Cha tôi là người hành quyết tử tù

Đối với Kristin Fitzgerald, cha cô - Donald A. Cabana người từng chủ trì thực hiện hàng loạt buổi hành quyết tử tù ở Mỹ - chỉ đơn giản là một người cha.

Sau bữa tối, cha và tôi thường ngồi nắm tay nhau trên chiếc ghế xích đu đung đưa qua lại và ông sẽ đố tôi về những chủ đề yêu thích của cả hai cha con.

“Đố con biết thủ đô của Vermont tên là gì?”.

“Cuộc xét xử phù thủy Salem diễn ra vào năm nào?”.

“Ai là cầu thủ bóng chày cuối cùng đạt tỷ lệ vụt trúng .400?”.

Khi còn là một cô nhóc tám tuổi với năm anh chị em ruột, tôi đặc biệt trân quý những khoảnh khắc như vậy của hai cha con. Cha vừa kết thúc sự nghiệp làm quản ngục, gia đình chúng tôi vừa chuyển tới sống ở Hattiesburg, Mississippi để cha bắt đầu học lấy bằng PhD (Tiến sĩ) chuyên ngành giáo dục cho người trưởng thành tại Đại học Nam Mississippi.

Donald A. Cabana vào năm 2003. Nguồn: nytimes.

Khi cha còn làm công việc quản ngục, tôi cùng anh trai sinh đôi từng chơi đùa ở những phòng tập trung trong nhà tù nhưng sau đó chúng tôi dành hàng giờ đồng hồ chạy lên chạy xuống cái cầu thang chật hẹp, dốc đứng dẫn tới văn phòng của cha ở McCleskey Hall - một tòa nhà cũ nát được xây theo quy chuẩn xây dựng từ những năm 1930.

Ngay cả ở thời điểm đó, khi vẫn còn đang theo học tiến sĩ, cha đã bắt đầu giảng dạy ở các trường Đại học Harvard, Cambridge và Yale. Chúng tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi từ Dateline và chương trình Today. Một đoàn phim Đức tới nhà chúng tôi để làm phim tài liệu, nhà báo nổi tiếng Chris Cuomo cũng tới thị trấn nhỏ bé của chúng tôi để phỏng vấn cha mẹ tôi cho chương trình 20/20 của ABC News.

Tôi nhớ rất kĩ cuộc phỏng vấn ngày hôm ấy bởi vài ngày trước đó mẹ đã bắt chúng tôi lau dọn phòng bếp vì lo sợ rằng nhỡ đâu có vết bụi bẩn nào đó ở cảnh nền lọt vào trong khung hình ngay trên chương trình truyền hình quốc gia. Các hãng truyền thông tìm tới phỏng vấn cha và coi ông thuộc vào số ít những “chuyên gia về án tử” tại Mỹ bởi cha từng chủ trì hai buổi hành quyết ở Trại giam bang Mississippi khi còn là quản ngục cũng như từng tham gia vào nhiều buổi hành quyết khác ở bang Missouri và Florida. Ông không ngần ngại thể hiện sự phản đối với án tử hình, trở thành tiếng nói vững chãi đầy kinh nghiệm trong cộng đồng phản đối hình phạt tử hình.

Nhưng đối với tôi và các anh chị tôi, ông chỉ đơn giản là một người cha. Chúng tôi trêu chọc ông về các buổi phỏng vấn bởi biết rõ rằng người đàn ông mang vẻ chuyên nghiệp và nghiêm túc trên truyền hình nhưng khi về nhà lại chơi trò giả vờ như “Chỉ con gái thôi, không có con trai” và “Ghế công viên” (ý tưởng và luật của trò chơi lại thay đổi mỗi lần chúng tôi chơi). Cả sáu người chúng tôi dành ra không biết bao nhiêu giờ đồng hồ để thoát khỏi những màn khóa đầu, khóa cổ cùng những trò chơi mà cha phải vận hết sức lực để chống lại mấy đứa trẻ con chúng tôi.

Cha dạy chúng tôi cổ vũ và dạy cả cách chửi bới đội Red Sox, chúng tôi chửi thề mỗi khi họ mắc lỗi. Tuy nhiên, chính đội Yankees mà cụ thể là Derek Jeter mới là mục tiêu cho những cơn thịnh nộ liên quan tới bóng chày bộc phát ra từ cha.

Các sĩ quan di chuyển một chiếc ghế ra khỏi phòng thi hành án tử hình tại Nhà tù bang San Quentin vào năm 2019. Nguồn: sfchronicle.

