'Cây thoát nghèo' ở vùng khó

Trên những diện tích đất cằn cỗi, hoang hoải, bà con dân tộc Thái, Mường... huyện Lang Chánh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Những loại cây trồng mới như: vầu, chanh leo, cây dược liệu, cây gai xanh... đã, đang tạo nên 'luồng gió mới' trong phát triển nông nghiệp, trở thành những cây trồng chủ lực ở huyện miền núi Lang Chánh.

Anh Vi Văn Thu, bản Bôn, xã Yên Khương bên rừng vầu của gia đình.

Khi đất cằn được “đánh thức”

Yên Khương là xã vùng biên của huyện miền núi Lang Chánh, với quỹ đất nông nghiệp hạn chế, đất đồi rừng kém hiệu quả chiếm diện tích lớn. Thiếu đất sản xuất là một phần nguyên nhân dẫn tới đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Gần 10 năm, sau khi thực tế hiệu quả từ mô hình trồng vầu ở huyện Quan Sơn, nhận thấy cây vầu đắng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; loại cây trồng có nhiều điểm nổi bật, giá trị kinh tế cao,... UBND xã Yên Khương đã đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con Nhân dân mở rộng diện tích, chuyển đổi những diện tích đất luồng kém hiệu quả sang trồng vầu.

Vốn là loại cây trồng gắn bó với người dân địa phương từ lâu, tuy nhiên chủ yếu là diện tích vầu tự nhiên, bị suy thoái. Sau khi cải tạo, mở rộng diện tích trồng vầu mới, xã đã hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để cung cấp cho các thôn, bản cũng như phân phối cho các xã lân cận. Nhờ đó, diện tích trồng vầu ở Yên Khương không ngừng được mở rộng.

Anh Vi Văn Thu, bản Bôn, xã Yên Khương, một trong những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi gần 10 ha đất nông nghiệp hoang hóa sang trồng vầu đạt hiệu quả, cho biết: Lâu nay cây vầu đắng tự nhiên vẫn mọc và phát triển ở vùng núi rừng Yên Khương. Tuy nhiên, loài cây này bấy giờ chủ yếu phục vụ hộ gia đình, chưa được đưa về trồng tập trung, khai thác giá trị thương mại. Là loại cây với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và sinh trưởng nhanh, vòng đời sau 3 đến 4 năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài lên tới 60 năm. Không những vậy, loại cây này thân thiện với môi trường, có khả năng giữ ẩm, giữ mạch nước ngầm tốt...

Theo anh Thu, giá trị cây vầu cao hơn hẳn so với những loại cây trồng khác, với mức giao động từ 1,8-2 triệu đồng/tấn, mỗi hecta vầu cho thu nhập lên tới 70 triệu đồng. “Cây vầu có thể sử dụng trong đan lát thủ công, làm tăm và vật liệu xây dựng nhà, quán cafe... nên được thị trường ưa chuộng, cánh thương lái đến tận nơi nhập hàng” - anh Thu phấn khởi cho biết.

Với gia đình ông Hà Văn Quỳnh, thôn Chí Lý, xã Yên Khương, kể từ khi chuyển đổi diện tích trồng luồng kém hiệu quả sang trồng vầu, thu nhập từ loại cây trồng này đã giúp đời sống gia đình được nâng lên rõ rệt. Ông Quỳnh cho biết: Gia đình hiện có hơn 4 ha vầu, thu hoạch luân phiên cả năm. Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây vầu phát triển tốt và phủ xanh toàn bộ diện tích đất luồng suy thoái trước kia, có những cây hơn 3 năm đã có đường kính từ 7-10cm, tỷ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Hiện 1 ha vầu có thể thu về 45-60 tấn nguyên liệu.

Từ những hộ dân ban đầu mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng vầu, đến nay phong trào trồng vầu tại xã vùng biên Yên Khương đã nhân rộng ra cả xã. Theo thống kê, hiện toàn xã Yên Khương đã trồng được gần 500 ha rừng vầu và phục tráng 280 ha vầu tự nhiên. Ở thời điểm hiện tại có khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã đang có thu nhập từ cây vầu, hộ ít cũng vài ha, hộ nhiều hơn cả chục ha. Vầu được trồng tập trung ở các bản: Giàng, Chí Lý, Bôn, Nặm Đanh, Tứ Chiềng... Nguồn thu nhập từ cây vầu góp phần nâng giá trị bình quân thu nhập đầu người từ 8 triệu đồng/năm (năm 2010) lên trên 19 triệu đồng/năm (năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo còn 34,08%.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh cho biết: Xác định vai trò của chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài những cây trồng truyền thống như cây lúa, cây luồng thì thời gian vừa qua, huyện đã, đang khuyến khích bà con địa phương mở rộng diện tích các loại cây trồng mới, có giá trị thu nhập kinh tế cao như: cây vầu, cây chanh leo, cây dược liệu, cây gai xanh...

Đơn cử, tại xã Tam Văn, cây dược liệu được trồng trên diện tích hơn 3 ha, chủ yếu là cây kim ngân hoa. Số diện tích cây dược liệu hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt. Theo đánh giá của bà con xã Tam Văn, cây kim ngân hoa rất dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều, trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cùng lúc trồng kim ngân hoa, bà con cũng có thể trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác. Theo kế hoạch, hàng năm xã Tam Văn sẽ quy hoạch thêm khoảng 5 ha diện tích đất trồng cây dược liệu.

Tại xã Trí Nang, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng như cây sâm Ngọc Linh và giống lan kim tuyến bước đầu đạt kết quả khả quan, mở ra triển vọng phát triển vùng trồng cây dược liệu quý cho người dân địa phương. Sâm Ngọc Linh được trồng với gần 10.000 cây giống, trong đó có 7.000 cây là trực tiếp đem hạt sâm gieo. Qua theo dõi, giống sâm được trồng dưới tán rừng đang phát triển tốt, cây khỏe, đã ra hoa và quả, có luống cây từ 3-4 năm tuổi trở lên, dần được thu hoạch. Với giống lan kim tuyến đang được trồng thử nghiệm, đây là giống cực kỳ quý hiếm, đang phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt cao. Hứa hẹn, đây sẽ là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhân rộng.

Theo thống kê, diện tích trồng vầu toàn huyện khoảng 850 ha, tập trung ở 3 xã: Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú. Bên cạnh cây vầu đang được xem là “cây thoát nghèo”, huyện cũng đang tập trung mở rộng diện tích trồng các loại cây dược liệu với hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021 diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện là 10,5 ha; năm 2023 dự kiến diện tích sẽ được mở rộng hơn 20 ha. Để khuyến khích bà con Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện Lang Chánh cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ như: Hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng cây ngải cứu; 25 triệu đồng/ha đối với các loại cây: bách bộ, mạch môn đông, thiên môn đông, kim ngân hoa...

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với giá trị kinh tế cao phù hợp trên cùng một đơn vị diện tích được xem là một nội dung lớn trong “tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững” của huyện Lang Chánh. Đến nay, các mô hình trên bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cay-thoat-ngheo-o-vung-kho/181450.htm