Bao giờ những tuyến đường bị xuống cấp do thi công cao tốc ở Thanh Hóa mới được hoàn trả?

Mặc dù cao tốc Mai Sơn – QL 45 đã được khánh thành và đi vào sử dụng từ đầu tháng 5/2023, nhưng công tác hoàn trả các tuyến đường xuống cấp mà đơn vị thi công 'mượn' vẫn chưa được diễn ra khiến người dân rất bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, đoạn cao tốc Mai Sơn – QL 45 dài 63,37 km, đi qua các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, TP Thanh Hóa. Trong quá trình thi công, các phương tiện, máy móc đã làm hư hỏng, khiến các tuyến đường, tuyến đê bị xuống cấp, gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến người dân bức xúc, nhiều lần chặn xe chở vật liệu.

Đường tỉnh lộ 523B qua địa bàn xã Hà Tiến, huyện Hà Trung xuống cấp nghiêm trọng.

Vào ngày 5/10 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường mà đơn vị thi công "mượn" để thi công cao tốc Bắc - Nam.

Theo nội dung văn bản, để phục vụ việc thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các nhà thầu đã triển khai các thiết bị máy móc và phương tiện chở vật liệu xây dựng đi qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khiến nhiều tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Giao thông đi lại vô cùng khó khăn.

Theo Ban quản lý dự án (BQL DA Thăng Long) – là chủ đầu tư của dự án cao tốc Mai Sơn – QL 45 thì nguyên nhân chính khiến đơn vị chậm hoàn trả các tuyến đường công vụ là do trong tổng mức đầu tư dự án/gói thầu không bố trí nguồn kinh phí thực hiện công tác hoàn trả đối với các tuyến đường công vụ.

Ngoài ra, từ khi dự án được triển khai đến nay gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, giá vật liệu biến động, thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến công tác triển khai thi công của các nhà thầu, gây khó khăn về mặt tài chính. Do đó, các nhà thầu phải huy động để bổ sung thêm nguồn tài chính khác nằm ngoài kế hoạch ban đầu để thi công hoàn thành các gói thầu.

Ngoài ra, BQL DA Thăng Long còn cho rằng, ngoài các phương tiện phục vụ dự án cao tốc còn có nhiều phương tiện khác lưu thông trên các tuyến đường để chở vật liệu cho các dự án khác của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, các đường tỉnh này được nâng cấp từ đường huyện nên kết cấu sẽ yếu, dẫn đến việc khi lưu lượng xe đi qua đông sẽ gây hư hỏng nặng.

Mặt đường xấu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

BQL DA Thăng Long cho biết, đối với tuyến đường tỉnh 505B (đoạn từ xã Thăng Long đi xã Xuân Thái) và đoạn từ Km0+00 - Km2+200 (ngã ba Vạn Thành đi Nhà máy Mía đường huyện Nông Cống) có chiều dài 2,2 km đã được BQL DA 2 và nhà thầu hoàn trả xong. Đối với các tuyến đường xuống cấp còn lại, BQL DA Thăng Long đề xuất Bộ GTVT, UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường tỉnh nêu trên bằng nguồn vốn địa phương.

Trước đó, theo rà soát của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa được biết, một số công trình hiện đang trong tình trạng xuống cấp nhưng chưa được hoàn trả gồm: Mái đê sông Mã đoạn qua cầu Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc) chưa thanh thải đất đá ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều; đê bao Hón Bông (xã Vĩnh An) chưa được hoàn trả mặt và mái đê.

Nhiều tuyến đê hư hỏng.

Tại huyện Yên Định, mặt đê sông Mã đoạn qua các xã: Định Tân, Định Tiến, Định Công được sử dụng làm đường công vụ nhưng đến nay đã hư hỏng, nứt vỡ. Tương tự, tại huyện Thiệu Hóa, mặt đê hữu sông Cầu Chày, đoạn qua xã Thiệu Giang cũng bị nứt toác. Các trường hợp trên đều chưa được hoàn trả. Khu vực cầu Chấn Long (xã Thiệu Hợp), phía dưới chân cầu chưa thanh thải đất đá ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều, lòng sông, bãi sông; chưa hoàn trả lại mặt tả sông Mậu Khê khu vực thôn Thắng Long.

Tại cầu vượt Núi Đọ, chủ đầu tư chưa hoàn trả mặt đê tả sông Chu thuộc các xã Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Tân Châu, và thị trấn Thiệu Hóa. Tại huyện Hà Trung, có cầu Hà Giang bắc qua sông Hoạt chưa thanh thải đường công vụ; chưa hoàn thành việc gia cố mái taluy đê sông Hoạt; chưa gia cố hoàn trả đoạn kênh chính trạm bơm Cống Đập của hồ Bến Quân.

Đối với các tuyến đường bị hư hỏng, theo báo cáo của UBND các huyện có cao tốc đi qua, trong số 31 tuyến đường của địa phương (gồm 12 tuyến đường tỉnh và 19 tuyến đường do UBND các huyện, xã quản lý) dùng để phục vụ vận chuyển vật liệu thi công cao tốc thì có tới 28 tuyến đường với tổng chiều dài 92,17km bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục.

Việc lưu thông khó khăn khiến người dân vô cùng bức xúc

Điển hình như tại huyện Vĩnh Lộc, các đơn vị thi công đã sử dụng con đường từ QL217 đến trung tâm xã Vĩnh An dài 3,6km và tuyến tỉnh lộ 508B dài hơn 3km để làm đường công vụ. Do xe trọng tải lớn chở vật liệu ngày đêm đã gây hư hỏng mặt đê, khiến nhiều đoạn bê tông bị nứt vỡ, ổ voi, ổ gà đến nay vẫn chưa được gia cố, khắc phục. Đường tỉnh lộ 522B, 523B, đoạn qua các xã Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Tiến, Hà Giang (huyện Hà Trung) từ khi triển khai thi công cao tốc đã bị các xe tải cày nát, tạo thành nhiều hố sâu rất nguy hiểm.

Tương tự, tại đường tỉnh 525 đoạn xã Minh Nghĩa (huyện Nông Cống) cũng được dùng để làm đường công vụ, hiện nay mặt đường đang vỡ ra từng mảng, sụt lún, chỗ cao chỗ thấp khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Do quá bức xúc vì đường xuống cấp mà chưa được hoàn trả, ngày 16/7, người dân địa phương đã mang các vật dụng ra chặn đường, không cho các phương tiện chở vật liệu thi công cao tốc lưu thông.

Trong hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ tỉnh Ninh Bình - Nghệ An do Bộ GTVT tổ chức vào ngày 8/9, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Bộ GTVT nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ hệ thống đường gom và các công trình phải hoàn trả cho địa phương cho người dân đi lại, sản xuất, sinh hoạt thuận tiện.

Bình Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-gio-nhung-tuyen-duong-bi-xuong-cap-do-thi-cong-cao-toc-o-thanh-hoa-moi-duoc-hoan-tra-169231011155535623.htm