Chật vật hoàn thuế giá trị gia tăng

Tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã có chuyển biến trong những tháng gần đây, nhưng hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông – lâm sản và sản phẩm chế biến vẫn mỏi mòn chờ đợi khoản tiền được hoàn trả lại trong bối cảnh chính họ đang thiếu vốn hoạt động.

Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành thuế phải hoàn đúng, hoàn đủ, hoàn kịp thời thuế GTGT. Sau những chỉ đạo trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục chỉ đạo ngành thuế kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Điều này giúp tiến độ hoàn thuế nhanh hơn những tháng gần đây với 10.000 quyết định hoàn thuế được ngành thuế ban hành sau 7 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, nhưng số thuế GTGT thực hoàn mới đạt 39% kế hoạch cả năm và bằng khoảng 85% so với cùng giai đoạn năm 2022.

Không ít doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi tiền hoàn thuế, tức số tiền đã ứng trước cho ngân sách và sẽ được hoàn trả nên sau khi doanh nghiệp đáp ứng được các quy định pháp luật Nhà nước, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nguồn tài chính eo hẹp, lãi suất ngân hàng còn cao hơn tỷ suất lợi nhuận thu được từ xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ gặp khó khăn do không thể đáp ứng các quy định hoàn thuế hiện hành. Ảnh: MINH DUY

“Nút thắt” quy định hoàn thuế

Trong những chia sẻ với báo chí, đại diện cơ quan thuế thường nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Đồng thời rà soát, tập hợp các hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán, các tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra của cơ quan thuế và tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận, giải quyết của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tại doanh nghiệp lại cho thấy doanh nghiệp rất khó đáp ứng đầy đủ quy định về hóa đơn đầu vào, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất sứ sản phẩm.

Bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần 12-11 Hạ Long, cho biết số tiền chậm hoàn thuế của doanh nghiệp đã lên đến hơn 150 tỉ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp cạn nguồn lực, người lao động phải nghỉ việc và các thiết bị, máy móc với giá trị đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng phải ngừng hoạt động.

Nguyên nhân chậm hoàn thuế, theo đại diện doanh nghiệp, là trong các hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ khác phải chờ xác minh nguồn gốc gỗ trồng trong nước. Nhưng việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng là không khả thi vì có tình trạng người có sổ thì không có rừng, người trồng rừng thì không có sổ. Ngoài ra, gỗ keo còn được trồng ở bờ sông, bờ ao.

Như vậy, nhiều người dân trồng và bán gỗ không có sổ đỏ để chứng minh diện tích rừng trồng đó là của mình.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng tại Thanh Hóa, cho biết quy định truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ yêu cầu phải xác minh tới tận hộ trồng rừng. Tuy nhiên, một lô hàng xuất khẩu của đoanh nghiệp được mua từ vài chục hộ trồng rừng tại rất nhiều các địa phương khác nhau.

Do đó, doanh nghiệp phải rút hồ sơ và tạm thời hoãn nộp hồ sơ hoàn thuế để tập trung vào sản xuất – kinh doanh, tìm đầu ra cho đơn hàng mới trong bối cảnh không đủ thời gian và nhân lực để xác minh đầy đủ số hộ bán gỗ cho doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Vướng mắc trong vấn đề hoàn thuế GTGT không chỉ xảy ra với các trường hợp xuất khẩu sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng mà còn đối với các trường hợp xuất khẩu tại chỗ.

Ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KoCham) cho biết hoàn thuế GTGT là một trong những vướng mắc chính của các doanh nghiệp nước này khi thời gian giải quyết vấn đề hoàn thuế dần tốn nhiều thời gian hơn.

Vị này cũng cho biết đã nhận được thông tin một số doanh nghiệp không thực hiện hoàn thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ và đặt vấn đề rằng “Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cùng trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng Tổng cục Thuế lại không chấp thuận hoàn thuế GTGT với các trường hợp đã được cơ quan hải quan công nhận và cấp phép”.

Thông tin thêm tại hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp Hàn Quốc chiều 16-8, ông Youn Chel Woon, Tổng giám đốc Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), cho biết nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), với tỷ trọng xuất khẩu đến 90%, đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp chế xuất (EPE) và được phê duyệt vào 1-5-2021. Nhưng thời điểm trước và sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì phát sinh vấn đề hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, SEHC chưa được hoàn số tiền 24 triệu đô la Mỹ thuộc giai đoạn trước khi chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất. Ngoài ra, 20 triệu đô la thuộc giai đoạn từ tháng 6-2021 đến tháng 12-2022, giai đoạn sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, cũng chưa được hoàn.

Cũng theo ông Youn Chel Woon, Cục thuế TPHCM đã kiểm tra trong 2 tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế và có hai lần gửi công văn báo Tổng cục thuế. Tới 3-7, Tổng cục thuế chủ trì một cuộc họp với các bên để thảo luận vấn đề này nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Bên cạnh những vướng mắc trên, một điểm đáng lưu ý được ông Thang Văn Thông, đại diện chi Hội Dăm gỗ Việt Nam, chỉ ra là yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng khiến việc xác minh được chuyển sang bên thứ ba là cơ quan công an, do Chi cục Thuế địa phương không có chức năng này. Điều này khiến thời gian xác minh kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thuế.

