Cách nào 'gỡ rối' bất đồng khi chọn ngành giữa thí sinh và phụ huynh?

Theo các chuyên gia, nhiều bất đồng giữa phụ huynh và thí sinh khi hướng nghiệp xuất phát từ việc phụ huynh đang có nhiều định kiến hoặc chưa hiểu hết các ngành học mà con đang muốn theo đuổi.

Trước mỗi mùa tuyển sinh đại học, không chỉ thí sinh cần được tư vấn, định hướng mà chính các bậc phụ huynh cũng cần được "gỡ rối" để đồng hành cùng con.

Ngoài hiểu con mình, phụ huynh cần tìm hiểu thêm về các ngành học hiện tại

Chia sẻ với phụ huynh tại một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 mới đây, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, các em học sinh lớp 12 đang đứng trước các kỳ thi quan trọng, quyết định trọng đại của cuộc đời đó là lựa chọn ngành nghề, một trường học để theo đuổi sau bậc THPT.

Theo Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, những năm gần đây cha mẹ ngày càng quan tâm đến việc học tập của con em nhiều hơn, đồng hành cùng các em nhiều hơn trong các quyết định chọn ngành, chọn trường và việc thi cử. Phụ huynh quan tâm từ phương thức xét tuyển, quy trình xét tuyển của các trường, quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đến cả chương trình học, xu hướng mới ngành học và cơ hội nghề nghiệp...

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, một lý do có thể là do cơ hội vào đại học hiện đã rất rộng mở với nhiều trường, nhiều ngành, nhiều phương thức... Dù một mặt sẽ cho thí sinh nhiều lựa chọn, nhưng mặt khác tạo ra một sự phức tạp nhất định. Chưa kể hiện cũng có nhiều clip tư vấn hướng nghiệp trên YouTube, TikTok khiến không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng rối không biết kênh tham khảo nào là đúng.

"Phụ huynh nên là người đưa ra được nhiều lời khuyên, góc nhìn khi hướng nghiệp cho con hơn là người quyết định. Một lựa chọn ngành học thường nằm ở giao điểm của nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích; hoàn cảnh gia đình; điều kiện kinh tế và các cơ sở đào tạo. Nếu muốn đồng hành, phụ huynh nên cung cấp cho con nhiều dữ liệu tương ứng với các yếu tố trên, nhưng cuối cùng người quyết định vẫn sẽ là thí sinh".

Thí sinh đăng ký các ngành Khoa học sức khỏe và các ngành Đào tạo giáo viên cần chú ý mức điểm sàn đăng ký xét tuyển do Bộ GD&ĐT công bố.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, nhiều bất đồng giữa phụ huynh và học sinh khi hướng nghiệp xuất phát từ việc phụ huynh đang có nhiều định kiến hoặc chưa hiểu hết các ngành học mà con đang muốn theo đuổi.

Nhiều phụ huynh thường nhìn một ngành học dựa vào những trải nghiệm của họ thời còn đi học hoặc từ trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, các ngành nghề hiện nay đã phát triển rất đa dạng và phụ huynh không nên chủ quan rằng mình đã biết hết.

Theo TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, các bạn trẻ ngày càng thể hiện tâm lý độc lập nên đôi khi không tránh khỏi những khác biệt với cha mẹ khi định hướng nghề nghiệp. "Tôi nghĩ quyền chủ động phụ huynh vẫn nên dành cho con. Nếu con lựa chọn một ngành học đúng với sở trường và sở thích của mình thì phụ huynh nên tin tưởng vào con. Trừ khi ngành học ấy thật sự chưa đúng với sở trường, sở thích của con thì phụ huynh nên có những chia sẻ, định hướng. Muốn định hướng, ngoài hiểu con mình, phụ huynh cũng cần tìm hiểu thêm về các ngành học hiện tại cũng như xu hướng lao động, việc làm hiện nay".

Phụ huynh cần nhắc nhở con lưu ý những gì?

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Bộ đã chỉ đạo các trường THPT rà soát thông tin đối tượng ưu tiên cho thí sinh nhằm đảm bảo tránh tình trạng các em trúng tuyển rồi nhưng bị nhầm đối tượng ưu tiên mà bị trượt.

Thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian quan trọng. Cụ thể, từ ngày 24 - 26/4, Bộ sẽ cấp tài khoản cho thí sinh là học sinh lớp 12. Thí sinh sử dụng tài khoản này xuyên suốt trong quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học và nhập học sau này. Thí sinh cần lưu ý bảo mật tài khoản của mình.

Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 2 - 10/5 để đăng ký môn thi dùng hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Ngày 17/7, Bộ sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.

"Các bậc phụ huynh cần nhắc các con rà soát lại kết quả học tập của mình để khi Bộ cung cấp kết quả học tập này cho các trường đại học sẽ đảm bảo thông tin chính xác. Nếu thấy sai sót thí sinh cần báo ngay với nhà trường để điều chỉnh".

TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy trình đăng ký xét tuyển đại học đều theo hình thức online. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất và chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất.

Thời gian đăng ký xét tuyển từ ngày 18 - 30/7. Ngày 31/7 đến 26/8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo khu vực trong khoảng thời gian quy định. Thí sinh và phụ huynh cần chú ý mình ở khu vực nào để nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định.

Ngày 19/8, các trường công bố kết quả xét tuyển chính thức.

Thí sinh đăng ký các ngành Khoa học sức khỏe và các ngành Đào tạo giáo viên cần chú ý mức điểm sàn đăng ký xét tuyển do Bộ GD&ĐT công bố.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6. Trong đó, ngày 26/6: Thí sinh làm thủ tục dự thi; Ngày 27, 28/6: tổ chức coi thi; Ngày 29/6: dự phòng.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-go-roi-bat-dong-khi-chon-nganh-giua-thi-sinh-va-phu-huynh-169240421182142107.htm