Giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 có trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Nếu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định 522/QĐ-TTg thì việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở sẽ được nhiều phụ huynh đồng tình, hưởng ứng.

Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 1/5/2024 đăng tải bài viết "Thành phố Hồ Chí Minh giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là tước mất quyền học tập của học sinh" nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh.

Nội dung bài viết cho biết, năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 71.020 chỉ tiêu lớp 10, giảm hơn 6.200 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vừa tước mất quyền học tập của học sinh vừa là một gánh nặng đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Học sinh lớp 10. Minh họa: TTĐ

Bàn về việc ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, một giáo viên ở địa phương này nêu quan điểm:

Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025" đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông.

3. Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học.

4. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

5. Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

6. Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

7. Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Như vậy, Quyết định 522/QĐ-TTg không có nội dung nào yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Phải chăng, Thành phố Hồ Chí Minh có làm trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Ngoài ra, giáo viên này còn cho biết, học sinh lớp 9 hiện nay đang học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Các em chủ yếu học lệch 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh 9 vào 10, nghĩa là rất ít học sinh chọn học nghề sau khi học xong lớp 9.

Các nhà trường bậc trung học cơ sở có tổ chức hướng nghiệp nhưng học sinh lớp 9 dường như chẳng mấy quan tâm vì các em còn quá nhỏ và thiếu kiến thức để hiểu đặc thù ngành nghề.

Cùng với đó, học sinh lớp 10 được chọn môn và tổ hợp môn (đã có định hướng nghề nghiệp) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc phân luồng không còn nhiều ý nghĩa.

Bởi vì, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh xét tuyển vào đại học hay chọn học nghề thì các em đã có định hướng sẵn từ việc chọn môn, tổ hợp môn ngay từ lớp 10.

Bên cạnh đó, hiện nay các giáo viên bộ môn đều được phân công dạy hướng nghiệp (môn Trải nghiệm hướng nghiệp) theo kiểu kiêm nhiệm, vì vậy việc dạy học chưa đảm bảo. Giáo viên được đào tạo chuyên ngành nào thì dạy môn học đó, chẳng mấy ai mặn mà dạy môn trái ngành.

Ngoài ra, nói thật là cha mẹ học sinh vẫn chưa có niềm tin, chưa an tâm về việc phân luồng ở các nhà trường phổ thông thì rất khó thuyết phục họ đồng hành.

Hay nói cách khác, nếu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định 522/QĐ-TTg thì việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở sẽ được nhiều phụ huynh đồng tình, hưởng ứng.

Minh Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giam-chi-tieu-tuyen-sinh-lop-10-co-trai-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-17924050316230241.htm