Một chính sách nhân văn

Miễn học phí cấp THCS là giấc mơ của nhiều học sinh, nhất là với học sinh con em gia đình nghèo. Giấc mơ đó sắp thành hiện thực bởi theo quy định, từ năm học 2025-2026, học sinh cấp THCS sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Không ít người dân ngóng đợi sự thay đổi từ bây giờ.

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020".

Do điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nên đến nay, nước ta mới chỉ thực hiện phổ cập giáo dục 5 năm (phổ cập tiểu học). Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tất cả học sinh THCS sẽ được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (hưởng từ ngày 1/9/2025).

Thực tế, dịch Covid-19 ập đến và diễn ra phức tạp trong giai đoạn 2020 - 2022 nên Chính phủ chủ trương miễn học phí sớm hơn. Tính đến năm học 2022 - 2023, cả nước có 7 địa phương thực hiện miễn học phí THCS gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình.

Tại TP Hồ Chí Minh, chính sách hỗ trợ học phí được thực hiện từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024; trong đó năm học 2023 - 2024, TP miễn học phí 100% cho học sinh THCS (công và tư) với mức bù là 1.108 tỷ đồng.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn thực hiện những chính sách quan tâm, đầu tư cho giáo dục, thể hiện qua việc không tăng học phí trong ba năm liên tiếp.

Cụ thể: năm học 2021 - 2022, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, HĐND TP thống nhất mức hỗ trợ bằng 50% mức học phí hàng tháng (theo mức trần quy định). Trong đó, học sinh tư thục và học sinh công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng nhau. Tổng kinh phí hỗ trợ cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô năm học 2021 - 2022 là gần 893 tỷ đồng.

Năm học 2022 - 2023, Hà Nội áp dụng thu học phí theo mức thấp nhất theo khung Chính phủ; đồng thời dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch tăng so với năm học trước và hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022 - 2023. Tổng mức ngân sách TP hỗ trợ năm học này là hơn 1.133 tỷ đồng.

Năm học 2023 - 2024, để bảo đảm ổn định mức học phí so với năm học trước, Hà Nội áp dụng mức thu học phí bằng mức học phí năm học 2022 - 2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định 81. Cuối tháng 3/2023, TP tiếp tục chốt giảm gần một nửa và bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Với mức này, ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù hơn 1.279 tỷ đồng.

Các chính sách miễn, giảm học phí kể trên được cho là đúng đắn, kịp thời, công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Việc miễn học phí THCS là điều kiện cơ bản nhất để thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, bảo đảm mọi người dân Việt Nam đạt được trình độ tối thiểu là giáo dục cơ bản (9 năm) và phù hợp với xu hướng giáo dục của thế giới.

Để chính sách miễn học phí có hiệu quả thiết thực cần phải đi liền với chính sách chống lạm thu ở nhà trường, tránh việc giảm học phí nhưng tăng khoản phụ trợ.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục, Nghị định 81 cũng quy định chi tiết chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-chinh-sach-nhan-van-769371.html