Câu chuyện ẩn sau những bức tranh triệu đô

Một tác phẩm nghệ thuật đẹp là một tác phẩm có giá trị, nhưng giá trị bao nhiêu còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn gốc tác giả, tuổi của tranh, câu chuyện lịch sử và nghệ thuật gắn liền với tác phẩm

LTS: Trong loạt bài viết ‘Tranh đương đại Việt Nam: Thị trường và hướng đi’, chúng tôi muốn đưa ra góc nhìn thấu đáo có thể làm rõ phần nào các vấn đề: thị trường tranh đương đại giao dịch ra sao; dòng tranh và trường phái nghệ thuật nào được ưa chuộng nhất; khách hàng chủ yếu đến từ đâu; khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho các gallery và họa sĩ.

Cơ sở định giá một tác phẩm hội họa

Khi một tác phẩm nghệ thuật ra đời, các nghệ sĩ thường ve vuốt, âu yếm nó bằng mỹ từ “đứa con tinh thần” và bởi là “đứa con” nên chẳng khác gì một đời sống con người, các tác phẩm luôn tồn tại theo số phận rất riêng của nó.

Được ví như con người, thế nên các tác phẩm nghệ thuật luôn được công chúng truy xét dòng dõi. Chúng là ai, là gì, đến từ đâu... những câu hỏi mặc nhiên xuất hiện và được giải đáp một cách thấu đáo trước khi một tác phẩm được gõ búa thành công tại phiên đấu giá.

Vài chục năm trở lại đây, khi các sàn đấu giá nghệ thuật danh tiếng khẳng định uy tín trên toàn cầu thì mỗi sản phẩm của họ mang ra đấu giá, các giao dịch thành công luôn tạo ra một hiệu ứng tích cực cho công chúng về “giá trị nghệ thuật” được kiểm chứng.

Trước những năm 2000, khi truyền thông chưa được Internet hỗ trợ nhiều, các cuộc đấu giá chỉ lan tỏa trong một nhóm, một tầng lớp, một khu vực rất giới hạn biên độ. Với sự cộng hưởng tích cực từ công nghệ 4.0, nhiều nhà đấu giá, ngoài sử dụng phương pháp truyền thống còn áp dụng đấu giá online kết hợp với sự bùng nổ của nội dung số.

Do đó, mấy năm gần đây công chúng mới bất ngờ trước những con số khổng lồ về giá một bức tranh. Giá trị của các tác phẩm hội họa được nhiều người biết đến hơn; những bảo tàng, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và đại chúng có nhiều cơ hội tiếp cận và thêm sự lựa chọn.

Mỗi bức tranh đều mang trong mình một câu chuyện…

Bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci (có ý kiến khác cho rằng bức tranh do học trò của Leonardo vẽ) từ khoảng năm 1506 đến năm 1513 với chất liệu sơn dầu trên gỗ óc chó. Sau hàng trăm năm lưu lạc qua các nhà sưu tập ở nhiều quốc gia, năm 2017 trong phiên đấu giá của Christie's New York, tranh được hoàng tử Bader bin Abdullah mua với giá kỷ lục 450,3 triệu USD, đắt nhất thế giới. Hiện tác phẩm này ở đâu là một bí ẩn không ai biết ngoài chủ sở hữu đích thực của nó.

Salvator Mundi quả là một đứa con huyền thoại mang trong mình kiếp sống lang thang, từng bị thất lạc nương náu nhiều nơi qua hàng thế kỷ.

Tác phẩm ‘Salvator Mundi’ của danh họa Leonardo da Vinci. Ảnh Christie’s.

Chân dung bác sĩ Gachet được Van Gogh hoàn thành năm 1890, nhân vật trong tranh là bác sĩ Gachet, người chăm sóc họa sĩ thiên tài trước khi ông qua đời. Năm 1990, bức chân dung được mua bởi một đại diện nghệ thuật Tokyo thay mặt cho nhà công nghiệp Nhật Bản Ryoei Saito với giá 82,5 triệu USD. Tiếc thay, khi Saito chết trong nợ nần, bức tranh cũng mất tích theo và giờ không ai biết nó ở đâu.

Tác phẩm ‘Chân dung bác sĩ Gachet’ của danh họa Van Gogh.

Hay như bức Cậu bé và chiếc tẩu được Picasso vẽ vào năm 1905 khi mới tuổi đôi mươi. Bức chân dung tả thực, vẽ một cậu bé hàng xóm của danh họa khi sang xem Picasso vẽ và mân mê, nghịch tẩu. Năm 2004, nhà đấu giá Sotheby đã giao dịch thành công tác phẩm với giá hơn 104 triệu USD.

