Báo chí phải đổi mới sáng tạo, gần gũi đời sống nhân dân

Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Một năm nhiều thành tựu

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo VN chia sẻ, qua 74 năm thành lập (21/4/1950-21/4/2019), tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.

Hội báo toàn quốc 2024 tổ chức tại TP.HCM từ ngày 15 - 17/3/2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh: Đỗ Loan).

Đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực và đồng bộ.

Cụ thể, Hội đã tập trung xử lý, kiến nghị giải quyết hoặc giải quyết dứt điểm nhiều hạn chế góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các cấp Hội, các cơ quan báo chí đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Xây dựng Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, người làm báo.

Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam trong tình hình mới", năm 2023, Thường trực Hội thành lập đoàn công tác, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn tích cực, chủ động tham gia thành viên Đoàn, làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh: Tiền Giang, Nghệ An và Hòa Bình nhằm đánh giá tình hình hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh; đề nghị địa phương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động Hội.

Hội phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, 100% Ủy viên Ban Chấp hành tích cực tham gia đồng hành cùng các hoạt động, các sự kiện lớn của Hội, đặc biệt là 4 hội nghị khu vực Bắc - Trung - Nam (tháng 10, 11/2023): Hội nghị tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; Triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương; Hội nghị "Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số"; Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam…

Một số hoạt động tiêu biểu của Hội trong quý I năm 2024 là: Triển lãm báo Xuân của các báo Trung ương; ấn phẩm Xuân của 63 tỉnh, thành trên cả nước; ấn phẩm Xuân của các sở, ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh, thành phố. Hội báo Xuân do Hội Nhà báo các địa phương chủ trì tổ chức cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024, 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương trong năm 2024.

Gần đây nhất, Hội Báo toàn quốc 2024, ngày hội lớn của những người làm báo trong cả nước do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức, vừa diễn ra thành công vượt kỳ vọng tại đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1 từ ngày 15 - 17/3/2024.

Hội báo 2024 cũng là dịp người làm báo và công chúng báo chí trong cả nước chuẩn bị tốt nhất, chu đáo nhất cho sự kiện trọng đại dịp kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam sắp tới.

Báo chí phải sâu sắc, gần gũi nhân dân

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2023 của Hội. Hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng. Hội có nhiều đổi mới sáng tạo, uy tín, bảo vệ lợi ích chính đáng của người làm báo trên cơ sở thực thi pháp luật rất nghiêm minh.

Hội nghị lần này xây dựng được kế hoạch cho đời sống báo chí nước nhà trong bối cảnh các sự kiện quan trọng của đất nước sắp diễn ra: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tới 50 năm giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước, chiến thắng Bình Giã tạo tiền đề cho ngày giải phóng. Báo chí đồng hành cùng các sự kiện. Hướng tới 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị (Ảnh Đỗ Loan).

Những điểm nổi bật trong công tác của Hội như giáo dục tư tưởng, công tác chính trị cho nhà báo, đào tạo nâng cao nghiệp vụ; Giáo dục truyền thống cho nhà báo; Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống văn bản để đưa nghị quyết của đảng trong lĩnh vực báo chí vào cuộc sống.

Với các việc làm được như hội báo, các diễn đàn báo chí, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao… đã minh chứng cho những việc đã làm được của Hội nhà báo Việt Nam trong năm 2023.

Ông cũng đề nghị, trong thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp nên các nhà báo cần có cái nhìn sâu sắc hơn, nắm bắt kịp thời, có kế hoạch truyền thông cụ thể, hiệu quả. Tiếp tục truyền thông đưa Nghị quyết đại hội XIII của đảng vào cuộc sống, khơi dậy khát vọng truyền thống yêu nước.

Đồng thời, đề nghị hội nhà báo tiếp tục nhận thức, hành động theo Chỉ thị 43, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai, đổi mới mạnh mẽ để có chương trình hành động cụ thể trong từng năm, từng quý.

Hội nhà báo các cấp cần chỉ đạo các cấp hội thực hiện nhiều các tác phẩm chất lượng, có giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc để định hướng dư luận xã hội, đổi mới sáng tạo trong báo chí, tổ chức mô hình tòa soạn số, áp dụng công nghệ tiên tiến trong làm báo.

