Bình yên bên ngoại

Nắng tháng năm như chảo lửa đổ vào không gian phố xá đông đúc. Giữa thời tiết oi nồng, những hàng xe chen chúc nhau, nhích từng chút một để kịp về nhà sau một ngày vất vả ở công sở. Tôi thường đứng ở ban công trên tầng cao lộng gió, nhìn về mênh mang phố xá, thèm chút gió lành của quê nhà. Ở đó, có hình ảnh bà ngoại cặm cụi bên giếng nước rêu xanh, có bước chân vội vã của đàn gà sau một ngày chui rúc, tắm táp trong bụi chuối.

Gói bánh cùng ngoại. Ảnh: NGUYỄN HỮU DŨNG

Gói bánh cùng ngoại. Ảnh: NGUYỄN HỮU DŨNG

Ngoại từ trong nhà bước ra, lom khom với đủ thứ lỉnh kỉnh trên tay. Chỉ quanh quẩn bên giếng nước thôi cũng đủ hết một ngày bận rộn của ngoại. Ngày nào cũng thế, sáng sớm, khi trời còn chưa tỏ, ngoại đã rón rén ra vườn, hái những lá trà xanh bỏ vào chiếc rổ tre nhỏ xinh, rồi ra giếng, rửa chè dưới dòng nước mát lành. Dáng lòng khòng của ngoại vấn vít những gàu nước, nhìn thôi đã thấy thương vô bờ bến. Bao năm trôi, ba bảo lắp cho ngoại một hệ thống lọc nước, chỉ việc vặn vòi thôi là đã có nước xài rồi. Nhưng ngoại một mực không chịu, mặc cho mưa gió bào mòn những chiếc bình inox, ngoại vẫn thong dong với những buổi sáng an lành, ấm trà xanh sóng sánh vàng, cầm trên tay vừa thổi vừa nhấp, ánh mắt nheo nheo tỏ vẻ hài lòng.

Người ta bảo, uống trà xanh vào buổi sáng kiểu gì ruột gan cũng sẽ cồn cào lên. Thế mà ngoại thì không, nhấp ngụm trà xanh đặc quánh xong, ngoại lại lọ mọ ra vườn, hái nắm rau tập tàng, nấu canh buổi trưa cho mấy đứa nhỏ đi học về. Tới giờ cơm, kiểu gì chúng cũng sẽ ào về như một bầy ong vỡ tổ. Một đám lít nhít chạy ra giếng múc nước rửa mặt, tay chân, tỉnh táo, vào nhà đã có ngoại bày sẵn mâm cơm ngon ngọt, có canh, có cà pháo, nồi thịt kho thơm ngậy. Con cháu ở xa, nên hàng ngày phục vụ cho lũ nhóc lít nhít này cũng vơi đi phần nào nhớ nhung. Cha mẹ chúng đi làm đồng, hoặc công nhân, thợ hồ quanh vùng, lương ba cọc ba đồng, thương lũ nhỏ ngây thơ, ham học, nên ngày nào ngoại cũng lọ mọ ngoài vườn, rồi lại xách làn đi chợ, chăm chút cho chúng như đàn con thơ.

Tháng trồi, tháng trụt, ngoại cầm xấp tiền lẻ, đếm tới đếm lui. Lẻn vào trong buồng, rút thêm tờ tiền chẵn, bù vào tháng sau. Cứ như thế, ngoại chăm bẵm lũ nhóc cho ba mẹ chúng yên tâm đi làm. Có tháng, nhìn đứa nhỏ mếu máo “má con không đủ tiền nộp ngoại đâu, ngoại cho con khất, không thì ngoại cho con ăn ít ít cũng được”, ngoại không đành lòng. Bao năm nuôi con nuôi cái, bây giờ chúng trưởng thành, tháng nào cũng chút này chút nọ về cho ngoại. Thôi thì ngoại tặc lưỡi “thương thì thương cho trót”, bảo bọc lũ nhóc này, biết đâu mai mốt chúng lớn, nhà lại thêm rộn tiếng cười. Với ngoại thế thôi, niềm vui cũng lớn lên từng ngày, để lấp đầy những khấp khểnh trong lòng.

Nắng tháng năm cứ đổ về xối từng mảng màu chói lóa lên ngôi nhà ngói ba gian. Những người dân trong làng lục tục đi xin nước, mua nước, kéo giàn khoan. Một mình ngoại vẫn cần mẫn với chiếc gàu. Dường như mực nước rút xuống nhiều, những buổi mai gồng mình lên múc nước vào mấy cái chum, vại, lưng ngoại nghe rộn rạo. Thế mà ngoại cũng rán, để lũ nhóc đi học về có nước rửa luôn, chẳng phải cúi xuống như mọi khi. Bởi thế ngoại lại bận bịu sáng chiều, mỗi khi nhìn thấy lũ học trò lít nhít, ánh mắt ngoại hấp háy niềm vui.

Những chiều tà êm đềm trôi qua bên mái nhà cổ kính, dáng ngoại lòng khòng vào ra như một dấu hỏi lớn mông lung giữa cuộc đời. Có lẽ dấu hỏi ấy còn di chuyển, thì tiếng cười ríu ran mỗi ngày còn vảng vất mãi nơi xóm nhỏ. Thêm yêu những tháng ngày bình yên bên ngoại...

Thụy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/binh-yen-ben-ngoai-7e04da7/