Các tín hữu Tin lành ở Đăk Đoa xây dựng buôn làng ngày càng đi lên

Glar và A Dok là hai xã tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar và Jrai ở huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai), đạo Tin lành là tôn giáo chính của nhiều người dân địa phương. Nêu cao tinh thần 'kính Chúa, yêu nước', các tín hữu nơi đây đã góp phần xây dựng nông thôn mới, vun đắp cho các buôn làng ngày càng đi lên, tham gia phát triển kinh tế hợp tác như một hướng sinh kế lâu dài và giúp thoát nghèo bền vững.

Cách đây gần 1 năm, Chi hội Tin lành Plei Brel Dôr ở xã Glar (huyện Đak Đoa) vui mừng được Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam bổ nhiệm mục sư Hninh làm quản nhiệm. Chi hội Plei Brel Dôr là Chi hội tự lập, có số tín đồ khoảng trên 8.000 người, hầu hết là người Ba Na.

Đồng lòng cùng xã Glar vươn lên

Nhà thờ Plei Brel Dôr rộng lớn, tọa lạc trên mảnh đất 20.000m2. Hiện Chi hội có tổng cộng 11 điểm nhóm ở các làng xung quanh nhà thờ, mỗi làng đều có nhà nguyện.

Thời gian qua, chức sắc, chức việc và tín hữu tại Chi hội Plei Brel Dôr đều chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và đồng lòng chung sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Các tín hữu Tin lành thuộc Chi hội Plei Brel Dôr ở xã Glar nêu cao tinh thần kính Chúa, yêu nước.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, chính quyền và nhân dân, các tín hữu Tin lành xã Glar đã luôn giữ vững, cũng như không ngừng vươn lên nâng cao các tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Theo ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar, thời gian qua, được sự đồng lòng của nhân dân, cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã huy động rất nhiều nguồn lực để nâng cấp, xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường trên địa bàn.

Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Glar được đánh giá là trong những địa phương tiêu biểu về mô hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Đoa.

Chính quyền, nhân dân và các tín hữu Tin lành trong xã xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân đã chỉ đạo vận động toàn dân chung tay thực hiện dưới nhiều hình thức.

Điển hình là việc ban nhân dân thôn Tươh Klah đã từng huy động nguồn đóng góp từ nhân dân và các tín hữu xây dựng tuyến đường nội thôn hoàn thành được 475m hơn 400 ngày công đóng góp.

“Trước đây, con đường bụi vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa, nhưng khi phát động phong trào nhân dân cùng thực hiện xây dựng các công trình công cộng. Nhân dân và các tín hữu trên địa bàn thôn Tươh Klah đã nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện, xây dựng hoàn thành công trình” - ông Anêm, Thôn trưởng thôn Tươh Klah, cho biết.

Nhờ tập trung chăm lo canh tác vườn tược, đời sống vật chất và tinh thần của bà con tín hữu ở xã Glar ngày càng nâng lên, có sinh kế thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tính đến nay tổng số hộ nghèo của xã chỉ còn chiếm dưới 5,19% tổng số hộ trên toàn xã.

Gắn kết cùng HTX tạo sinh kế bền vững

Về kinh tế, bà con tín hữu và nhân dân ở xã Glar đang canh tác chủ yếu là cà phê, hồ tiêu với diện tích 2.070 ha. Xã Glar đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách Bảo trợ xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,5%/năm.

HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar tạo sinh kế ổn định cho bà con tín hữu và phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương.

Với sự chung sức đồng lòng của bà con tín hữu ở Chi hội Tin lành Plei Brel Dôr, xã Glar cũng phấn đấu đến năm 2025 có 4 làng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt 100%, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Tuy nhiên, xã vẫn còn một số tiêu chí cần phải nỗ lực hơn như: Quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, y tế…

Hiện nay, xã Glar duy trì được 1 HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar, sản xuất ra nhiều sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Từ đó, giúp người dân, bà con tín hữu Tin lành có thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập những lúc nông nhàn.

