Bộ trưởng GD&ĐT: Việc phát triển đội ngũ nhà giáo cần được tập trung hơn nữa

Ghi nhận sự khó khăn, vất vả của đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị cần kiến tạo những chính sách mới tạo điều kiện cho thầy cô gắn bó với nghề.

Chiều 17/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà báo tiêu biểu.

Phát triển đội ngũ nhà giáo còn nhiều thách thức

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đến các nhà giáo.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành giáo dục luôn dành sự quan tâm tới đội ngũ nhà giáo. Đây là lực lượng nòng cốt, hạt nhân trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.

“Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khố công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỉ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%”, Bộ trưởng báo cáo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận đối với giáo dục nghề nghiệp, khoảng trên 80% người tốt nghiệp qua đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.

Đã hình thành các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp, ...

“Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Tạo điều kiện lao động tốt nhất cho nhà giáo

Bộ GD&ĐT cũng tổ chức rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc giáo viên phổ thông; thực trạng chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để nắm bắt tình hình thực hiện chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công ập.

Từ đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, tuyên dương các nhà giáo có thành tích cao (Ảnh:VGP).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Toàn hệ thống giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện; đặc biệt đổi mới giáo dục phổ thông đang trong giai đoạn cần tập trung cao nhất nguồn lực. Việc quan tâm và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được tập trung thực hiện hơn nữa.

Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy cô. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất để lực lượng nhà giáo yên tâm và gắn bó với nghề.

Ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Trong buổi gặp mặt ý nghĩa ngày hôm nay, thay mặt toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH, tôi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm hết sức thiết thực đến đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục.

Thủ tướng đã dành nhiều buổi làm việc với ngành Giáo dục để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, Chính phủ đã quan tâm trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục, đồng thời chỉ đạo sát sao để có thể tăng phụ cấp ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên”

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viec-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-can-duoc-tap-trung-hon-nua-a636373.html