Bấp bênh nghề câu cá hố truyền thống ở Quảng Ngãi

Với nhiều ngư dân thôn Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi), nghề câu cá hố từng là nghề mang lại nguồn thu nhập lớn cho họ. Nơi đây từng được mệnh danh là 'làng câu cá hố' sầm uất của tỉnh, nhưng vài năm trở lại đây, nghề câu cá hố bấp bênh, nguy cơ trở thành... quá vãng.

Ông Đặng Thanh Hùng (59 tuổi, thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú) kể, ở tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều nghề câu nhưng chỉ có xã Nghĩa Phú có nghề câu cá hố truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm. Các thôn Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá rất sầm uất, cả làng có hàng trăm người theo thuyền vượt sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá. Cách đây chỉ hơn 10 năm, mỗi tàu thu nhập từ 700 triệu đến cả tỷ đồng từ nghề câu cá hố, dân làng khấm khá từ đây.

Ngư dân xã Nghĩa Phú lấy đá lên tàu vươn khơi đánh bắt cá. Ảnh: NGUYỄN TRANG

“Đấy là thời hoàng kim của nghề câu cá hố. Thời đấy, mỗi năm đi từ 10-15 chuyến biển, mỗi chuyến câu được hơn 1 tấn cá hố, giá bán rất cao, khoảng 200.000 đồng/kg; thời điểm cận tết có thể đến 300.000 đồng/kg. Cá hố được xuất bán đến nhiều nước với sản lượng lớn”, ông Hùng nói. Những năm đó, tàu câu cá hố không bao giờ thiếu lao động, mỗi tàu đi từ 8-10 thuyền viên, thu nhập trên 8-10 triệu đồng/lao động/chuyến.

Theo ngư dân, cá hố sinh sống ngoài khơi xa ở độ sâu 100-110m, tập trung thành từng đàn. Ngư dân câu cá hố đánh bắt quanh năm, nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 8.

Ông Hùng chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi mua lại một chiếc tàu cá công suất nâng 540 CV để hành nghề câu cá hố. Những tưởng nghề câu cá hố sẽ phất lên, ngờ đâu ngày càng bấp bênh, khó khăn hơn”.

Nguyên nhân nghề câu cá hố gặp khó, theo nhiều ngư dân là do tình hình xuất khẩu qua các nước không còn như trước, cá hố chỉ để…bán chợ. Thương lái chỉ thu mua 50.000-100.000 đồng/kg, trong khi mồi câu cá hố tăng cao, chi phí nhiên liệu cho chuyến biển ngày càng tăng.

Ngư dân câu cá hố chỉ còn bán thương lái nhỏ lẻ và tại chợ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Giá cá hố rất thấp chỉ từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Hùng nói: “Bây giờ cả năm chỉ đi có 4-5 chuyến biển, mỗi tàu cầm cự được 4-6 thuyền viên, thu nhập giảm chỉ còn 3 triệu đồng/lao động/chuyến biển. Trong khi đó, nghề câu cá hố là nghề đánh bắt thủ công, ngư dân thức cả đêm, không được nghỉ ngơi, vất vả nên nhiều ngư dân bỏ nghề, nhảy việc”.

Để có tiền trả cho thuyền viên, ông Hùng trích từ phần Nhà nước hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân an tâm bám biển. Ông Hùng nói: “Nhờ có Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ cho ngư dân nên tôi mới an tâm đưa tàu cá ra khơi, giữ lấy nghề câu cá hố truyền thống”.

Ông Đỗ Ngọc Minh (55 tuổi, thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú) cho biết: “Vào 9 năm trước, tôi cũng đóng mới tàu cá hành nghề câu cá hố. Bây giờ giá cá thấp, ngư dân không mặn mà với nghề câu cá hố nữa. Mỗi tàu chỉ có 4-6 người đi, chủ yếu là ra biển đảo giữ lấy chút nghề truyền thống”. Vừa rồi, chuyến thứ 4 trong 6 tháng đầu năm của ông Minh chỉ thu được hơn 5 tạ cá, đủ trang trải chi phí nhiên liệu, trả công lao động.

Một góc làng biển xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Minh chia sẻ: “Chuyến đi biển kéo dài từ 18-20 ngày, lênh đênh trên biển, thức đêm hôm nhưng mỗi ngư dân chia nhau chỉ được 5-6 triệu đồng/chuyến. Do đó, người trẻ ở làng này đâu còn ai làm nghề câu cá hố, họ chuyển nghề lên bờ vào khu công nghiệp, nhà máy. Chỉ những người 50-60 tuổi còn làm nghề biển kiếm sống qua ngày”.

Ông Phan Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa Phú, cho biết: “Khoảng 10 năm trước, cả làng biển cùng làm nghề câu cá hố; nhà nhà, người người ra khơi rất đông đúc, người dân sắm sửa tàu cá mới để ra khơi. Sau thời gian giá cá hố giảm, xuất khẩu không được, hiện giờ chỉ còn khoảng vài chục tàu còn giữ nghề truyền thống. Vì không có đầu ra nên ngư dân ra biển cầm chừng hoặc chuyển sang các nghề câu cá khác… Đây là khó khăn của địa phương và ngư dân trong mong muốn vực dậy nghề câu cá hố truyền thống”.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bap-benh-nghe-cau-ca-ho-truyen-thong-o-quang-ngai-post696928.html