Các yếu tố thúc đẩy Thung lũng Silicon tăng trưởng

Thung lũng Silicon là một hệ sinh thái sinh động của những người có tầm nhìn, những người đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, và đội ngũ quản lý phá cách...

Trụ sở Apple ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Apple Insider

Thung lũng Silicon được xem là thủ phủ đổi mới sáng tạo của toàn cầu.

Cái nhìn của người trong cuộc

Nơi đây phát triển mạnh mẽ từ việc sáng-tạo-lại, làm mới (re-invetion), được minh chứng bằng các chu kỳ đổi mới sáng tạo cốt lõi của nó, từ radio, tivi, điện tử, chất bán dẫn đến phần mềm, máy tính cá nhân, công nghệ sinh học, Internet, lưu trữ đĩa, truyền thông xã hội, công nghệ sạch, dữ liệu lớn… Nơi đây cũng thấm đẫm tinh thần sống khác, nghĩ khác và làm khác, tinh thần doanh nhân mới, đầy tính mạo hiểm, khai phá…

Câu hỏi được đặt ra là cái gì đã làm nên sức mạnh của Thung lũng Silicon và những yếu tố cộng hưởng nào đã khiến nơi đây luôn duy trì là một hệ sinh thái khởi nghiệp có ảnh hưởng nhất thế giới.

Trong cuốn Bí mật của thung lũng Silicon và những bài học từ thần kỳ Hi-tech, tác giả Deborah Perry Piscione với tư cách là người trong cuộc cho biết hệ sinh thái và văn hóa của Thung lũng Silicon chính là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy trung tâm công nghệ cao chưa từng có trong lịch sử này tăng trưởng theo tốc độ hàm mũ.

Deborah Perry Piscione là một doanh nhân Internet, cố vấn và tư vấn quản trị tại Thung lũng Silicon, người đã cùng các tập đoàn trên thế giới nghiên cứu về văn hóa kinh doanh độc đáo của thung lũng Silicon.

Bản thân bà đã tự trải nghiệm khi chuyển từ hoạt động ở Bờ Đông chính trị về Bờ Tây, vùng đất của đổi mới sáng tạo, của chia sẻ, của một văn hóa mới đã cuốn hút bà. Ở đây không chỉ có con người độc đáo, mà còn có những mô hình kinh doanh độc đáo, với văn hóa chấp nhận thất bại một cách khoan dung; với hệ thống dịch vụ từ đầu tư mạo hiểm đến tư vấn pháp luật nhằm giúp cho những ý tưởng thành sản phẩm tiến đến IPO…

Trong cuốn sách, Deborah Perry Piscione cho rằng hệ sinh thái và văn hóa Thung lũng Silicon là một hệ sinh thái sinh động của những người có tầm nhìn, những người đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, và đội ngũ quản lý phá cách (những người không sợ phải thay đổi hiện trạng) những người mà văn hóa và nguồn nhân lực của họ mang tính hợp tác theo định hướng mối quan hệ (relationship-driven), và được tưởng thưởng bằng chế độ trọng dụng nhân tài.

Thung lũng Silicon là địa điểm hàng đầu để tạo dựng công việc king doanh sáng tạo do sự cởi mở, sự nuôi dưỡng (nourishment), mức độ chấp nhận (tolerance) của nó không chỉ những thứ rủi ro cao mà ngay cả đối với thất bại.

Thủ phủ đổi mới sáng tạo của thế giới đang tiến đến rất gần các công nghệ hàm mũ, với sự cộng hưởng đan xem tạo nên một sự chuyển biến vĩ đại đối với nền kinh thế giới. Đó là một hệ sinh thái đem lại lợi thế cạnh tranh cho những người biết nắm nó.

Sách Bí mật của Thung lũng Silicon và những bài học từ thần kỳ kinh tế Hi-Tech. Ảnh: Việt Linh.

10 điểm khác biệt của hệ sinh thái và văn hóa Thung lũng Silicon

Deborah Perry Piscione cho biết, trong nhiều năm bà đã thực hiện những ghi chép phong phú về cách thức kinh doanh được tiến hành tại Thung lũng Silicon và cách những người ở đây sống cuộc sống của họ. Bà muốn nắm bắt những điều tốt nhất của Thung lũng Silicon để người khác có thể cùng chia sẻ thành công của nó.

Để thực hiện điều này, bà đã xác định rõ 10 đặc điểm khác biệt về bản chất của Thung lũng Silicon, những đặc điểm của nền văn hóa và sinh thái mà người ta muốn sao chép để áp dụng vào nền văn hóa của riêng họ.

