Từ trang sách đến cuộc đời

Nhằm phát triển, lan tỏa phong trào đọc sách trong phạm nhân, từ năm 2021 đến nay, Trại Tạm giam Công an thành phố (CATP) Đà Nẵng đã từng bước nâng cấp mô hình 'Tủ sách hướng thiện', vận động các tổ chức, cá nhân tặng sách, kệ đựng sách và tổ chức cho phạm nhân đọc sách bằng nhiều hình thức. Từ mô hình mang tính nhân văn sâu sắc này cùng cách làm sáng tạo của đội ngũ cán bộ chiến sĩ Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng, đã có nhiều phạm nhân thật sự thức tỉnh, hướng thiện, an tâm học tập, lao động, cải tạo.

Các nữ phạm nhân Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng trao đổi, chia sẻ suy nghĩ tại cuộc thi.

Một trong những cách làm sáng tạo đó là cuộc thi viết "Từ trang sách đến cuộc đời" dành cho phạm nhân đang thi hành án được Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng tổ chức trong tháng tư vừa qua. Ở vòng sơ loại, Ban tổ chức đã nhận được 20 bài viết của 24 phạm nhân ở các đội, trong đó có 3 nhóm tác giả cùng viết. Ban Giám khảo đã chọn 10 bài viết có chất lượng vào vòng thi chung kết. Theo đánh giá của Ban tổ chức, có nhiều bài viết giàu cảm xúc, chất chứa nhiều nỗi niềm, đâu đó có cả sự tiếc nuối, giá như…, nhưng phần kết đều toát lên tinh thần lạc quan, nhìn về phía trước với niềm tin hướng thiện mãnh liệt.

Đến với cuộc thi này, phạm nhân H.N.D. thuộc đội phạm nhân nữ (1979; trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; can tội Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép; án phạt 5 năm tù) - giải Nhất cuộc thi- viết về cuốn sách "Đường ngược chiều- từ bản người Dao đến học bổng Erasmus " của tác giả Chảo Yến (tên đầy đủ: Chảo Thị Yến, sinh 1990), người Dao tuyển, thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đúng như tên gọi của cuốn sách, "Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus" là câu chuyện của Chảo Yến về chặng đường thực hiện giấc mơ du học. Cuốn sách vừa là thông điệp về tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh, vừa là thiên hồi ký dào dạt cảm xúc. Dưới ngòi bút của một người đã từng là giáo viên dạy văn, từ câu chuyện của Chảo Yến, phạm nhân H.N.D.liên tưởng tới cuộc đời của mình, những khó khăn, vất vả và bằng nghị lực chị đã vượt qua để học lên đại học; rồi tiếp tục vừa học vừa làm phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học. Và rồi bước ngoặt cuộc đời khiến chị…bước vào Trại Tạm giam. Chị tâm sự mỗi ngày đều rửa mặt bằng nước mắt, tâm trạng lo sợ, suy sụp. Tìm đến với tác phẩm này, phạm nhân D. nhận ra cuộc sống không khó khăn như chúng ta tưởng và chị đã kiên trì phấn đấu lao động, cải tạo tiến bộ, liên tiếp xếp loại cải tạo tốt, đã được giảm án 5 tháng. Chị D mong muốn sớm trở về với gia đình.

Ban tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho các "thí sinh" dự thi.

Đồng giải Nhì với phạm nhân H.T.T., phạm nhân Đ.N.T.(1984, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng; can tội: Tổ chức đánh bạc; án phạt 4 năm 6 tháng tù) chọn viết về cuốn sách "Tuổi trẻ không bao giờ quay lại". Cuốn sách như một lời nhắn gửi, một món quà tinh thần, một cái hộp nhỏ chứa bảy túi hạt giống, với bảy sắc màu nuôi dưỡng sức mạnh và lòng dũng cảm cho bạn trẻ. Cho dù trên đường đi có thể có vấp ngã nhưng chính ước mơ sẽ nâng chúng ta đứng dậy đi tiếp… Phạm nhân Th. suy nghĩ " Hôm nay tôi luôn nghĩ đến những sai lầm của mình và không biết sau này khi cải tạo xong tôi sẽ làm lại cuộc đời như thế nào? Nhưng ngay bây giờ tôi tự tin nói rằng tôi sẽ nhớ về quá khứ như là một con đường đầy kinh nghiệm quý báu mà tôi đã đi qua… Trong thời gian chấp hành án còn lại, tôi luôn ước mơ như những hạt giống màu đỏ. Ước mơ sớm được giảm án nhiều để có cơ hội sớm về với gia đình, hòa nhập cộng đồng là người có ích. Tôi xem ước mơ của mình là động lực để mình cố gắng và tích cực tham gia lao động và học tập mỗi ngày tốt hơn".

