Bước đột phá xây dựng Quốc hội đổi mới và trách nhiệm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết Số 15/2022/UBTVQH15 quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết quy định việc sử dụng chuyên gia). Theo các chuyên gia, điều này rất phù hợp trong bối cảnh mới đang phát sinh những vấn đề chưa có tiền lệ, 'cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong việc xây dựng một Quốc hội đổi mới và trách nhiệm'.

GS.TSKH. VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới:
Chúng ta không thiếu chuyên gia có tâm và tầm!

Trước đây, tôi vinh dự nhiều lần là thành viên trong đội ngũ chuyên gia tư vấn cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Song, tôi nhớ không lầm thì chưa từng có một Nghị quyết riêng nào về việc sử dụng đội ngũ chuyên gia cho cơ quan nhà nước cấp cao. Do vậy, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định việc sử dụng chuyên gia có thể coi là bước đột phá, chưa từng có tiền lệ. Điều này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong việc xây dựng một Quốc hội đổi mới và trách nhiệm, trên tinh thần cầu thị, tập hợp sức mạnh trí tuệ của đội ngũ chuyên gia cả trong và ngoài nước.

Thực tế, chúng ta không thiếu những chuyên gia giỏi, có tâm và có tầm mong muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước. Vấn đề là chúng ta có kết nối, vận dụng, phát huy được sức mạnh trí tuệ của họ hay không?

Muốn tận dụng, phát huy được năng lực của đội ngũ chuyên gia, tôi cho rằng việc chọn lựa đúng và trúng là rất quan trọng. Tôi đã từng sang một số nước, trong đó có Hàn Quốc, thì thấy cách họ chọn chuyên gia tư vấn cho Tổng thống là những học giả xuất sắc ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Số lượng chuyên gia có thể dao động tùy từng thời điểm, đầu việc. Do đó, mỗi cơ quan, người có thẩm quyền sẽ có một số chuyên gia cố định, nhận lương hàng tháng, còn lại phần lớn nên ở chế độ cộng tác viên và cần công bố danh sách này.

Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG AN, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:
Tuyển chọn chuyên gia phải thật kỹ

Tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định việc sử dụng chuyên gia. Đây là quyết định rất đúng hướng, hợp lý nhằm tận dụng được ý kiến của các chuyên gia.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay không thiếu những chuyên gia “ngụy” khoa học, vụ lợi. Do đó, để tránh tình trạng này, cần có điều khoản tham chiếu rõ ràng, chặt chẽ. Việc tuyển chọn chuyên gia phải rất kỹ lưỡng, trên cơ sở bằng thật, năng lực thật, kinh nghiệm rõ ràng.

Chế độ đãi ngộ cho các chuyên gia sẽ là nguồn động viên, khích lệ lớn với họ và cần áp dụng tương xứng với công sức họ bỏ ra. Song, đây không phải là vấn đề quá quan trọng, bởi tôi biết có những chuyên gia sẵn sàng làm việc vì lợi ích cộng đồng mà không có thù lao. Điều mà các chuyên gia cần là có một môi trường thực sự để họ được cống hiến!

PGS.TS. NGUYỄN THẾ CHINH, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường:
Xây dựng cơ chế cụ thể

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước, quyết định những vấn đề rất rộng lớn của đất nước mà không một đại biểu Quốc hội nào có thể tường minh tất cả lĩnh vực. Do đó, việc sử dụng đội ngũ chuyên gia là tất yếu! Khi có Nghị quyết riêng về sử dụng chuyên gia sẽ tạo cơ chế pháp lý rõ ràng, cụ thể để huy động, tập hợp đội ngũ này nhằm tham vấn cho Quốc hội, từ đó giúp Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng và trúng, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân.

Từ thực tế tham gia vào các tổ chức cả trong nước và quốc tế với tư cách là một chuyên gia, tôi cho rằng, việc lựa chọn chuyên gia cần dựa trên bản sơ yếu lý lịch rõ ràng, chi tiết để họ chứng minh năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Nhiều tổ chức yêu cầu chuyên gia phải có tối thiểu 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể. Khi đặt bài cho chuyên gia cũng cần rõ ràng cả về thời gian, điều kiện làm việc... Đặc biệt, phải có cơ chế cụ thể trong việc sử dụng chuyên gia. Trong đó, việc có sử dụng hay không sử dụng ý kiến của chuyên gia cần phải có giải trình rõ.

TS. TRẦN HỮU HIỆP, Đại học FPT Cần Thơ:
Vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sử dụng chuyên gia là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình mới vốn phát sinh những vấn đề chưa có tiền lệ, chẳng hạn như dịch Covid-19. Do là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm nên chúng ta càng cần ý kiến của các chuyên gia, trên cơ sở đó nhà lãnh đạo sẽ đưa ra quyết sách cụ thể.

Nhìn từ thực tế chống dịch thời gian qua cho thấy, việc huy động đội ngũ chuyên gia đã thực sự tạo ra những chuyển biến rõ nét. Minh chứng điển hình là chúng ta đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt”. Để có được sự chuyển biến đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ chuyên gia!

Với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định việc sử dụng chuyên gia với cơ chế rõ ràng trong sử dụng chuyên gia chắc chắn sẽ huy động được ý kiến chuyên môn, tập hợp được những người tâm huyết cho sự phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, sau khi chọn được đội ngũ chuyên gia trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn đặt ra, cần bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cho họ, tránh “cát cứ” thông tin.

Trong cùng một vấn đề sẽ không tránh khỏi việc các chuyên gia có ý kiến trái chiều. Nếu chuyên gia nêu ý kiến được thực tế chứng minh là đúng mà người lãnh đạo quyết sai có thể sẽ gây ra tâm lý tiêu cực cho chuyên gia. Do vậy, vai trò của người lãnh đạo trong việc đưa ra quyết định rất quan trọng. Đồng thời, phải có cơ chế về việc tiếp thu, vận dụng ý kiến của các chuyên gia.

Theo nội dung Nghị quyết Quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia bao gồm: nguyên đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn ở trong nước và ngoài nước.

Điều kiện đối với chuyên gia là có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực cần tham vấn; có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khỏe, tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức sâu rộng, có trí tuệ và uy tín trong công tác tham mưu, hoạch định chính sách, chiến lược. Có khả năng tham vấn thông thạo trong một số lĩnh vực cụ thể đã được thực tiễn khẳng định; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các chuyên gia sẽ được mời tham dự phiên họp của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; được tham dự và thể hiện quan điểm, chính kiến trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phiên giải trình…; được trả thù lao theo quy định…

Minh Châu ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/buoc-dot-pha-xay-dung-quoc-hoi-doi-moi-va-trach-nhiem-utjsmvleau-80241