Các doanh nghiệp vùng nông thôn ở Đức và bài toán thu hút lao động nước ngoài

Các công ty vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn của Đức đang đối mặt với thách thức lớn khi tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng, khiến họ phải tìm mọi cách thu hút nguồn nhân công từ nước ngoài.

Những vùng nông thôn nhiều… nhà máy

Khi du khách ngắm nhìn khung cảnh từ tàn tích của lâu đài Rosenstein, nằm trên một tảng đá lớn phía trên thị trấn Heubach, bang Baden-Wurttemberg (Tây Nam nước Đức), họ sẽ khó có thể ngờ rằng khu vực trước mắt mình là một trung tâm kỹ thuật và công nghiệp.

Những cánh đồng và rừng chiếm ưu thế trong cảnh quan, với một vài thị trấn nhỏ nằm rải rác. Nhưng xen giữa đó, là những nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là trụ cột cho nền kinh tế của thị trấn này.

Kunjan Patel, một kỹ sư 30 tuổi đến từ Ấn Độ, đang hài lòng với công việc và cuộc sống tại bang Baden-Wurttemberg, Đức. Ảnh: DW

Nhưng Kunjan Patel, một kỹ sư 30 tuổi đến từ Ấn Độ, cho biết anh thấy nơi hấp dẫn nhất của bang Baden-Wurttemberg chính là Ostwurttemberg, một khu vực nằm cách thủ phủ công nghiệp Stuttgart một giờ lái xe về phía Đông. “Đây là một khu vực tuyệt vời dành cho các kỹ sư,” Kunjan Patel nói. "Có rất nhiều công ty thú vị ở đây và mỗi công ty đều có phong cách riêng".

Khoảng 450.000 người sống ở Ostwurttemberg, một khu vực rộng hơn gấp đôi Berlin. Khu vực này tự hào có nhiều công ty làm ăn phát đạt, trong số đó có hơn 300 công ty sản xuất công cụ, cơ khí và máy móc kỹ thuật cao.

Điều này khiến nơi đây trở thành một trong nhiều vùng của Đức tuy vẫn khá nông thôn về mặt hành chính nhưng có tầm quan trọng về mặt kinh tế và công nghiệp. Theo thống kê của chính phủ Đức, khu vực nông thôn chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, đạt khoảng 3,9 nghìn tỷ euro (4,1 nghìn tỷ USD) vào năm 2022.

Khan hiếm nguồn lao động

Khi thanh niên di chuyển từ nông thôn lên thành phố, dân số ở nhiều vùng quê thậm chí còn già đi nhanh hơn dân số thành thị. Điều này có nghĩa là nông thôn cần thu hút lao động không chỉ từ thành thị mà còn từ nước ngoài. Mặc dù gần đây nhiều người Đức đã có xu hướng từ thành phố quay trở lại vùng nông thôn sinh sống, song nhu cầu lao động cho các nhà máy ở ngoại ô vẫn lớn hơn nguồn cung.

Trong bối cảnh ấy, các trường đại học địa phương đóng vai trò quan trọng, bởi đây là đầu mối giúp các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đức. Kunjan Patel, người kỹ sư đến từ Ấn Độ mà phần trên của bài viết đề cập, làm việc tại Richter - nhà sản xuất hệ thống chiếu sáng cao cấp đặt trụ sở tại Heubach, thị trấn có 10.000 dân. Theo công ty này, họ hiện có tới 110 nhân viên đến từ 34 quốc gia.

Patel gia nhập Richter vào năm 2019. Anh được thuê sau khi đến thăm công ty cùng một nhóm sinh viên quốc tế tại Đại học Aalen gần đó, nơi anh theo đuổi tấm bằng thạc sĩ.

Markus Schmid, nhà tư vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ostwurttemberg cho biết, thuyết phục sinh viên quốc tế ở lại sau khi tốt nghiệp là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng cường nguồn lao động cho các nhà máy ở khu vực nông thôn.

Nhưng các công ty vừa và nhỏ ở Ostwurttemberg không có nhiều cách để thu hút sự chú ý của các ứng viên tiềm năng từ nước ngoài. Thách thức đối với họ là rất lớn nếu so với những tập đoàn toàn cầu đặt trụ sở tại khu vực vì họ có thể chi trả cho những chiến dịch tuyển dụng hoành tráng và thuê những đơn vị “săn đầu người” chất lượng.

Các công ty nhỏ cần phát triển cách tiếp cận sáng tạo

Với nguồn lực ít hơn rất nhiều so với những tập đoàn đa quốc gia, Bernd Richter, chủ sở hữu công ty chiếu sáng Richter, phải tìm ra cách riêng để xây dựng và duy trì lực lượng lao động đa dạng trong công ty của mình - đôi khi phải tốn rất nhiều nỗ lực cá nhân: Thỉnh thoảng, ông thậm chí còn tiếp đón nhân viên mới tại điền trang của gia đình mình.