Trong 3 giải Ba được trao cho 3 phạm nhân, phạm nhân L.T. S. (1983, trú tại P. Thanh Bình, Q. Hải Châu; can tội: đánh bạc, tổ chức đánh bạc; án phạt 04 năm tù) đã chọn cuốn sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống" của tác giả Dale Carnegie để viết dự thi. Tên của cuốn sách đã nói lên tất cả nội dung muốn chuyển tải tới người đọc. Phạm nhân S. chia sẻ, khi mới bước chân vào Trại Tạm giam, bản thân rất hoang mang, mất phương hướng. Và cuốn sách như một sự cứu cánh về tinh thần, giúp cho phạm nhân có suy nghĩ tích cực, lạc quan: "Tôi nghiệm ra những chân lý sống và những điều tôi nên làm ở hiện tại là… những chuyện đã qua cứ để nó nhẹ nhàng trôi qua và cũng không nên quá lo lắng về tương lai… Tôi phải chịu trách nhiệm với những gì tôi đã từng làm, tôi chọn ngày hôm nay và chọn những gì tôi đang có, cố gắng cải tạo tốt để hưởng các chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình". Đúng như những gì đã viết, phạm nhân S. luôn phấn đấu cải tạo tốt, tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trại, chị đã được giảm án 4 tháng.

Thông qua cuộc thi "Từ trang sách đến cuộc đời", mỗi phạm nhân dự thi đều tìm thấy mình trong mỗi trang sách, và có sự cảm thụ sâu sắc. Nhiều trường hợp, lúc đầu đọc sách để "giết thời gian", nhưng sau đó đã tìm thấy niềm say mê thực sự bởi sách đã cứu rỗi, thức tỉnh lương tri, khơi gợi niềm tin hướng thiện, giúp mỗi phạm nhân tự tin đứng lên, cải tạo tốt, làm lại cuộc đời bằng niềm tin và nghị lực…Và trong hành trình tìm về nẻo thiện đó, họ luôn cảm thấy ấm lòng khi được các cán bộ quản giáo động viên, thăm hỏi, gần gũi, tạo động lực giúp họ an tâm chấp hành tốt bản án để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng…

Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ - Giám thị Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng đánh giá "Với cuộc thi này, điều mà các anh chị phạm nhân thu nhận được không chỉ là những giải thưởng, những kiến thức được tiếp thu qua sách, mà còn là cơ hội để cho mỗi phạm nhân tự nhìn lại bản thân, tự đánh giá năng lực, sở trường, khơi dậy ý thức hướng thiện, giá trị chân - thiện- mỹ. Đó là những giá trị từ sách mang lại góp phần vào công tác cảm hóa, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Có thể khẳng định cuộc thi đã "thổi một luồng gió mới" vào phong trào đọc sách của phạm nhân. Bởi để có thể "cảm" được một cuốn sách, người đọc phải đọc một cách nghiêm túc, bằng niềm vui, sự say mê. Và khi người đọc thấy giá trị từ sách mang lại, thì việc đọc sách sẽ trở thành một thói quen tốt. Từ cuộc thi này, rất mong, các anh chị phạm nhân có thêm tình yêu với sách, lựa chọn những đầu sách có ích cho bản thân trong quá trình rèn luyện, có thêm niềm tin và nghị lực phấn đấu, cải tạo tốt, sớm trở về hòa nhập với gia đình và xã hội".

Lê Thị Thu Huyền

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tu-trang-sach-den-cuoc-doi-post294561.html