Hội cần tăng cường công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Hội nhà báo các cấp cần chỉ đạo các cấp hội thực hiện nhiều tác phẩm chất lượng, có giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, đổi mới sáng tạo trong báo chí, tổ chức mô hình tòa soạn số, áp dụng công nghệ tiên tiến trong làm báo. Đổi mới báo chí hướng tới: Báo chí tích cực, báo chí dữ liệu, giải pháp, kiến tạo. Các nhà báo là chủ thể, nòng cốt cần có lập trường chính trị đúng, vững chắc. Thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam.

"Kế hoạch sắp tới, Hội cần khẩn trương chuẩn bị hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Cần có chương trình, cụ thể phản ánh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh đồng hành cùng đất nước, tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, Báo chí gần gũi nhân dân, phản ánh đời sống người dân, được nhân dân tín nhiệm...", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Hội viên nhà báo phải là mũi nhọn

Tại hội nghị, ông Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận về vai trò của Hội nhà báo các cấp trong bảo vệ nền tư tưởng của Đảng.

"Chúng tôi xác định rằng, các cơ quan báo chí giữ vai trò chủ lực trong đấu tranh. Hội viên nhà báo phải là mũi nhọn, đi đầu vì đó là trách nhiệm, sự dũng cảm; là năng lực nghiệp vụ và là đạo đức của hội viên nhà báo... ", ông Tòa nói.

Từ thực tiễn hoạt động của Hội nhà báo tỉnh Lâm Đồng, hội nhận thấy có mấy vấn đề: "Việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch là cuộc đấu tranh trường kỳ. Cuộc đấu tranh này không dành cho những người yếu lập trường, thiếu dũng cảm, thiếu kiên trì, bàng quan và vô cảm…

Trên mặt trận này, các thế lực thù địch, phản động chủ yếu sử dụng công cụ báo chí, truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng để tuyên truyền chống phá, truyền bá tư tưởng, kích động bạo lực, kêu gọi biểu tình. Chúng thành lập cái gọi là Hội Nhà báo độc lập, những người đứng đầu của tổ chức này lại là những người từng là đồng chí, đồng nghiệp, những người từng nhìn về một hướng, từng đi chung trên một con đường, giờ đối mặt nhau ở hai đầu chiến tuyến tư tưởng... Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi vững về bản lĩnh, sâu về trí tuệ, sắt về lý luận và trong sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng của người làm báo.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 4 từ phải qua) thăm gian hàng Báo Giao thông hôm khai mạc 15/3 (Ảnh: Vĩnh Phú).

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam trình bày tham luận về bổ sung, sửa đổi điều lệ giải báo chí quốc gia. Bà cho rằng, ngoài giải quốc gia cần bổ sung thêm các loại giải như giải tác phẩm và dự án báo chí sáng tạo; Giải tác phẩm thông tin, nghiên cứu truyền bá lý luận báo chí truyền thông. Giải nhà báo cống hiến trao tặng cho các nhà báo.

Theo bà Hằng, việc bổ sung giải thưởng trong tác phẩm nghiên cứu, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong báo chí, theo hướng báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, chuyên ngành. Giải nhà báo cống hiến đề xuất mỗi năm 1 giải cho các cá nhân thể hiện sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước và Nhân dân với các nhà báo có thành tựu có nhiều công lao đóng góp đặc biệt với báo chí nước nhà.

"Trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, nên có một giải cho nhà báo - hội viên có cống hiến lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, nếu được thông qua giải này sẽ là động viên, khuyến khích đầy ý nghĩa với báo giới cũng như nền báo chí cách mạng Việt Nam", bà Hằng nói.

Ngoài ra, hội nghị còn có nhiều tham luận về các vấn đề như: Vấn nạn tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội; Vai trò của các cấp Hội, cơ quan báo chí đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí, trở thành động lực cho người làm báo, hướng tới nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; vai trò của Cụm thi đua trong việc phát động các phong trào thi đua, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh…

Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-chi-phai-doi-moi-sang-tao-gan-gui-doi-song-nhan-dan-19224031814593334.htm