Chạy đua nước rút hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Hiện nay, các nhà thầu trên tuyến đã nỗ lực trong việc triển khai các mũi thi công và huy động máy móc thiết bị, tăng ca làm đêm nhằm đẩy tiến độ hoàn thành.

Những ngày đầu tháng 12/2023, Phóng viên Tạp chí GTVT đã ghi nhận tình hình thi công quyết liệt và "thần tốc" trên dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là một trong 2 dự án trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được các nhà thầu xây dựng hoàn thành vào cuối năm nay theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ nối vào cầu Mỹ Thuận 2 khi thông tuyến

Bộ GTVT chỉ đạo dự án phải hoàn thành trước 25/12, chỉ với khoảng thời gian hơn 2 tuần nhưng công trường vẫn còn một khối lượng công việc khổng lồ, việc hoàn thành và thông xe cùng với cầu Mỹ Thuận 2 là một thách thức vô cùng lớn.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án được khởi công vào năm 2021, đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại khu vực. Nhiều công nhân, thiết bị không thể về đến công trường để thi công. Bên cạnh đó, dự án gặp phải khó khăn lớn khi thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài, công tác GPMB chậm. Bên cạnh đó, việc biến động giá nguyên vật liệu và khan hiếm nguồn cát đắp gia tải cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Khu vực đường dẫn từ cao tốc xuống QL80 đang thi công dang dở do mặt bằng mới được bàn giao vào tháng 3/2023

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết, hiện nay, các nhà thầu trên tuyến đã nỗ lực trong việc triển khai các mũi thi công và huy động máy móc thiết bị, tăng ca làm đêm nhằm đẩy tiến độ hoàn thành. Không chỉ riêng các nhà thầu, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đã tăng cường nhân sự để phối hợp tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xử lý các vướng mắc trên công trường 3 ca liên tục. Lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng túc trực tại công trường để đôn đốc việc thi công", ông Thi nói.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận (thứ 2 từ trái sang) yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dự án

Hiện nay, trên công trường đang tập trung hơn 1.000 nhân công, cán bộ kỹ thuật, hơn 500 đầu máy móc thiết bị (210 lu, 17 máy rải, 13 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 93 máy đào, 200 ô tô vận chuyển các loại).

Với tinh thần thi công xuyên đêm, mục tiêu chung là hoàn thành dự án bằng mọi biện pháp. Trong đó ngoài việc bản thân các nhà thầu tăng cường nhân lực, tài chính, máy móc... nhiều nhà thầu khi hoàn thành các hạng mục như lu ủi đều đã hỗ trợ máy móc, nhân lực cho các nhà thầu còn lại.

Trên công trường không một giờ ngưng ca, khi về đêm đèn lu máy xúc sáng rực cả vùng trời, tiếng cười nói của các công nhân vẫn rền vang, không khí thi công khẩn trương, tấp nập trên cả 3 gói thầu xây lắp.

Nhà thầu nỗ lực huy động máy móc thiết bị đến công trường

Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Định An chia sẻ, nhà thầu luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia vào dự án. Tuy nhiên, khu vực thi công của đơn vị vướng GPMB, đến đầu 2023 mới được địa phương bàn giao. Nhưng với nhiệm vụ thông đường cao tốc từ TP. HCM về đến Cần Thơ trong năm nay để phục vụ người dân, nhà thầu đã huy động mọi nguồn lực từ thiết bị, con người, tài chính về công trường. Khi các hạng mục của đơn vị hoàn thành, nhà thầu cũng tổ chức hỗ trợ máy móc thiết bị cho các đơn vị khác. Nhà thầu cũng cam kết sẽ cố gắng hoàn thành tuyến chính, nút giao và các hạng mục phụ trợ trước ngày 25/12.

Ông Trần Văn Thi chia sẻ thêm, chưa bao giờ tinh thần thi công và sự tương trợ lẫn nhau của các nhà thầu được thể hiện nhiều như vậy. Trên đại công trường, máy móc thiết bị của các gói thầu đan xen nhau. Khi xe lu, máy ủi của đơn vị đắp nền đường xong, sẽ được điều phối, huy động sang gói thầu khác để hỗ trợ. Thậm chí có các nhà thầu như CC1, Khánh Cường… dù không tham gia dự án nhưng sẵn sàng hỗ trợ máy móc, thiết bị đến công trường.

Máy móc, thiết bị dày đặc tại công trường

Tại buổi kiểm tra dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu đã quyết liệt thi công trên công trường. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận đây là giai đoạn rất quan trọng, vì quỹ thời gian còn lại để thực hiện dự án không còn nhiều, tiến độ mỗi ngày đều có sự thay đổi rất rõ ràng, hôm nay nhà thầu này chậm, nhưng ngày mai có thể sẽ nhanh, do đó, thời điểm này chúng ta phải vì mục tiêu chung là hoàn thành dự án đúng tiến độ. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu phải nỗ lực thi công, huy động mọi nguồn lực đến công trường và không chấp nhận bất cứ sự chậm trễ nào từ phía các nhà thầu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra đôn đốc tiến độ dự án

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu phải bám sát đường găng tiến độ để thi công các hạng mục công trình. Thời gian thực hiện dự án đang tính lùi từng giờ, từng ngày. Nếu trong một hạng mục thi công chậm thì nhà thầu cần phải có giải pháp điều chỉnh, khắc phục. Chúng ta đã hứa là phải làm, cam kết ngày giờ đó hoàn thành là phải xong. Do đó, đến ngày 25/12 bắt buộc phải hoàn thành các hạng mục còn lại của tuyến chính, hệ thống an toàn giao thông, từ đó có thời gian chuẩn bị cho đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào kiểm tra, làm việc.

Nhà thầu thi công các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến

Tuy nhiên, trước những khó khăn thách thức tại dự án, lãnh đạo Bộ GTVT cũng động viên tinh thần thi công của các nhà thầu. Thời điểm này, giải pháp ưu tiên hàng đầu là đẩy nhanh tiến độ và thi công đảm bảo an toàn chất lượng. Những nỗ lực của nhà thầu sẽ được Bộ GTVT ghi nhận. Hơn hết, việc đưa dự án vào sử dụng khai thác đồng bộ, hiệu quả là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Đây cũng chính là niềm mong mỏi của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, có tổng chiều dài gần 23 km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng. Tuyến được thiết kế với vận tốc 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh 6 làn xe. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chay-dua-nuoc-rut-hoan-thanh-cao-toc-my-thuan-can-tho-183231213004820744.htm