Cây đổ, cổng trường sập đè chết học sinh và những cảnh báo về an toàn chốn học đường

Sau khi cổng trường đổ đè chết 3 học sinh ở Lao Cai vào ngày 7.9.2020, ngày hôm sau Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo, điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức có liên quan. Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng được chỉ đạo kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học, bảo đảm an toàn cho học sinh...

Báo động tai nạn nơi trường học

Năm học 2020-2021 vừa bắt đầu nhưng chúng ta đã phải đón nhận những tin không vui xảy ra ở ngay thánh đường chữ nghĩa. Cổng trường ở điểm trường Bản Phung (Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cai) ) đổ sập khiến 3 học sinh tử vong, 3 học sinh khác bị thương vào hôm 7.9. Ít ngày sau, ngày 11.9, trong giờ ra chơi, một nhóm học sinh lớp 5 ở Trường tiểu học Nam Lộc (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ra cổng trường chơi và bị bức tường rào nhà dân ở sát cổng trường đổ sập khiến 1 em tử vong.

Năm học vừa qua còn xảy ra những vụ tai nạn như sập trần phòng học mầm non tại Thanh Hóa khiến 6 em học sinh phải nhập viện, một em học sinh tử vong vì điện giật khi tham gia lao động ở trường học, cây đổ trong sân trường ở quận 3, TP.HCM khiến một học sinh tử vong. An toàn trường học rõ ràng trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Nguy cơ mất an toàn trong trường học: đổ cột cổng đã xảy ra tai nạn thương tâm và sẽ tai nạn còn rình rập do để trẻ em hoạt động tại nơi nguy hiểm. Ảnh tư liệu

Trong giai đoạn xây dựng nhanh, công trình nào cũng ẩn chứa nguy cơ mất an toàn, nhưng ở trường học thì khả năng thích ứng nguy cơ kém hơn. Bởi vậy mà sau vụ tai nạn cây phượng lâu năm bật gốc, đè học sinh khiến một em tử vong thì các trường cuống lên chặt cây hay mở các cuộc rà soát ồn ào nhưng không có giải pháp khắc phục triệt để, chủ động.

Không chỉ ở vùng sâu vùng xa chất lượng xây dựng trường học kém mà trong thành phố cũng đáng lo ngại: trường học ngày nay càng được làm mới, quy mô càng lớn, cấu tạo càng phức tạp… thì nguy cơ rủi ro càng nhiều. Nhiều trường đã xây rất cao, có thang máy hay dàn mái di động che sân trường rất lớn nên các thiết bị cơ/điện phức tạp hơn rất nhiều. Có trường còn có bếp ăn riêng nên nguy cơ cháy không ít... Điều đáng lo ngại là sự cố xảy ra nhiều nhưng từ Bộ GD&ĐT cho đến chính quyền địa phương chỉ mới dừng lại ở việc ra công văn chỉ đạo manh mún theo từng vụ việc thì rõ ràng các bên liên quan chưa nhận thức chưa đầy đủ tính nghiêm trọng của sự việc. Để đảm an toàn trường học thì cần nhiều hơn thế.

Ai chịu trách nhiệm?

Hàng ngày cả nước có hàng chục triệu trẻ em đến trường, gia đình gửi gắm niềm tin vào ngành giáo dục và kỳ vọng nhà trường là thánh đường chữ nghĩa, là nơi an toàn cho con trẻ. Chính vì vậy Thủ tướng đã có chỉ thị “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích …” (trích Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em). Phụ huynh học sinh nói riêng và cộng đồng xã hội thực sự quan tâm và quan trước những vụ việc mất an toàn trong trường học xảy ra như trong thời gian qua. Và, trách nhiệm đó thuộc về ai? Đặc biệt, bài học gì đã được rút ra nhằm quyết tâm đẩy lùi tai nạn học đường, để những sự cố đáng tiếc không còn lặp lại?