10 đặc điểm của hệ sinh thái và văn hóa thung lũng Silicon theo Deborah Perry Piscione gồm:

Thứ nhất, Đại học Stanford tại Thung lũng Silicon đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa môi trường kinh doanh và học thuật. Điều này giúp Stanfordcó vị thế để thúc đẩy hợp tác với các đối tác khi các sáng chế và đổi mới sáng tạo diễn ra.

Ngày nay Stanford đã trở thành một pháo đài sáng tạo, giúp sinh sôi gần 6.000 công ty có tinh thần đổi mới sáng tạo cao.

Thứ hai, Thung lũng Silicon có rất nhiều người nhập cư chấp nhận rủi ro lớn đẻ theo đuổi sự thịnh vượng về kinh tế. Mặt khác nơi đây mở rộng cho tất cả những người có động lực cao đến tìm kiếm cơ hội.

Thứ ba, chu kỳ đổi mới sáng tạo diễn biến liên tục tai Thung lũng Silicon. Cứ mỗi năm đến mười năm lại có ai đó ở Thung lũng Silicon tạo ra một thứ gì đó mới mẻ truyền cảm hứng cho những người khác theo. Các nhà đổi mới sáng tạo ở đây không chỉ tin rằng mọi thứ đều có thể, mà họ cũng đạt dược những điều dường như không thể, như nỗ lực của thần Hercules.

Thứ tư, các doanh nhân Thung lũng Silicon có những đặc điểm khác biệt. Họ tồn tại một ý thức về vốn cổ phần mồ hôi (sweat qauity), nơi họ sẽ dốc hết trái tim và khối óc vào hoạt động mạo hiểm của mình. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc từ thay mực máy in đến việc lập báo cáo lãi lỗ (P&L), cũng như những việc khác từ A-Z.

Nhiều người trog số họ có tố chất như: đam mê, tính chân thực với chính mình (authentic), được thôi thúc bởi ý tưởng, can đảm, chấp nhận rủi ro, kiên cường và bền bỉ.

Thứ năm, mô hình kinh doanh tại Thung lũng Silicon khác biệt so với mô hình kinh doanh truyền thống. Có hai khía cạnh then chốt trong mô hình kinh doanh tại Thung lũng Silicon là quyền sở hữu cổ phần là tối quan trọng; thứ hai là các công ty ở Thung lũng Silicon nghĩ trước hết về tạo giá trị, chứ không nhất thiết phải kiếm tiền ngay lập tức.

Ngoài ra, phúc lợi của nhân viên được tích hợp vào mô hình kinh doanh, tạo ra lòng trung thành và giành lấy những tài năng đỉnh cao.

Thứ sáu, đầu tư mạo hiểm luôn bùng nổ ở Thung lũng Silicon. Tại đây, các nhà đầu tư mạo hiểm luôn tìm cách đầu tư vào các doanh nghiệp với hy vọng có lợi tức cao trên tiền đầu tư.

Thứ bảy, các nhà cung dịch vụ hỗ trợ như các công ty luật và kế toán ngân hàng… đóng vai trò là chìa khóa giúp các doanh nhân sáng tạo bước vào hệ sinh thái. Những nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ này thường hoãn việc thu phí, tìm một cấu trúc phí tương ứng với số vốn huy động được, hoặc từ bỏ tính phí để lấy một số cổ phần nhỏ trong công ty.

Thứ tám, chất lượng cuộc sống ở Thung lũng Silicon thu hút những người tài giỏi nhất, để họ đóng góp vào năng suất toàn diện của khu vực giữ chân họ.

Thứ chín, mạng lưới quán cà phê, nhà hàng tuyệt diệu tại Thung lũng Silicon trở thành những nơi gặp gỡ cho các ý tưởng mới. Các đối thủ có thể ngồi tại một quán bia, hay quán pizza để trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm một cách cởi mở.

Thứ mười, không nơi nào có thể nuôi dưỡng tốt hơn Thung lũng Silicon. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng ở đây có nhiều lợi thế cạnh tranh: chúng được tiếp xúc với thế giới công nghệ và tinh thần doanh nhân sáng tạo và vốn mạo hiểm từ sớm. Điều này giúp chúng đón nhận những đổi mới sáng tạo đang thay đổi thế giới, mà còn truyền cho chúng những đam mê để theo đuổi con đường sự nghiệp sau này.

Với việc trình bày chi tiết và hệ thống những đặc điểm của nền văn hóa và sinh thái Thung lũng Silicon mà nhiều người muốn sao chép, Deborah Perry Piscione đã đem đến một cái nhìn tổng quan về thủ phủ đổi mới sáng tạo của toàn cầu. Đây một tài liệu tham khảo cần thiết cho các doanh nhân, các nhà lãnh đạo và những ai quan tâm tìm hiểu về một hệ sinh thái khởi nghiệp có ảnh hưởng nhất thế giới..

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-yeu-to-thuc-day-thung-lung-silicon-tang-truong-post1451383.html