Báo chí ASEAN đẩy mạnh chuyển đổi số để phụng sự xã hội

Những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN, phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình này, vì mục tiêu phụng sự xã hội.

Ngày 7.12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; đại diện các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam.

Đoàn chủ tọa phiên thảo luận "Lý luận chung về quản trị tòa soạn số". Ảnh: hoinhabao.vn

Mục tiêu cuối cùng là phụng sự xã hội

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số báo chí. Ngày 6.4.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348 phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin. “Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết”.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, chuyển đổi số hiện nay là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, có sự tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng. Bên cạnh đó, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ: tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…

Tuy vậy, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng… “Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới, trong đó có các cơ quan báo chí ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội” - ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Giữ vững đạo đức nghề báo, sự thật và tính chính trực

Hội thảo diễn ra hai phiên: phiên thứ nhất "Lý luận chung về quản trị tòa soạn số"; phiên thứ hai "Quản trị tòa soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp". Các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; quản trị tòa soạn số - cơ hội, thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; nền tảng số và công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí số; ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; nhân lực cho vận hành tòa soạn số; công nghệ số áp dụng để xây dựng tòa soạn số và hệ sinh thái cơ quan báo chí; hướng tiếp cận vấn đề từ công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, công nghiệp số, kinh tế - kinh doanh - tài chính…

Các đại biểu Việt Nam và quốc tế đều thống nhất rằng, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội các quốc gia. Đối với báo chí, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…; từ đó tối ưu hóa quản trị tòa soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia. Mô hình tòa soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị tòa soạn.

Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề "Hội Nhà báo Việt Nam: Những chặng đường lịch sử, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế" bên lề hội thảo. Ảnh: HL

Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan Chavarong Limpattamapanee cho rằng, cùng với xu thế phát triển số, đang có cuộc cạnh tranh rất gay gắt giữa các cơ quan báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội. Khó khăn lớn nhất trong quản lý các cơ quan báo chí là phải tạo ra các nền tảng tin tức, duy trì được chuyên nghiệp, tính chính xác, cạnh tranh với các truyền thông mạng xã hội. Trong khi đó công nghệ thay đổi nhanh, các cơ quan báo chí phải tìm cách hòa nhập, tiếp thu được các thành quả công nghệ, ứng dụng trong hoạt động...

Còn theo Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN Atal S Depari, công nghệ số đã cách mạng hóa việc phổ biến và tiêu thụ thông tin. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các nhà báo phải đoàn kết. Sự đoàn kết sẽ khuyến khích trao đổi ý kiến, chiến lược và thực hành tốt nhất trong hoạt động báo chí. Điều này không chỉ về việc đưa tin, mà còn là giữ vững đạo đức nghề báo, sự thật và tính chính trực trong mỗi bài báo. Sự đoàn kết này giúp báo chí đối mặt với tình trạng tin giả, thao túng thông tin và những thách thức khác đang hiện diện rộng rãi trong thế giới số.

Trước đó, trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh: Các phương tiện truyền thông nói chung và các cơ quan thông tấn, báo chí nói riêng cần phải ghi nhớ sứ mệnh cao cả của mình - thông tin phải được cung cấp chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ người dân khỏi tin tức giả và thông tin sai lệch.

Hà Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bao-chi-asean-day-manh-chuyen-doi-so-de-phung-su-xa-hoi-i353331/