Bên cạnh vấn đề thời gian, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá việc có những trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế được chuyển cho cơ quan công an điều tra xác minh, dù chưa phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế theo quy định pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm – theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín cũng như hoạt động thông thường của doanh nghiệp xuất khẩu.

“Thường thì khi doanh nghiệp có hồ sơ nằm ở diện ‘công an đang điều tra, xác minh’ là rất nhiều hoạt động có thể tạm dừng như vay vốn ngân hàng, nhận đầu tư từ các quỹ, kí kết hợp đồng thương mại khác”, đại diện Ban IV lo ngại.

Tổng kết, đại diện Ban IV cho rằng những bất cập trong công tác hoàn thuế khiến các doanh nghiệp xuất khẩu, vốn là đối tượng được hoàn thuế, phải chịu nhiều rủi ro nhất khi phải chịu trách nhiệm thay cho một số doanh nghiệp tham gia các khâu trung gian trong chuỗi cung, mà không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt đối với các chuỗi cung phức tạp có sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng. Những trường hợp khác, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải chịu rủi ro ngoài phạm vi kiểm soát khi doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài đã ký và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thương mại nhưng vì lý nào đó “không còn tồn tại” sau đó. Đó là vướng mắc của các DN xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Theo số liệu tính toán sơ bộ mà các hiệp hội ngành hàng phản ánh với cơ quan này, số tiền chưa được hoàn thuế GTGT tính đến tháng 6-2023, là 6.100 tỉ đồng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 500-700 tỉ đồng với Hiệp hội Cao su Việt Nam, dưới 1.000 tỉ đồng với Hiệp hội sắn Việt Nam, hơn 100 tỉ đồng với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với con số 199 hồ sơ chưa được hoàn thuế thuộc mọi lĩnh vực chưa được cơ quan thuế giải quyết tính đến 17-5-2023, tương ứng 1.119 tỉ đồng được đề nghị hoàn.

Lý giải điều này, đại diện Ban IV cho biết các hiệp hội và doanh nghiệp phản ánh, phần lớn hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT “có vướng mắc” từ giai đoạn cuối năm 2021 tới nay chưa được giải quyết, trong khi có quy định “chưa giải quyết xong hồ sơ 1 thì chưa được nộp tiếp hồ sơ 2”, nên số tiền đọng chưa được hoàn trên thực tế như “cục máu đông” ngày càng phình to, làm nghẽn “mạch máu” dòng tiền của DN .

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi lối ra

Hiểu những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng nếu cơ quan thuế kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp nộp mà thấy không đạt thì phải lập tức thông báo ngay với doanh nghiệp để chỉnh sửa và bổ sung. Đặc biệt trong hình thức kiểm trước – hoàn thuế sau thì quá trình kiểm tra phải được cơ quan kiểm tra thực hiện một cách nhanh chóng. Với những trường hợp không chắc chắn, cơ quan thuế có thể đề nghị lên cấp cao hơn, nhằm tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trong quá trình hoàn thuế.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất là cơ quan thuế phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp về việc chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ đầu vào, quá trình sản xuất kinh doanh và đầu ra. Từ đó, có thể hoàn thuế một cách nhanh chóng nhất.

Về phía Tổng cục Thuế, việc áp dụng công nghệ giúp hoạt động kiểm – thanh tra và hoàn thuế là rất quan trọng.

“Cần có những kho dữ liệu lưu trữ tình hình xuất – nhập khẩu cũng như thanh toán, hoàn thuế của các doanh nghiệp trong phạm vi mình quản lý. Trên cơ sở đó, nếu có vấn đề bất thường, có thể rà soát, kiểm tra lại ngay”, ông Thịnh nói và cho rằng việc này giú giảm thiểu quá trình kiểm tra, đảm bảo tính an toàn, thời hạn và cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thuế.

Cũng theo ông Thịnh, hóa đơn điện tử là cơ hội để cơ quan quản lý và doanh nghiệp giảm thiểu tối đa các thủ tục, hồ sơ và chi phí cho quá trình thanh toán, đóng thuế và quá trình tiếp cận với chính sách.

Với các doanh nghiệp ngành gỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) từng cho biết việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp tại Công văn số 8187/BNN-TCLN. Cơ quan này cũng khuyến nghị cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là với các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu có uy tín.

Để hạn chế rủi ro doanh nghiệp không chuẩn bị thủ tục, giấy tờ không do doanh nghiệp mua/bán hàng đã ngưng hoạt động, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ quan thuế chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp và chính xác của giấy tờ, hồ sơ mua/bán hàng tại thời điểm hai bên tiến hành giao dịch, vì nhiều trường hợp doanh nghiệp dừng hoạt động/phá sản chỉ sau thời gian ngắn do khó khăn về dòng vốn, nhân sự, môi trường kinh doanh.

“Nhiều doanh nghiệp phá sản/giải thể chỉ sau vài tháng hoạt động, nên chỉ cần chứng minh doanh nghiệp đối tác vẫn hoạt động bình thường tại thời điểm giao dịch, xuất hóa đơn”, ông Thịnh cho biết.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chat-vat-hoan-thue-gia-tri-gia-tang/