Cách làm hay, hiệu quả trong phong trào thi đua yêu nước, hoạt động công đoàn

Đại hội XI Công đoàn tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Tại Đại hội, có nhiều ý kiến tâm huyết với những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong phong trào thi đua yêu nước, hoạt động công đoàn được đại biểu chia sẻ.

Liên đoàn Lao động huyện Càng Long: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thảo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Càng Long cho biết: khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của huyện, phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Càng Long có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, rộng khắp trên các lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thảo (bìa phải), Chủ tịch LĐLĐ huyện Càng Long cùng đại biểu quét mã QR tại đại hội. Ảnh: KL

LĐLĐ huyện Càng Long có 99 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, với trên 3.700 công nhân, viên chức, lao động. Cùng với việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai đến các CĐCS, LĐLĐ huyện phát động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tham gia chung tay XDNTM, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động hiểu được mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của phong trào XDNTM.

Trọng tâm là triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Càng Long chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, phát động nhiều phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động, như: lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, “Dân vận khéo”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Từ huyện đến cơ sở tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp, đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu gắn tuyên truyền với thi đua, khen thưởng. Theo đó, LĐLĐ huyện và CĐCS tổ chức trên 4.670 cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội thảo... thu hút hơn 156.230 lượt người tham dự, cấp phát hơn 48.000 tờ bướm tuyên truyền, 8.000 cuốn sổ tay và 138 đĩa CD hướng dẫn XDNTM, vận động xây dựng hàng rào, hố xí, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”.

Qua phát động, có 960 lượt CĐCS đăng ký mô hình “Dân vận khéo” và trên 30.785 lượt đoàn viên, người lao động tham gia; có 866 cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ và vận động đoàn viên, người lao động đóng góp với số tiền gần 04 tỷ đồng, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về nhà ở và tiêu chí về môi trường trong XDNTM. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid - 19 xảy ra, LĐLĐ huyện phối kết hợp cùng các ngành vận động, ủng hộ thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn hơn 05 tỷ đồng; Chương trình 75 nghìn sáng kiến và Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” được đoàn viên, người lao động tích cực tham gia (có trên 700 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, công tác với giá trị làm lợi trên 03 tỷ đồng).

Thời gian tới, LĐLĐ huyện Càng Long tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, đóng góp ngày công, quỹ đất, hoa màu khi có công trình đi qua để góp phần xây dựng cảnh quan môi trường đáp ứng các tiêu chí về XDNTM nâng cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lao động sản xuất để góp phần cùng Đảng bộ huyện hoàn thành các tiêu chí về XDNTM nâng cao vào năm 2024. Trong chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua bám sát với tình hình thức tế của từng đơn vị để lựa chọn hình thức và nội dung phát động thi đua phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đoàn viên tại đơn vị, từ đó, tạo động lực giúp đoàn viên hăng say tham gia thực hiện tốt phong trào thi đua trong thời gian tới.

Công đoàn Khu Kinh tế: Giải pháp và kinh nghiệm trong công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS

Đồng chí Trần Nhật Linh, Chủ tịch Công đoàn KKT cho biết: Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) đang quản lý 25 CĐCS, trong đó, có 23 CĐCS trong doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Long Đức và KKT Định An với 11.124 đoàn viên/12.527 công nhân lao động.

Đồng chí Trần Nhật Linh (bìa phải), Chủ tịch Công đoàn KKT nhận hoa của thiếu nhi tặng tại đại hội. Ảnh: KL

Nhiệm kỳ qua, Công đoàn KKT chỉ đạo các CĐCS trực thuộc tuyên truyền vận động kết nạp mới 9.541 đoàn viên (đạt 190,8%) và thành lập mới 08 CĐCS (đạt 160%) so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội.

Đạt được kết quả như trên, Công đoàn KKT kịp thời tham mưu với Đảng ủy Ban Quản lý KKT chỉ đạo Ban Quản lý KKT chủ động phối hợp với Công đoàn KKT thực hiện tốt công tác vận động thành lập CĐCS. Công đoàn KKT được mời tham gia các cuộc họp giao ban tuần với lãnh đạo Ban Quản lý KKT. Qua đó, kịp thời đề xuất, kiến nghị những khó khăn trong hoạt động, nhất là đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp.

Ngay đầu năm, Công đoàn KKT xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý KKT, các cơ quan chức năng khảo sát, nắm tình hình công nhân lao động tại các doanh nghiệp để xác định đối tượng tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, lợi ích của người lao động khi tham gia vào công đoàn và lợi ích của doanh nghiệp khi có tổ chức công đoàn.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý KKT, tạo điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ người sử dụng lao động, vận động, thuyết phục người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đồng thời, làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc thành lập CĐCS, hoạt động công đoàn không gây cản trở trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp mà sẽ cùng với doanh nghiệp vận động tuyên truyền đoàn viên, người lao động chấp hành nội quy lao động, tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Đại diện Công đoàn KKT tham gia các buổi kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp và có những đề xuất, kiến nghị, nhất là đối với việc chấp hành Luật Công đoàn để có cơ sở giúp cho doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện đối với người lao động tại doanh nghiệp và đây cũng là điều kiện để tiếp cận, vận động thành lập CĐCS. Tập trung chỉ đạo các CĐCS kịp thời thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, triển khai nhiều chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên công đoàn. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động cho đoàn viên công đoàn tham gia như hội thao, hội thi...

Chia sẻ kinh nghiệm trong trong công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đồng chí Trần Nhật Linh cho biết: để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức công đoàn, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên công đoàn và người lao động, nhất là thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, cán bộ công đoàn cấp trên cần xác định rõ số lượng lao động của doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội, nếu đảm bảo đã đáp ứng đủ điều kiện thì cán bộ công đoàn chủ động, tích cực trong việc tiếp cận làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp hoặc thông qua các mối quan hệ với các ngành hữu quan để giúp tác động đến lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện cho công đoàn gặp gỡ người lao động.

Khi làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cấp trên cần trao đổi rõ những lợi ích của người sử dụng lao động khi thành lập CĐCS theo luật định và thống nhất một số nội dung quan trọng với lãnh đạo doanh nghiệp, như: doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian (khoảng 20 - 30 phút) để tuyên truyền cho người lao động hiểu về tổ chức công đoàn, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn; phân công đầu mối liên lạc để thực hiện các hồ sơ, thủ tục thành lập CĐCS và giải đáp những khó khăn, vướng mắc khi gặp phải...

Khi tuyên truyền, vận động người lao động, cán bộ công đoàn cấp trên cần nêu rõ sự khác biệt về lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động chưa là đoàn viên; phân tích làm rõ các khoản chi chăm lo cho đoàn viên, nêu cụ thể những việc công đoàn đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Công đoàn cấp trên cần thu hút công nhân lao động vào tổ chức công đoàn bằng kế hoạch mục tiêu của công đoàn, các giá trị của Công đoàn Việt Nam, từ hiệu quả hoạt động công đoàn, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của hệ thống chính trị và từ uy tín, sự tận tâm của cán bộ công đoàn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động cho cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp; kỹ năng bản lĩnh cho cán bộ công đoàn dám nói, dám hành động vì quyền lợi của người lao động.

KIM LOAN (lược ghi).

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/cach-lam-hay-hieu-qua-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-hoat-dong-cong-doan-32514.html