Chuyển hướng đầu tư

Đầu tư tăng trưởng bài báo quốc tế là hướng đi nhiều trường đại học triển khai thời gian qua.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của NXB Elsevier, trong giai đoạn 2018 - 2022, Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến nay số lượng công bố hằng năm đều đạt trên 18 nghìn bài. Trong số các công bố khoa học, hệ thống giáo dục đại học đóng góp khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS và khoảng 90% danh mục Scopus.

Số lượng công bố quốc tế tăng trưởng mạnh do Việt Nam có nhiều chính sách ưu tiên cho tiêu chí này trong nghiên cứu khoa học, đánh giá/vinh danh nhà khoa học; xếp hạng đại học…

Để thăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế, nhiều trường không ngại chi hàng trăm triệu đồng tiền thưởng/bài báo để kích thích giảng viên tham gia viết, tăng số lượng công bố. Cùng với tăng tiền thưởng cho giảng viên, có trường còn mở rộng hợp đồng hợp tác với các nhà khoa học quốc tế để có những công bố đính tên mình.

Công bố quốc tế là một trong các tiêu chí quan trọng khi xếp hạng đại học. Nhờ đó một số đơn vị có thứ hạng tăng lên trong các hệ thống xếp hạng thế giới; nhà khoa học Việt Nam cũng thêm cơ hội thể hiện trong làng nghiên cứu quốc tế.

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, việc chạy đua theo bài báo quốc tế thời gian qua cũng làm nảy sinh nhiều hệ lụy như hình thành các tạp chí, bài báo rởm, tình trạng mua bán bài báo quốc tế, vi phạm liêm chính học thuật… Có cơ sở không có ngành đào tạo, nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm mà vẫn có công bố quốc tế nhờ sự “chi viện” của các “đầu nậu” bên ngoài…

Gần đây, việc siết lại chất lượng công bố từ những phản ánh của dư luận, cùng những sửa đổi trong một số quy chế, quy định về đào tạo tiến sĩ, xét phong hàm GS, PGS… số lượng bài báo quốc tế ở các trường tăng chậm hơn vài năm về trước nhưng vẫn cao hơn bài báo trong nước. Số đông trường đại học vẫn mạnh tay đầu tư cho công bố quốc tế, nhiều giảng viên vẫn quan tâm đến viết bài báo hơn so với đăng ký sở hữu trí tuệ các sáng chế, giải pháp.

Tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập là cần thiết, nhưng về lâu dài, bài báo quốc tế không phải là thứ hạng ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của trường đại học nói riêng, quốc gia nói chung.

Thay vì ưu tiên đầu tư công bố quốc tế, các trường đại học cần sớm định hướng đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học với những ưu tiên phù hợp, để phát triển bền vững hơn.

Đó là hướng đến việc tài trợ cho các nhà khoa học trẻ, đề tài có tính dài hơi; ưu tiên cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, hướng đến sản phẩm phục vụ phát triển đất nước, đặt cơ sở cho các nghiên cứu bậc cao; có những chính sách cho nghiên cứu hướng đến sản phẩm…

Gần đây, với quan điểm đầu tư phát triển khoa học chứ không đầu tư “đẻ” bài báo, một số trường đại học đã có sự thay đổi, chỉ tập trung khen thưởng giảng viên có công bố quốc tế thuộc nhóm Q1, thay vì tràn lan. Một số trường ưu tiên đầu tư cho sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực, liêm chính, đạo đức các hội đồng ngành, chất lượng phản biện các tạp chí ngành.

Tại một tọa đàm khoa học do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) và Tạp chí Tia sáng tổ chức mới đây, ông Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cũng khẳng định, định hướng đầu tư, tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học tới đây là tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.

Đây là sự chuyển hướng cần thiết để các trường đại học thực sự là trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia vững mạnh.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-huong-dau-tu-post683624.html