Cần số hóa tài liệu giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên

Nhiều đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng nên xây dựng tài liệu số về giáo dục pháp luật để các trường dễ thực hiện giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

Ngày 13-5, Bộ Tư pháp chủ trì tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường tại TP.HCM.

Tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường tại TP.HCM.Ảnh: HH.

Tại tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật, cho biết thời gian vừa qua, công tác giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các môn học đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, pháp luật đại cương. Công tác này được triển khai với nhiều mô hình thực hiện, góp phần giúp học sinh, sinh viên nắm bắt được kiến thức đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên trong công tác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do thiếu đội ngũ chuyên môn.

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HH.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách thông tin về công tác giáo dục trong nhà trường tại 22 tỉnh, TP trong năm 2023 (từ cấp bậc tiểu học đến cấp ba). Kết quả cho thấy đội ngũ giáo viên chuyên về đạo đức pháp luật còn ít và chưa được thường xuyên.

Theo bà Hà, các trường học đề xuất cần thường xuyên tăng cường, nâng cao, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ giáo viên. Từ đó, đội ngũ giáo viên mới nắm bắt những chương trình mới, kiến thức mới để truyền đạt cho các em học sinh, sinh viên thật tốt.

Tại tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp cũng đã gợi mở những vấn đề để bàn luận giúp các trường học tại TP.HCM đưa ra những ý kiến để trao đổi và hỗ trợ nhau.

Đại diện trường THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức), giáo viên Trần Thị Tuyết Hồng, chia sẻ: Nhà trường hết sức chặt chẽ trong công tác phối hợp với các đơn vị liên quan. Cụ thể là trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, TAND TP Thủ Đức..để thực hiện phiên tòa giả định ngay tại trường giúp các em học sinh trải nghiệm thực tế.

Giáo viên Trần Thị Tuyết Hồng có ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh:HH.

"Phải lồng ghép tuyên truyền (ví dụ như diễn tiểu phẩm, sân khấu hóa hình thức tuyên truyền), giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức hơn. Giáo viên cũng nên tham gia những hoạt động này cũng những em học sinh" – bà Hồng nói.

Bà Võ Thị Hậu, đại diện Trường THPT Marie Curie (TPHCM) đề xuất các cơ quan chức năng nên xây dựng tài liệu số về giáo dục pháp luật. Tài liệu này dùng chung để giúp giáo viên và học sinh có thể áp dụng vào môn học pháp luật.

Theo bà Hậu, việc lồng ghép những tài liệu như hình ảnh, video về các phiên tòa thực tế giúp các em nắm bắt và phân tích sẽ dễ hiểu hơn. “Tuy nhiên, để có được những dữ liệu này thì cần được cơ quan chuyên môn về pháp luật xây dựng thẩm định, cung cấp” – bà Hậu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chia sẻ: Chúng ta nên có số liệu hóa hàng năm, có thể kết hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức những cuộc thi về đạo đức và pháp luật ngay tại trường học. Cụ thể như dựng những tiểu phẩm, sân khấu hóa đề tài để dễ dàng tuyên truyền đến các em học sinh về đạo đức và pháp luật.

Cũng theo ông Vũ Việc tuyên truyền pháp luật trong trường học hiện nay rất cần thiết và cấp bách, được sự chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương nên cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Việc này giúp học sinh có ý thức chấp hành pháp luật để trở thành công dân tốt. Ngoài ra, để thuận tiện cho công tác giảng dạy pháp luật trong nhà trường thì rất cần có nền tảng dữ liệu số, tài liệu số.

HOÀNG HIẾU

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-so-hoa-tai-lieu-giao-duc-phap-luat-cho-hoc-sinh-sinh-vien-post790338.html