Như đã nói ở trên, mỗi bức tranh mang theo câu chuyện của mình. Ngoài yếu tố nghệ thuật, thì những gập ghềnh số phận của tranh cũng góp phần nâng lên giá trị của tác phẩm.

Chẳng hạn như câu chuyện về 19 bức tranh của vua Hàm Nghi tìm thấy trong một chiếc cặp cũ và được phát hiện là tranh do nhà vua vẽ nhờ một tấm bưu thiếp đi kèm ''Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, Cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội", cùng chữ ký vua Hàm Nghi.

Tác phẩm ‘Cậu bé và chiếc tẩu’ của danh họa Picasso. Ảnh: Sotheby’s

Sinh thời, với đam mê hội họa, coi hội họa là góc riêng của mình, vua Hàm Nghi đã vẽ khá nhiều tranh và từng thực hiện ba triển lãm: Tại Museé Guimet (tháng 6/1904), Galerie Mantelet (tháng 11/1911), Galerie Mantelet - Colette Weil (tháng 11/1926) nhưng ông chưa hề tự bán bức tranh nào của mình. Đến năm 2023 thông qua nhà đấu giá Lynda Trouvé tại Pháp những bức tranh của vua Hàm Nghi mới thành “hàng hóa” đắt đỏ.

Tác phẩm ‘Cánh đồng lúa mì’ của vua Hàm Nghi. Ảnh: Drouot.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: “Một tác phẩm nghệ thuật đẹp là một tác phẩm có giá trị, nhưng giá trị bao nhiêu còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn gốc tác giả, tuổi của tranh, câu chuyện lịch sử và nghệ thuật gắn liền với tác phẩm. Và một yếu tố không thể không nhắc đến là hệ thống sàn đấu giá và các nhà giám tuyển có chuyên nghiệp hay không. Chất liệu của tác phẩm cũng là vấn đề đáng lưu tâm bởi hiện nay các nhà sưu tập đặc biệt là nhà sưu tập phương Tây yêu thích tranh lụa, tranh sơn mài của Việt Nam hơn các chất liệu khác bởi nó chứa đựng văn hóa Á Đông ở trong đó”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và hai tác phẩm nổi tiếng của danh họa Nam Sơn. Ảnh: NVCC

Van Gogh, Picasso, Leonardo da Vinci, Klimt, Edgar Degas… là những danh họa nổi tiếng thế giới, tranh của họ đắt giá vì tài năng thì khỏi cần bàn cãi. Tuy nhiên, sinh thời những thiên tài ấy không phải ai cũng sống tốt nhờ tranh. Nói như thế để thấy rằng, các họa sĩ đương đại dù không thiếu năng lực nhưng đa số vẫn loanh quanh trong xưởng vẽ kín tiếng của mình.

Họa sĩ Hồ Minh Tâm chia sẻ: “Việt Nam có rất nhiều họa sĩ trẻ tài năng, nhưng cái thiếu ở đây là sự hỗ trợ và thúc đẩy từ những đơn vị chuyên nghiệp để họ xâm nhập thị trường nghệ thuật. Quy trình đánh giá, thẩm định, phát hiện nghệ sĩ, phát hiện tác phẩm, truyền thông và giám tuyển chuyên nghiệp là những vấn đề cấp thiết phải có để tạo động lực cho họa sĩ trẻ lao động nghệ thuật. Nhưng tất cả các thành tố đó chúng ta đều đang thiếu, họa sĩ đang vừa phải sáng tác vừa loay hoay tìm đầu ra cho tác phẩm. Họ đang làm công việc mà họ không giỏi nhất, dẫn tới hàng loạt rủi ro tiếp tục diễn ra trong thị trường tranh Việt”.

Họa sĩ Hồ Minh Tâm. Ảnh: NVCC.

Làm sao để tranh bán được và bán với giá cao. Mỗi họa sĩ sẽ có một cách trả lời bằng sự trải nghiệm của chính mình, không ai có thể thay thế “năng lực sáng tạo” cho họ.

Tuy nhiên, việc xây dựng một thị trường tranh chuyên nghiệp với sự hiện diện của các sàn đấu giá, nhà giám tuyển và nhà nghiên cứu chất lượng là mong mỏi rất chính đáng của những người trong cuộc.

Mức giá một bức tranh cơ bản được cấu thành bởi các yếu tố: tên tuổi tác giả, tuổi của tranh, xuất xứ, câu chuyện của tranh, ai là người định giá, thị trường và cách thức tiếp cận, ai là người sở hữu…

Đông Phong

(Kỳ 3:Thị trường tranh Việt đang đi xuống?)

Đông Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/yeu-to-nao-lam-nen-gia-tri-mot-buc-tranh-2251536.html