Căng thẳng Biển Đỏ và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu

Căng thẳng Biển Đỏ đang khiến cước vận tải biển tăng cao, rất cần các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Căng thẳng Biển Đỏ tạo ra ít nhất 5 tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng kể là cước vận chuyển đường biển tăng cao; thời gian vận chuyển kéo dài; thiếu container rỗng; các hãng tàu áp thêm phụ phí nhiều tuyến vận tải; tình trạng thiếu hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng ở một số khu vực, thậm chí gia tăng áp lực lạm phát… đều ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam - quốc gia xuất khẩu.

Nhận định được đưa ra tại thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu, trước tình hình tại Biển Đỏ do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay (6/2). Theo đó, một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay, đó là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu.

Căng thẳng Biển Đỏ tạo ra ít nhất 5 tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu

Bà Đỗ Thị Thương - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, giá cước vận tải trong 2 tháng đầu năm nay với tuyến Việt Nam đi châu Âu tăng khoảng 120%; còn tuyến đi châu Mỹ cũng bị ảnh hưởng tăng từ 30 - 40%.

Theo đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương chỉ riêng thời gian vận chuyển kéo dài từ 10-15 ngày do các tàu chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng đã khiến chi phí gia tăng đáng kể. Cùng với chi phí tăng cao, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn từ 1-2 tuần cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu vật tư của các nhà sản xuất bị đảo lộn, hàng phục vụ sản xuất bị trễ lịch, ảnh hưởng tới chất lượng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu...

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà - Phó trưởng Phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục XNK (Bộ Công Thương), hành trình kéo dài cũng sẽ làm cho việc thiếu container rỗng và giá container rỗng tăng lên:

“Khi tàu kéo dài hải trình, thời gian container rỗng quay lại để đón hàng sẽ bị chậm lại, gây thiếu cục bộ, đặc biệt là những trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… có thể sẽ gây thiếu cục bộ các container rỗng để đóng hàng…”, ông Hà cho biết.

Giới phân tích nhận định, về lâu dài việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ gây ra “hiệu ứng domino” đối với giá cả hàng hóa khác, làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu… Vì vậy, rất cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu, nhất là khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng chậm lại trong suốt gần một năm qua, và mới có dấu hiệu phục hồi lại từ nửa cuối năm ngoái, đầu năm nay.

Trước ý kiến của các DN xuất khẩu về chi phí cước vận tải tăng nhanh và tăng cao bất thường, ông Lê Quang Trung – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (Phó TGĐ Tổng Công ty hàng hải Việt Nam) cho biết, các hãng tàu cũng phải đối phó bằng cách cắt giảm chuyến khi đối diện với vấn đề không an toàn, phải đổi lịch trình qua mũi Hảo Vọng kéo dài thời gian.

“Vấn đề kéo dài thời gian không chỉ ảnh hưởng cho hoạt động xuất nhập khẩu, còn ảnh hưởng cho chính các hãng tàu với các cam kết thương mại. Nhiều hãng tàu như Maersk, HMM, Wanhai hay ONE… để duy trì các cam kết với khách hàng họ phải đưa thêm tàu là một gánh nặng rất lớn trong việc điều chuyển tàu quốc tế…”, ông Trung cho biết.

Đồng tình và chia sẻ về các tác động khách quan khiến thời gian vận chuyển lâu hơn, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, chi phí, phụ phí tăng lên, nhưng làm sao để tránh việc đẩy giá lên cao nhưng lại khó kiểm soát - là vấn đề được ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đặt ra. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cước vận tải biển có tăng giá, nhưng vấn đề là có công bằng, công khai và minh bạch hay không.

“Vai trò của Nhà nước rất quan trọng khi can thiệp với những DN và ngành hàng yếu thế. Đối với bất cứ ngành hàng, và DN yếu thế nào Nhà nước cũng cần sẵn sàng can thiệp để bảo vệ trong mắt xích chuỗi cung ứng”, ông Đậu Anh Tuấn nêu.

Ông Trần Thanh Hải. Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội DN dịch vụ logistics, các chủ tàu, chủ hàng tiếp tục bám sát tình hình

Ghi nhận và đánh giá cao các khuyến nghị giải pháp của các cơ quan Bộ ngành, DN đưa ra, ông Trần Thanh Hải. Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương đề nghị các hãng tàu trong bối cảnh hiện nay duy trì tuyến, nhanh chóng đưa container rỗng về, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí; Đồng thời nghiên cứu, xem xét thêm phương thức vận tải đa phương thức kết hợp với đường sắt, đường biển và đường hàng không…

“Đề nghị Hiệp hội DN dịch vụ logistics, các chủ tàu, chủ hàng tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các DN, hãng tàu cũng như các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế. Các Hiệp hội ngành hàng cần khuyến cáo cho hội viên theo dõi sát sự việc, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó”, ông Hải nói.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cang-thang-bien-do-va-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-dn-xuat-khau-post1076072.vov