Bồn hoa giãn cách an toàn cho trẻ em với mặt nước an (Singapore); Chân tường vuốt cong để trẻ em không leo trèo nguy hiểm, sân trải thảm mềm chống trầy xước (Sanfrancisco- Mỹ). Ảnh tư liệu

Nguyên nhân mất an toàn trường học có thể xảy ra tại bất cứ khâu nào: từ thiết kế thi công đến vận hành, hoạt động. Có thể xảy ra rủi ro trong trạng thái bình thường hay bất thường (mưa bão, thiên tai, sự cố điện điện…) trong khi năng lực nhận thức và biện pháp ứng phó rủi ro của thầy cô giáo và học sinh còn khá hạn chế. Liên quan đến chất lượng xây dựng công trình trường học là cả bộ máy dính dáng đến, từ cấp tỉnh/thành tới địa phương. Còn phía Bộ GD&ĐT vốn có Viện Nghiên cứu thiết kế xây dựng trường học, các viện nghiên cứu khoa học giáo dục… là các cơ quan được bố trí nguồn nhân lực và ngân sách để xây dựng các tiêu chuẩn an toàn từ công trình đến hành vi của các lứa tuổi, cách phòng ngừa rủi ro…

Tất nhiên thầy trò, từ thực tế xảy ra xung quanh tại trường học, rất cần chủ động tự nâng cao ý thức. Như trường hợp một cơ sở giáo dục đã tự căng lưới an toàn vào lan can cầu thang vì cô hiệu trưởng và phụ huynh nhận ra nguy cơ mất an toàn, thì rõ ràng rất đáng hoan nghênh; nhưng lại có sự việc cô giáo cho học sinh nhặt rác tại ban công không lan can, vì muốn giáo dục ý thức lao động cho trẻ, thì lại phải phê bình và rút kinh nghiệm. Rõ ràng, sự nhận thức về nguy có rủi ro rất tự phát và quá chênh lệch, do vậy người chịu trách nhiệm cao nhất là lãnh đạo các UBND tỉnh/thành và Bộ GDĐT mới có đủ quyền năng để vận hành bộ máy thuộc quyền thực thi trách nhiệm, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh… đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như đã nêu.

Kiến trúc an toàn, thân thiện trước thách thức mới

Từ năm 2000, trong các chương trình nghị sự toàn cầu, giới Kiến trúc sư (KTS) đã bàn thảo đến khả năng thích ứng của kiến trúc đô thị trước các thách thức, rủi ro. Các KTS Việt Nam cũng rất rất chủ động. Nhiều nhóm kiến trúc sư không quản ngại gian nan, đến những vùng xa xôi để tạo lập các ngôi trường học hấp dẫn, sinh động an toàn với chi phí thấp và điều này rất đáng quý.

Làm đường đi bộ khô ráo, an toàn rào chắn ngăn xe máy; Kẻ làn đường ưu tiên đi bộ, không để xe máy đi lẫn tại phường Hạ Đình – Hà Nội.

Đơn cử, tại Hà Nội có nhóm KTS đã hàng chục năm đi sâu vào chuyên đề tạo dựng đường đi học an toàn đến trường ngay bước đầu đạt kết quả. Các KTS tình nguyện Hà Nội đang đồng hành với các đơn vị thuộc quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh các hoạt động kiến trúc thân thiện với con người các tiêu chí quan trọng, gồm: An toàn cho mọi người (đặc biệt là cho trẻ emvà nhóm yếu thế); Chuyển đổi số hóa mô hình quản trị chất lượng kiến trúc đô thị (trong đó có trường học); Thích ứng với các thách thức mới; Kinh tế/dịch bệnh/biến đổi khí hậu. Những kết quả ban đầu sẽ sớm được chia sẻ với cộng đồng xã hội nhằm tới mục tiêu tạo lập môi trường sống an toàn, bắt đầu từ các trường học. Tất nhiên, dù rất cần thêm những chương trình như thế thì phía trường học và đơn vị chủ quản cũng phải chủ động rà soát, kiểm tra để đảm bảo an toàn trường học, từ kết cấu tường ốc, cửa nẻo, hàng rào, cây xanh...

Một vài góp ý nhỏ như vậy để thấy rằng, công trình trường học và môi trường học đường luôn là thực thể cần phải được quan tâm đặc biệt. Dù là những tai nạn không may nhưng rõ ràng với tần suất liên tục xảy ra ở chốn học đường như vậy thì cần phải có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời và hiệu quả. Cần tạo cho những chủ nhân tương lai của đất nước điều kiện học tập an toàn, nhiều tiện ích chứ không phải nơm nớp lo khi đến trường. Và để những nỗi đau đang tiếc không còn lặp lại thì cần chấm dứt ngay lề lối làm việc đối phó, hữu sự mới giật mình mà như bao lớp tiền nhân đã răn dạy: đừng để mất bò mới lo làm chuồng!.

Trích Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ Số: 23/CT-TTg, Hà Nội, ngày 26.5.2020:

Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:

1. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp

a) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em;

b) Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương;

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em (...).

Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cay-do-cong-truong-sap-de-chet-hoc-sinh-va-nhung-canh-bao-ve-an-toan-chon-hoc-duong-25359.html