Ông nói, phương pháp tuyển dụng của Richter là “không bao giờ loại trừ bất cứ điều gì”. Chẳng hạn, khả năng nói được tiếng Đức không phải là tiêu chí vượt trội đối với ông. Ngôn ngữ làm việc chính thức tại Richter là tiếng Anh. Thế nên, anh kỹ sư Ấn Độ Kunjan Patel - người nói rằng học tiếng Đức là thử thách lớn nhất khi sống ở Ostwurttemberg, cho biết anh rất hài lòng với văn hóa doanh nghiệp của Richter. Đấy là chưa kể, tại Richter, nhân viên còn được học tiếng Đức miễn phí.

Thị trưởng Heubach, Joy Alemazung, nói rằng ông muốn những người nhập cư cảm thấy không họ được đón chào nồng nhiệt nhất có thể. Alemazung nói: “Nếu tôi không cảm thấy khác biệt khi ai đó nói chuyện với mình, tôi cảm thấy như đang ở nhà”. Alemazung cũng chia sẻ, ông có thể nhận ra điều đó từ chính trải nghiệm của bản thân sau khi chuyển từ quê hương Cameroon đến Đức thời sinh viên.

Alemazung cho biết, cuộc sống có nhiều liên kết cộng đồng ở những vùng nông thôn có thể giúp thúc đẩy sự chấp nhận đối với người nhập cư vì nó mang lại cho những người mới đến và người dân địa phương cơ hội hòa nhập. Về vấn đề này, khu vực nông thôn có lợi thế hơn các thành phố, ông lập luận.

Với một người đến từ châu Á như Kunjan Patel, điều này rất quan trọng. Anh cho biết mình hài lòng với lối sống mà Ostwurttemberg mang lại. “Đời sống xã hội ở đây rất tốt”, anh nói với DW, với nhiều sự kiện để hòa nhập cả trong và ngoài công việc. Patel cũng thích đi bộ đường dài trên Alb, một cao nguyên miền núi trong vùng. “Tôi yêu mùa hè ở Alb”, anh nói.

Đây hẳn là tin vui cho sếp của Kunjan Patel. Bởi như ông chủ công ty Richter đã nói, việc thu hút người lao động đến Ostwurttemberg cuối cùng là vấn đề tìm ra "ai sẽ thực sự hài lòng ở đây”.

Tháo gỡ “quả bom hẹn giờ”

Những nỗ lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nông thôn như Richter là một phần trong nỗ lực tháo gỡ cuộc khủng hoảng lao động, thứ mà báo DW gọi là “quả bom hẹn giờ với nền kinh tế Đức”.

Trong nhiều năm, các công ty Đức đã cảnh báo về một quả bom nổ chậm tại trung tâm nền kinh tế lớn nhất châu Âu: tình trạng thiếu lao động lành nghề. Vấn đề này từ lâu đã là nguồn gốc của những cuộc tranh luận đầy lo lắng nhưng nó đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây.

Việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức chính với các công ty Đức. Ảnh: DW

Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực tại Đức cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động họ cần và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Andreas Rade, đại diện Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) nói với DW: “Việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức chính đối với các công ty trong ngành công nghiệp ô tô Đức”. Một cuộc khảo sát gần đây với các nhà cung cấp cho thấy hơn 3/4 các công ty hiện đang thiếu nhân công trầm trọng.

Đấy cũng là bức tranh tương tự nếu nhìn vào ngành cơ khí của Đức, một trong những động lực lớn của thị trường xuất khẩu khổng lồ của đất nước. Thilo Brodtmann, nhà phân tích của VDMA, nói với DW: “Tình hình ngày càng xấu đi kể từ năm 2021” và cho biết hơn 70% công ty trong lĩnh vực này đang thiếu hụt trầm trọng lao động.

Trước tình hình ấy, chính phủ Đức cho rằng nhập cư là một trong những giải pháp. Hồi tháng 6, nước này đã thông qua luật cải cách nhập cư sâu rộng, với những tiêu chí dễ dàng hơn cho việc cấp thị thực làm việc tại Đức cũng như mở rộng việc công nhận bằng cấp ở nước ngoài. Luật này được kỳ vọng sẽ khiến Đức trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài.

Với cú hích ở tầm vĩ mô ấy, những doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nông thôn, cũng đã có thêm cơ hội tuyển dụng lao động, qua đó giải bài toán nhân sự đầy thách thức những năm gần đây.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-doanh-nghiep-vung-nong-thon-o-duc-va-bai-toan-thu-hut-lao-dong-nuoc-ngoai-post265437.html