Cần gìn giữ đạo đức, giá trị hạnh phúc gia đình

Đó chính là nỗi lòng, niềm trăn trở và mong ước của hòa giải viên Nguyễn Văn Dũng thuộc Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) trước thực tiễn 'yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa' của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Người hòa giải viên ấy luôn thấu hiểu, trân trọng và hết mình với công việc 'hàn gắn' thâm tình trước cổng 'công đường' vì mục tiêu lý tưởng trên.

Những kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm của người đảng viên, cán bộ hưu trí trên 40 năm đã giúp ông Dũng hoàn thành xuất sắc vai trò hòa giải viên tại tòa án. Chỉ hơn 2 năm, ông đã hòa giải, đối thoại thành 345 vụ việc, đạt tỷ lệ gần 87% và phần lớn là án hôn nhân gia đình. Đáng lưu ý, các cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa ở tuổi đời khá trẻ (dưới 35 tuổi) và nguyên nhân khiến họ “đường ai, nấy đi” lại khá vụn vặt. Cả hai không tìm được "tiếng nói chung" trong cuộc sống gia đình.

Theo ông Dũng, khi thực hiện hòa giải, bản thân luôn cố gắng tìm mấu chốt của vấn đề để tháo gỡ; rồi bằng cái tình, cái nhìn của những người đi trước để khuyên giải hậu bối. Ông giữ tốt vai trò người trung gian, kiên trì lắng nghe, gắn kết và luôn trong tâm thế người bạn của những đôi trẻ có đời sống hôn nhân suýt đổ vỡ. “Năm 2019, tôi nghỉ hưu nhưng bản thân vẫn còn sức khỏe tốt và nhận thấy công việc hòa giải, đối thoại tại tòa rất có ý nghĩa, mang nhiều lợi ích cho người dân. Bởi nếu tham gia hòa giải người dân sẽ hạn chế được thời gian, tiền bạc, công sức; quan trọng là tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân. Do đó, tôi tự nguyện xin làm hòa giải viên tại tòa án” - ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dũng là một hòa giải viên trách nhiệm với công việc. Ảnh: SỚM MAI

Đã nhận nhiệm vụ thì phải hết mình với công việc - đó là quy tắc sống của người đảng viên, cán bộ hưu trí Nguyễn Văn Dũng. Với sự cần cù, trách nhiệm, ông thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các quy định có liên quan. Vì công việc hòa giải viên bắt buộc phải nắm vững các quy định của pháp luật để giải thích nhằm giúp người dân cân nhắc, xem xét, lựa chọn hướng giải quyết phù hợp nhất. Rồi tùy vào từng lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp mà người hòa giải viên có những phương pháp động viên, thuyết phục khác nhau. Quan trọng, khi hòa giải, ông rất tôn trọng đương sự và luôn mong muốn hai bên có thể bắt tay hòa giải. Vì nếu không đồng ý hòa giải thì cuối cùng tòa án cũng sẽ tiến hành bước tiếp theo và xử lý vụ việc theo luật định. Khi vụ việc kết thúc, không những mất thời gian, tiền bạc mà thường tình cảm cũng chẳng còn. Đặc biệt, những cuộc hôn nhân đổ vỡ sẽ là nỗi đau, sự mất mát của con trẻ…

Thật ra, với con mắt nhà nghề của người từng kiêm nhiệm nhiều chức vụ gắn kết chặt chẽ với nhân dân như: Chủ tịch UBND xã, cán bộ Sở Nội vụ, Trưởng Phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Thanh tra tỉnh… nên chỉ nhìn sơ qua, ông Dũng đã nắm được phần nào vụ việc cũng như tâm lý người đối diện để có cách hòa giải hợp lý nhất. Vậy mà người hòa giải ấy lại băn khoăn: Sao tình trạng ly hôn ở giới trẻ lại nhiều thế? Sao nhiều cặp vợ chồng trẻ lại quá đua đòi, thiếu trách nhiệm, ham mê vật chất bỏ bê gia đình? Chỉ vì tiền, đất đai mà anh em ruột thịt lại kiện tụng, tranh chấp, quên đi đạo lý làm người?... Ông Dũng tâm tình: “Tôi mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, nhất là đề cao đạo đức sống, giá trị gia đình. Đồng thời, mỗi cá nhân cần vun vén hạnh phúc gia đình và đề cao trách nhiệm với con cái, thành viên trong gia đình”.

Ông Phạm Hùng Nuôi - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Hòa giải viên Dũng đã có sự phối hợp tốt với tòa án trong thực hiện nhiệm vụ. Sự nhiệt huyết, trách nhiệm của ông Dũng đã góp phần đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thực sự đi vào cuộc sống và giảm bớt nhiều gánh nặng cho tòa án trong hoạt động xét xử”.

Thực tế, công tác hòa giải có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống xã hội. Bởi hoạt động này giải quyết vụ việc nhanh chóng theo tinh thần cải cách tư pháp; tranh chấp hoặc khiếu kiện được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin; người khởi kiện không mất chi phí hòa giải. Đồng thời, hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp và tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân. Chính vì thế, xã hội rất cần người hòa giải viên trách nhiệm, nhiệt huyết như ông Dũng.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/can-gin-giu-dao-duc-gia-tri-hanh-phuc-gia-dinh-68040.html