HTX được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được hơn 300 chị em, tín hữu trên địa bàn xã tham gia dệt thổ cẩm. Điều này đã giúp các chị em, tín hữu giải quyết được nhu cầu việc làm trong những ngày nông nhàn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được công nhận là OCOP 3 sao và đó cũng là động lực để người dân tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Còn ở xã A Dơk (huyện Đắk Đoa) có gần 1.400 hộ dân, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 92%, hộ nghèo chiếm 9,59%. Trong đó, có 6 làng Ba Na, 1 làng người Gia Rai và một ít hộ người Kinh ở xen kẽ. Hầu hết người dân trong xã sinh sống bằng nghề nông.

Từ năm 2000 trở về trước, A Dơk là xã nghèo nhất nhì tỉnh Gia Lai với 80% hộ dân thuộc diện nghèo. Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây là điều trăn trở của mục sư Uyên, quản nhiệm chi hội Tin lành Kông Brech ở xã A Dơk và là Ủy viên Ban đại diện Tin lành tỉnh Gia Lai.

Chi hội Kông Brech nơi mục sư Uyên quản nhiệm hiện có hơn 5.000 tín hữu, đa phần là bà con dân tộc thiểu số. Ông luôn tự học hỏi, tìm hiểu nhằm nâng cao trình độ hiểu biết để hướng dẫn bà con tín hữu trong quá trình hoạt động mục vụ.

Mục sư Uyên trăn trở: “Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế”.

Do vậy, cùng với việc vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người quản nhiệm Chi hội Tin lành Kông Brech thường xuyên nhắc nhở bà con tín hữu dân tộc thiểu số phải giữ đất sản xuất, định canh định cư, học hỏi làm ăn để nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện đời sống.

A Dơk nay đã khác

Ngoài giờ sinh hoạt đạo, mục sư Uyên thường dành thời gian tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tín hữu, cùng tập thể Ban chấp sự chi hội tận tình hướng dẫn bà con thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tín hữu Tin lành ở các buôn làng trong xã A Dơk ngày càng chăm chỉ làm ăn.

Nhờ đó, bà con tín hữu ở A Dơk ngày càng chí thú làm ăn, chăm lo phát triển kinh tế gia đình nhiều hơn. Hiện nay toàn xã có 1.332 hộ thì có 378 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Có hộ là gương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh. Xã chỉ còn 27% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Người dân, bà con tín hữu biết chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt chủ trương, của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, nhiều nông dân và bà con tín hữu xã A Dơk tích cực tham gia nông hội, tổ hội nghề nghiệp, nhóm chung sở thích để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Cách đây 3 năm, nông hội chăn nuôi xã A Dơk được thành lập. Sau đó, ở có thêm 3 tổ hội nghề nghiệp (1 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo, 2 tổ hội trồng và chăm sóc cà phê) và 28 nhóm chung sở thích: Nuôi heo, nuôi bò, trồng cà phê, dệt thổ cẩm…

Toàn xã có 874 hội viên trồng, chăm sóc 852 ha cà phê, 46 ha hồ tiêu, cao su tiểu điền và chanh dây; nuôi 937 con bò, 29 con dê, trên 4.000 con heo và hơn 8.000 con gia cầm.

Không những vậy, các tín hữu Tin lành ở xã đã dần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Y Bưi ở làng Dơk Kông (xã A Dơk) cho biết nhờ được mục sư tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong các buổi sinh hoạt tôn giáo nên ông đã tự đào hố rác tại nhà và đốt sau khoảng 3 - 4 tuần. Những bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng được thu gom và bỏ vào khu lưu chứa chất thải nguy hại do xã quản lý.

Cần nhắc thêm, nhiều hộ đồng bào dân tộc, bà con tín hữu ở xã A Dơk, và xã Glar còn tích cực tham gia chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ thông qua việc đồng hành cùng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (thôn Tuơh Ktu, xã Glar). Qua đó, không chỉ thay đổi cách thức sản xuất gắn với bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường mà sản phẩm cà phê của bà con được cấp chứng nhận UTZ giúp đảm bảo đầu ra với giá cao.

Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX này đã thành lập 3 Tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại xã Glar, A Dơk và xã Trang trong huyện Đăk Đo. Bên cạnh 19 thành viên HTX, đã có thêm 31 nông hộ khác tham gia chương trình với tổng diện tích cà phê 70 ha nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia tăng năng suất, chất lượng cà phê, đảm bảo giá đầu ra cao hơn cho thành viên và bà con nông dân, tín hữu ở địa phương.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/cac-tin-huu-tin-lanh-o-dak-doa-xay-dung-buon-lang-ngay-cang-di-len-1093594.html