Nếu trích lời của nhân vật Ralphie trong phim A Christmas Story (Câu chuyện Giáng sinh) - một trong những nhân vật trong phim yêu thích của cha, thì cha tôi “làm việc trong môi trường toàn sự thô tục giống như các nghệ sĩ làm việc với dầu và đất sét. Đó là phương tiện đích thực của ông ấy”. Cha còn áp dụng “phương tiện” của mình để thể hiện thái độ với đồ ăn bị cháy, tài xế lái ẩu và các anh trai của tôi.

Cha chưa từng giảng giải cho chúng tôi về hình phạt tử hình hay nói về quan điểm của ông đối với hệ thống tư pháp. Hầu hết trong các bữa tối, gia đình chúng tôi đều dành thời gian để cha mẹ con cái trò chuyện tại bàn ăn. Những cuộc trò chuyện của gia đình như vậy cũng đủ để giáo dục các vấn đề cho mấy đứa trẻ chúng tôi.

Thực ra, phần lớn thời gian khi cha chủ trì bữa tối, chúng tôi thường cười bò ra về chuyện đùa nào đó. Chúng tôi nói chuyện về tin tức hoặc ai đó ở trường học và rồi bất chợt mấy câu chuyện ấy sẽ gợi nhớ cho cha về câu chuyện cười nào đó. Cha sở hữu khiếu hài hước tuyệt vời và tài bắt chước giọng điệu cùng lối cư xử khác nhau để diễn tả tại câu chuyện cho chân thực; cha là một người kể chuyện hoàn hảo.

Nhưng giữa những khoảnh khắc tràn ngập tiếng cười ấy, đôi lúc có sự nghiêm túc chen ngang như khi cha mang công việc về nhà. Cha quay trở lại Trại giam bang Mississippi khi tôi học đại học rồi sau đó làm quản ngục cho nhà tù của khu vực gần Hattiesburg.

Thỉnh thoảng, sau khi xảy ra chuyện ở nơi làm việc, cha thường ngồi thờ thẫn nhìn vào khoảng không và lẩm bẩm gì đó với bức tường thay vì với người nào đó để than thở về việc ông không tài nào hiểu nổi một số người ông làm việc cùng, dù đó là tù nhân hay những sĩ quan quản ngục khác. Những người không cảm thấy chút thương xót nào. Những người lạm dụng trẻ em hay ra tay sát hại người khác một cách tàn bạo. Những người áp đặt uy quyền của mình lên người khác.

Tuy vậy, cha vẫn luôn tỏ ra là con người đầy lạc quan hơn so với những người trong nghề. Niềm tin Công giáo của ông vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời của cha, cứu vớt lấy tinh thần và trao cho cha góc nhìn thường bị bỏ qua trong công việc của ông. Cha tin rằng ai cũng có khả năng thay đổi và thực sự thay đổi. Đối với cha, kể cả những tù nhân cũng có thể thay đổi, những người được giao phó cho ông quản thúc.

Có lẽ, bằng chứng sâu sắc nhất về niềm tin của ông đã xuất hiện sau khi cha qua đời. Khi anh trai và tôi dọn dẹp văn phòng của cha, giữa đống hộp đựng đầy các giải thưởng và huân chương của cha, chúng tôi phát hiện rất nhiều các bài thơ, lá thư và các bức vẽ mà những tù nhân gửi tặng cha trong suốt sự nghiệp của ông. Họ cảm ơn ông vì đã đối xử với họ bằng sự tôn trọng. Vì đã cho họ hy vọng. Vì đã giúp họ thay đổi.

Những năm tháng sau khi cha qua đời, những kí ức của tôi về ông không hề liên quan tới những thành tích của ông. Cũng giống với ai từng biết tới cha, tôi vẫn luôn ghi nhớ nhất về cảm giác ông dành cho tôi: cảm thấy được yêu thương.

Trong tâm trí tôi không phải hình ảnh của cha đứng sau bục giảng để diễn thuyết, cũng không phải khi ông đi dọc theo hành lang để kiểm tra từng phòng giam. Mà đối với tôi, cha vẫn còn ngồi ở chiếc ghế xích đu cùng tôi sau giờ ăn tối, nắm lấy tay tôi và đặt cho tôi những câu đố.

------------------

Kristin Fitzgerald là một người vợ ở nhà nội trợ và là chủ của một doanh nghiệp nhỏ. Cô sống ở Nashville, bang Tennessee cùng với chồng và ba con.

Joshua David Stein - Nhóm biên tập Fatherly / Gieo Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-toi-la-nguoi-hanh-quyet-tu-tu-post1441128.html