cứu, từng bước hoàn thiện mô hình, tổ chức hoạt động theo phân cấp khi đội ngũ ĐVCN phát triển về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, cấp ủy địa phương sẽ tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức, cách thức sinh hoạt định kỳ; chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì nền nếp hoạt động của CBCN; cải tiến các hình thức học tập nghị quyết, sinh hoạt chuyên đề, kiểm tra, giám sát... cho thật sát với đặc thù của CBCN.

Chia tay đội ngũ cán bộ phường Mỹ Phước, chúng tôi hy vọng tới đây, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan Trung ương sẽ sớm quan tâm, thẩm định, nghiên cứu và nhân rộng mô hình CBCN trên phạm vi cả nước, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho ĐVCN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của đảng viên; góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên rộng khắp, chất lượng trong lực lượng công nhân; xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng với vai trò, vị trí của mình trong thời kỳ hội nhập, đổi mới.

Nhóm PV Báo QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/chi-bo-cong-nhan-mo-hinh-can-nhan-rong-751792