Báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân

Truyền thông báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tại tỉnh Phú Thọ.

Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ.

+ Sau gần 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đi vào thực thi tại địa phương và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Những kết quả tích cực ấy là gì, thưa ông?

- Ông Cầm Hà Chung: Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Phú Thọ được phân bổ hơn 1.177 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 215 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay Chương trình đã giải ngân gần 332 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 299 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỷ đồng).

Bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, thể hiện ở những mục tiêu, chỉ tiêu đạt, vượt, có những mục tiêu đã hoàn thành trước cả khi kết thúc giai đoạn, cụ thể: Tỷ lệ số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100% (hoàn thành so với kế hoạch giai đoạn); Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện hợp pháp khác 99,73% (mục tiêu giai đoạn 100%);

Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 96,2% (kế hoạch đạt 96,8%); Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh 95,4% (kế hoạch giai đoạn 100%);

Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 100% (hoàn thành so với kế hoạch giai đoạn); Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường 100% (kế hoạch giai đoạn 99,2%, vượt so với kế hoạch); Tỷ lệ học sinh học trung học cơ sở 98,5% (đạt so với kế hoạch đề ra); Tỷ lệ học sinh học trung học phổ thông 71% (kế hoạch giai đoạn 72%);

Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông 99,3% (kế hoạch giai đoạn 99,4%); Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề 48,5% (Kế hoạch giai đoạn 52%); Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế 94,6% (kế hoạch giai đoạn 98%); Tỷ lệ phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế 99,2% (kế hoạch giai đoạn 80%, vượt so với kế hoạch);

Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng 100% (đạt so với kế hoạch).

Trưởng ban Cầm Hà Chung cùng đoàn của UBDT do ông Hầu A Lềnh - Bộ Trưởng, Chủ nhiệm UBDT làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh Phú ThọTỉnh Phú Thọ

+ Một trong những tác động được xem là tích cực nhất từ Chương trình mục tiêu quốc gia là giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tại địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về những đổi thay tích cực này?

- Ông Cầm Hà Chung: Trong cơ cấu nguồn lực phân bổ Chương trình, nguồn ngân sách trung ương dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 là: 1.679.769 triệu đồng, trong đó, riêng nguồn vốn đầu tư là: 962.033 triệu đồng, chiếm 57,3%. Nguồn lực đầu tư chủ yếu là để cải thiện cơ sở hạ tầng, đã tập trung vào các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội trọng điểm với 5 dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 27 công trình giao thông; 19 công trình trường học, 8 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa,… Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất của bà con vùng đồng bào Dân tộc thiểu số.

+ Một trong những vướng mắc lớn cũng là hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều địa phương cũng đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của người dân một số vùng, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp. Theo ông, nguyên nhân của những tư tưởng này là do đâu? Địa phương đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân?

- Ông Cầm Hà Chung: Tư tưởng ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân ở một số vùng, hoặc hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp thực tế vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân của những tư tưởng này bắt nguồn từ yếu tố khách quan (xuất phát từ thực trạng chính sách hỗ trợ thiên về cho không trước đây của Nhà nước); nguyên nhân chủ quan (tâm lý của người dân trông chờ ỷ lại).

Để thay đổi nhận thức của người dân, theo tôi cần các giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc xây dựng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, sau đó, là các hoạt động khác như tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi tư tưởng, hành vi để người dân có động lực phấn đấu, nỗ lực sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng.

+ Trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, vai trò của truyền thông báo chí cũng rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về công tác truyền thông chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương thời gian qua, cũng như có những góp ý gì để công tác truyền thông báo chí ngày càng hiệu quả hơn?

- Ông Cầm Hà Chung: Trước hết phải khẳng định, truyền thông báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tại tỉnh Phú Thọ cũng vậy, ngay từ đầu giai đoạn, chúng tôi đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 3972/KH-UBND ngày 07/10/2022 về kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, phân công rõ nhiệm vụ của các ngành, các cơ quan liên quan trong hoạt động truyền thông liên quan đến Chương trình.

Để công tác truyền thông ngày càng hiệu quả hơn, cần không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức truyền thông, về hình thức cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tích hợp các sản phẩm báo chí dựa trên đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện như viết, nghe,nhìn, trực tuyến,...; về nội dung tập trung truyền thông chính sách, đảm bảo có trọng tâm trọng điểm phù hợp với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, cách làm hay,.... từ đó nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến, hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đức Thọ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-chi-dong-vai-tro-het-suc-quan-trong-trong-cau-chuyen-thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-post275280.html