Cách tránh nói mớ và mộng du khi ngủ

Mộng du, nói mớ và ăn trong khi ngủ là các dấu hiệu bất thường xảy ra trong giấc ngủ sâu. Để có ngủ ngon hơn, bạn nên duy trì lịch ngủ cố định, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng...

Các hành vi bất thường khi ngủ gồm nói mớ, mộng du hay ăn khi ngủ. Ảnh: Sleepcycle.

Theo South China Morning Post, một số người có thói quen nói to hoặc lầm bầm không rõ ràng khi đang ngủ nhưng khi tỉnh dậy, họ không còn nhớ bất kỳ điều gì.

Thuật ngữ y khoa cho những hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ được gọi là “parasomnia”. Nói mớ, mộng du, ăn trong khi ngủ, gặp ác mộng, sợ hãi về đêm và nghiến răng đều là những hành vi bất thường phổ biến trong khi ngủ.

Nguyên nhân xuất hiện các hành vi bất thường khi ngủ

Tiến sĩ Michael Nadorff, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang Mississippi, Chủ tịch Hiệp hội Y học về Hành vi Giấc ngủ (Mỹ), cho biết có 2 hành vi bất thường khi ngủ là REM và non-REM.

Vị chuyên gia giải thích ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh (REM) và khi cơ thể bất động. Tuy nhiên, mộng du, nói mớ hay ăn trong khi ngủ đều là những hành vi bất thường của non-REM, giấc ngủ không có sự chuyển động mắt nhanh và thường được gọi là giấc ngủ sâu.

Thông thường, nói mớ chỉ xảy ra trong giấc ngủ sâu. Tiến sĩ Nadorff nói rằng hành vi này thường thấy nhất ở người thiếu ngủ hoặc không có thói quen ngủ bình thường.

Nói mớ phổ biến hơn ở trẻ em. Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Mỹ (AASM), nói mớ xảy ra ở một nửa số trẻ em nhưng chỉ xảy ra với khoảng 5% số người trưởng thành.

Tiến sĩ Nadorff cho biết bước đầu tiên và quan trọng nhất để ngừng nói mớ là tuân theo lịch ngủ đều đặn. Đi ngủ vào cùng thời điểm mỗi đêm và thức dậy cùng thời điểm mỗi sáng có thể giúp giải quyết chứng nói mớ và các hành vi bất thường khác.

Nói mớ thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Ảnh: Cdnparenting.

Theo AASM, nói mớ thường không cần can thiệp y tế, mặc dù nó có thể được điều trị bằng thuốc trong những trường hợp đặc biệt.

Khi người lớn có biểu hiện nói mớ, họ thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của hành vi bất thường như rối loạn hành vi giấc ngủ REM hoặc rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ. Nếu lo lắng về chứng nói mớ, bạn nên đi khám bác sĩ.

Đánh thức ai đó từ giấc ngủ REM có thể dễ dàng, nhưng đánh thức một người từ giấc ngủ sâu gặp nhiều khó khăn. Người tỉnh dậy sau kiểu ngủ này dễ mất phương hướng và lảo đảo, vì vậy, tiến sĩ Nadorff khuyên nên để người nói mớ và mộng du tiếp tục ngủ yên.

Những điều mọi người nói khi đang ngủ thường vô nghĩa, nhưng đôi khi có thể xâu chuỗi lại thành một câu hoàn chỉnh. Tiến sĩ Nadorff cho hay bạn không nên suy nghĩ quá nhiều về những gì người nói mớ đang nói.

Bí quyết để có giấc ngủ ngon

Chuyên gia cho hay rất khó biết được làm thế nào để ngừng nói mớ vì khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, Cleveland Clinic khuyến nghị một số cách để có được giấc ngủ ngon nhất:

- Duy trì lịch ngủ đều đặn.

- Đặt mục tiêu ngủ 7-9 giờ/đêm.

- Dành 30-60 phút yên tĩnh, không dùng điện thoại để thư giãn trước khi đi ngủ.

- Giảm thiểu và kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn.

- Hạn chế uống rượu.

- Tránh caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Hãy chắc chắn rằng phòng ngủ yên tĩnh và tối.

- Giữ nhiệt độ trong phòng 15,5-19,4 độ C.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-tranh-noi-mo-va-mong-du-khi-ngu-post1390442.html