Cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hà Nội

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô và được các đại biểu thảo luận, nhất trí cao.

Ngày 12/1, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô”, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, các nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là những nội dung quan trọng, mới, được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua các ý kiến đóng góp tại hội thảo hôm nay, Ban tổ chức sẽ tiếp thu, làm căn cứ để giải trình, hoàn thiện về hai nội dung này trong dự thảo Luật.

Tham luận tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc BK Fund, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, cần thiết thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm (sử dụng một phần ngân sách Nhà nước và huy động vốn ngoài ngân sách) ở Hà Nội và cần đảm bảo nguyên tắc không phát sinh đầu mối đơn vị hành chính, sự nghiệp, hoạt động theo quy luật của thị trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp thu các ý kiến của các diễn giả, đại biểu.

Đồng thời, cũng theo ông Hiệp, cần tích hợp chính sách, ví dụ như Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Ông Thẩm Trung Hiếu, chuyên viên pháp lý cấp cao Quỹ ThinkZone Ventures góp ý, về chủ trương thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước, dù mới là cơ chế thử nghiệm, đã được bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô hiện tại là bước đi chung với xu thế thế giới. Tuy nhiên, các phương án để Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân cũng là một nội dung mới và cần được thảo luận.

Các Quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước, khi thực hiện đầu tư đối ứng theo phương thức này có thể tận dụng được vai trò chuyên môn của đối tác tư nhân như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư thiên thần trong việc thẩm định và lựa chọn công ty mục tiêu phù hợp, giảm phần lớn gánh nặng về trách nhiệm chuyên môn cũng như việc tổ chức vận hành thẩm định, lựa chọn, đầu tư và quản lý đơn vị nhận đầu tư cho quỹ đầu tư mạo hiểm Nhà nước.

Cần tránh quy định chồng chéo về thủ tục, thẩm quyền thẩm định

Cũng theo ông Thẩm Trung Hiếu, do đơn vị đối tác tư nhân thực hiện đầu tư bằng tiền của chính mình, yếu tố thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của các đối tác tư nhân này. Bởi vậy, đối tác tư nhân bắt buộc phải thực hiện thẩm định và đầu tư một cách chuẩn mực, trước tiên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Vì lẽ đó, việc Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước thực hiện đầu tư đối ứng theo đối tác tư nhân là có thể tin cậy được. Đối tác tư nhân và đơn vị nhận đầu tư, khi nhận vốn đầu tư đối ứng này, cũng nhận được nhiều lợi ích.

Cơ chế đầu tư có tính chất đối ứng với đặc điểm tương tự có thể được tìm thấy trong các quy định về sử dụng vốn ODA tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP, theo đó Việt Nam sẽ phải cấp số vốn tương đương với số vốn ODA được cấp cho dự án hưởng ODA.

Các chuyên gia, diễn giả phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, trong phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như đầu tư mạo hiểm, chưa có nguồn quỹ cũng như cơ chế nào tương tự để thực hiện đầu tư đối ứng. Do đó, nội dung trong Luật thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung thêm hạng mục này vào các hạng mục thuộc thẩm quyền của Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước.

Điểm mấu chốt của mô hình này là Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước sẽ không trực tiếp thực hiện đánh giá thẩm định để thực hiện đầu tư mà đối tác tư nhân sẽ thực hiện điều này. Do đó, theo ông Hiếu, cần tránh quy định chồng chéo về thủ tục, thẩm quyền thẩm định của Quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước, tránh trường hợp cuối cùng quỹ rơi vào tình trạng khó giải ngân do không rõ ràng về cơ chế, tiêu chí, cũng như thẩm quyền quyết định đầu tư.

Dành quỹ đất cho trung tâm khởi nghiệp

Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Quỹ Vietnam Silicon Valley (VSV) góp ý, bất kể quốc gia nào phát triển công nghệ đều có quỹ đầu tư mạo hiểm. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ nước Mỹ, Hàn Quốc… để áp dụng tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nên thành lập Quỹ công hoặc tư và có cơ chế thoái vốn. Hà Nội nên dành quỹ đất cho trung tâm khởi nghiệp và khu công nghiệp và các tỉnh liên kết với nhau.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, đề nghị Quỹ phải có vốn 100.000 tỷ đồng, vốn phải lớn. Vốn này, 30% là từ ngân sách của Thành phố, 70% phát hành chứng chỉ quỹ và bán cho các thành phần kinh tế, trong đó có các ngân hàng, "bắt tay" cùng Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố cần xem lại Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (thực hiện từ năm 2018) và nên duy trì song song Quỹ đầu tư và quỹ này để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp thu các ý kiến của các diễn giả, đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Theo ông Lê Hồng Sơn, Quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô và được các đại biểu thảo luận, nhất trí cao. Tuy nhiên, Quỹ đầu tư mạo hiểm đang nằm trong lĩnh vực thử nghiệm, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, do vậy Quỹ là loại hình có thời hạn, có kiểm soát.

Qua ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như doanh nghiệp tại hội thảo cho thấy, cần phải điều chỉnh lại mô hình của Quỹ đầu tư mạo hiểm, kèm theo đó là điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Luật Thủ đô, UBND Thành phố còn phải chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành. Với tinh thần đó, ông Lê Hồng Sơn đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện dự thảo Luật.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-thiet-thanh-lap-quy-dau-tu-mao-hiem-o-ha-noi-164972.html