Bảo tồn các hiện vật thuộc di chỉ khảo cổ Lũng Hòa

Di chỉ Lũng Hòa nằm trên một khu đất cao trồng hoa màu, thuộc cánh đồng Đầu, thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường. Các nhà khoa học đã nhiều lần tiến hành khai quật và thám sát di tích này, thu được nhiều hiện vật quan trọng. Đây là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về cuộc sống và xã hội của cư dân Lũng Hòa cách đây 3.500 - 4.000 năm. Hiện nay, các hiện vật đã khai quật được lưu trữ, bảo vệ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Các di vật, hiện vật thuộc di chỉ Lũng Hòa được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Kim Ly

Theo tài liệu Sở VH-TT&DL cung cấp, di chỉ Lũng Hòa được phát hiện năm 1963 và cũng năm đó đã đào 3 hố thám sát với diện tích 3m2. Từ đó đến nay, di tích đã trải qua 3 lần khai quật vào các năm 1965-1966, 1966 và 1999. Tầng văn hóa của di tích tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,3 - 0,4 m, loại đất sét pha cát màu xám đen, chứa nhiều gốm thô và hiện vật đá.

Trong cuộc khai quật lần thứ nhất đã phát hiện một khu mộ táng lớn thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Ngoài 3 ngôi mộ gạch chỉ còn phần đáy thuộc thời Bắc thuộc, 2 ngôi mộ gò ở phía trên, 1 ngôi mộ đất trong có chôn theo 1 chiếc gương đồng có cán thuộc giai đoạn muộn thì ở đáy tầng văn hóa đã phát hiện được 12 ngôi mộ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Đây là những ngôi mộ đơn táng, được chôn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Hầu hết các mộ đều có vật tùy táng là đồ đá và đồ gốm, thường được chôn theo đôi như nồi, bình, bát, chạc gốm, rìu đá, vòng đá, bàn mài. Xương cốt phần lớn bị mục nát, chỉ còn lại một phần xương đùi, xương sườn là có thể nghiên cứu được. Khu mộ táng ở Lũng Hòa cung cấp bộ sưu tập đồ gốm còn khá nguyên vẹn của văn hóa Phùng Nguyên, là nguồn tư liệu quý hoàn chỉnh nhất để tìm hiểu về cuộc sống và xã hội của cư dân Lũng Hòa thời bấy giờ.

Các cuộc khai quật ở di chỉ Lũng Hòa thu được khối lượng lớn di vật đá và gốm. Riêng cuộc khai quật năm 1965 - 1966, từ đất lấp mộ và vật tùy táng trong mộ đã thu được 440 hiện vật đá, 89 đồ gốm nguyên bản và 12.641 mảnh gốm.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quốc Minh cho biết: "Căn cứ vào loại hiện vật đồ đá, đồ gốm và mộ táng, các nhà khoa học khẳng định, di chỉ Lũng Hòa ở vào giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới, có niên đại cách ngày nay từ 3.500 - 4.000 năm. Thông qua các dấu tích cư trú và mộ táng, có thể thấy đời sống vật chất và tinh thần người Việt cổ trên đất Lũng Hòa khá phong phú và đa dạng.

Học sinh Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên tham quan các hiện vật, cổ vật giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trên đất Vĩnh Phúc, trong đó có các di vật, hiện vật tại di chỉ Lũng Hòa. Ảnh: Kim Ly

Cư dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, những chiếc rìu đá được xem là công cụ vạn năng dùng để chặt cây, đục đẽo dựng nên những túp lều nhỏ bằng tre, nứa, gỗ trên nền đất sét. Các công cụ như rìu đá, bôn đá được tra thêm cán gỗ làm thành cuốc để phát quang diện tích trồng lúa, cây lương thực, cây ăn quả, ăn hạt.

Trong các khu mộ táng, có nhiều ngôi mộ chôn theo hàm lợn cho thấy cư dân Việt cổ nơi đây đã biết đến nghề chăn nuôi. Các nghề thủ công như làm gốm, dệt vải, đan lát cũng đã được hình thành, bằng chứng là sự có mặt của các dọi xe sợi ở di tích. Nông nghiệp, chăn nuôi và các nghề thủ công phát triển đã đảm bảo cuộc sống cho cư dân. Người Việt cổ ở đây đã biết chế tác các trang sức bằng đá, bằng xương. Ở di tích Lũng Hòa đã phát hiện được 98 mảnh vòng, 19 hạt chuỗi".

Người Việt cổ quan tâm đến sự sống và cái chết. Người chết được chôn cất cẩn thận tại một khu trong nơi cư trú và thường được chôn theo các công cụ, vật dụng hằng ngày như rìu, đục, bàn mài, trang sức, nồi, bình, bát… Phương thức mai táng này cho thấy, cư dân cổ nơi đây không chỉ coi trọng cái chết mà còn quan niệm về cuộc sống bên kia thế giới. Ở thế giới bên kia con người vẫn sống và lao động bình thường như trên thế gian này.

Hiện nay, toàn bộ các di vật, hiện vật được khai thác ở di chỉ Lũng Hòa đều được lưu trữ, bảo tồn tại Bảo tàng tỉnh. Bảo tàng đã lập hồ sơ, lý lịch, ghi chép sổ sách, phích phiếu cho các hiện vật, hoàn thiện việc kiểm kê nhập dữ liệu theo phần mềm của Cục Di sản văn hóa; bảo quản các hiện vật theo chế độ, tránh để ẩm mốc, hư hại.

Bảo tàng tổ chức hệ thống trưng bày thường trực giai đoạn 1 “Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến trước năm 1930”; đồng thời, phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các trưng bày chuyên đề như “Tinh hoa cổ vật và gốm mỹ thuật đương đại Vĩnh Phúc”, “Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng”, trong đó, có trưng bày các hiện vật thuộc di chỉ Lũng Hòa, qua đó, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Ngoài di chỉ Lũng Hòa, trên địa bàn xã Lũng Hòa còn có di chỉ Gò Mát nằm ở phía Tây Bắc thôn Lũng Ngoại, cũng thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Di chỉ này nằm trên mặt gò, nay đã trồng trọt thành ruộng bậc thang.

Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa Nguyễn Văn Hải cho biết: "Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tuyên truyền, nhắc nhở người dân bảo vệ hiện trạng các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn giá trị di sản của dân tộc".

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96046//bao-ton-cac-hien-vat-thuoc-di-chi-khao-co-lung-hoa