Câu đố tiếng Việt: Điều gì người có lại đi xin người không có?

Thông thường, người ta chỉ đi xin cái mình chưa có hoặc có rất ít. Và tất nhiên, phải xin người có thứ mình mong muốn.

Ảnh minh họa

Trong chương trình Nhanh như chớp, MC Trường Giang từng đưa ra câu đố "Điều gì mà người có lại đi xin người không có?" khiến người chơi và khán giả phải "xoắn não" suy nghĩ. Sau khi nhận được câu hỏi, người chơi Phương Linh đã phải suy nghĩ một hồi lâu nhưng vẫn không đưa ra được đáp án đúng. Còn bạn thì sao?

Thông thường, người ta chỉ đi xin cái mình chưa có hoặc có rất ít. Và tất nhiên, phải xin người có thứ mình mong muốn. Vì vậy, câu hỏi của chương trình đưa ra rõ ràng hơi có phần "tréo ngoe". Rõ ràng nếu chỉ suy nghĩ theo cách thông thường, rất nhiều người sẽ bó tay.

Nếu bạn vẫn chưa tìm ra câu trả lời thì bật mí luôn với bạn đây. Đó chính là... Xin lỗi. Nghe xong mới thấy thật là đơn giản. Lỗi thì mình có, nhưng muốn người ta tha lỗi thì đành phải xin thôi, hợp lý chưa nào?

Văn hóa xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Nhận ra lỗi lầm và chân thành nhận lấy nó để mong được tha thứ sẽ làm dịu bớt cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Biết cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người. Đó cũng là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội.

Một lời xin lỗi chân thành và hiệu quả là lời xin lỗi truyền đạt sự đồng cảm thực sự, sự ăn năn và hối hận cũng như lời hứa sẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bạn. Nói cách khác, bạn cần thực sự tin rằng mình đã làm sai điều gì đó và cảm thấy hối tiếc vì những tổn thương mà bạn đã gây ra.

Một lời xin lỗi không giúp xóa bỏ tổn thương hay làm cho mọi chuyện ổn thỏa, nhưng nó cho thấy rằng bạn biết hành động hoặc lời nói của mình là sai và bạn sẽ cố gắng hơn nữa trong tương lai để ngăn điều đó xảy ra lần nữa. Nghiên cứu cho thấy rằng một số lý do chính khiến mọi người không xin lỗi là họ không thực sự quan tâm đến người kia, xin lỗi đe dọa hình ảnh bản thân của họ hoặc họ tin rằng lời xin lỗi sẽ không có tác dụng gì.

Nếu bạn là người rất khó xin lỗi ai, thì những gợi ý sau đây có thể giúp bạn: một lời xin lỗi có ý nghĩa bao giờ cũng có dấu ấn của ba chữ r: regret (hối tiếc), responsability (trách nhiệm), remedy (chữa trị).

Hối tiếc là bạn muốn cho người đó biết thật ra trong thâm tâm, bạn đâu có muốn xúc phạm người đó. Cần cho người đó biết sự hối tiếc này, vì nó chứng tỏ bạn thừa nhận là mình đã sai. Trách nhiệm là bạn ngầm bảo chỉ có bạn chịu lỗi, không đổ lên đầu ai khác. Một thái độ rất can đảm. Chữa trị là thái độ chân thành muốn sửa sai, vì thế bạn thấy con cái (còn nhỏ) xin lỗi cha mẹ bao giờ cũng lí nhí kèm theo câu: "Con không dám tái phạm nữa!".

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cau-do-tieng-viet-dieu-gi-nguoi-co-lai-di-xin-nguoi-khong-co-20230420210145713.htm