Bám sát mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân

Cây Thị là xã miền núi thuộc huyện Đồng Hỷ, có diện tích đất tự nhiên trên 4.000ha. Toàn xã có 941 hộ, dân số trên 4.000 nhân khẩu với 8 dân tộc cùng chung sống. Năm 2019, Cây Thị là một trong 2 địa phương (cùng với xã Tân Lợi) được huyện Đồng Hỷ lựa chọn phấn đấu về đích nông thôn mới.

Xưởng chế biến lâm sản của gia đình ông Bàn Trung Bắc, xóm Cây Thị mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 400m3 gỗ bóc, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Xã Cây Thị đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nhận thức sâu sắc về mục tiêu của Chương trình - là cuộc cách mạng sắp xếp, bố trí lại nền sản xuất manh mún, tự phát sang sản xuất tập trung nhằm nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân nông thôn nên địa phương đã quyết tâm thực hiện. Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn dân, do vậy, ngay từ đầu, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo XDNTM, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú.

Ngoài ra, để nhân dân đồng thuận cùng vào cuộc thực hiện, địa phương đã phát huy sự gương mẫu, tinh thần trách nhiệm tiên phong đi trước thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cũng từ đó, nhiều phong trào thi đua, như: “Làm kinh tế giỏi”; “nhà sạch, ngõ đẹp”... được phát động ở các thôn, xóm, tạo sức lan tỏa rộng khắp, khích lệ người dân tham gia.

Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế, xã Cây Thị còn quan tâm đến sự phát triển giáo dục và đào tạo. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở 3 cấp học đều đạt chuẩn Quốc gia. Trong ảnh: Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Cây Thị.

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo XDNTM xã cũng đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí, phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ tích cực của nhân dân. Sau 9 năm triển khai thực hiện, Cây Thị đã huy động được gần 60 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, như: Đường giao thông, trường học, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa...

Điểm nhấn trong XDNTM ở Cây Thị là xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn - tiêu chí được xem là khó thực hiện ngay khi mới triển khai Chương trình, bởi số ki lô mét đường liên xã, liên xóm cần làm lớn, kinh phí đối ứng cao. Thế nhưng, sau 9 năm triển khai xây dựng, Cây Thị đã làm được trên 60km đường bê tông nông thôn, với tổng kinh phí xây dựng trên 38 tỷ đồng. Đến nay, 100% tuyến đường liên xã được trải nhựa, 100% đường liên xóm, trục xóm, ngõ xóm được đổ bê tông; đường nội đồng được dải cấp phối, không lầy lội vào mùa mưa.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường bao, đóng góp ngày công để mở rộng đường. Nhiều hộ dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất các loại để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiêu biểu, như các hộ dân: Triệu Văn Tài, xóm Khe Cạn (hiến trên 3.000m2); Triệu Văn Hồng, xóm Suối Găng (hiến 700m2); Luân Thị Phương, ở xóm Kim Cương (hiến 700m2),… Nhờ những nỗ lực cùng với cách làm phù hợp nên đến hết năm 2019, Cây Thị đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, tăng 15 tiêu chí so với năm 2011. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay. Đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được thực hiện tốt...

Với lợi thế diện tích đất đồi rừng lớn, xã Cây Thị khuyến khích người dân tập trung trồng rừng kết hợp với phát triển chăn nuôi. Trong ảnh: Từ chăn nuôi 10.000 con gà, gia đình anh Lê Văn Dương,ở xóm Mỹ Hòa đã thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo vượt cao so với kế hoạch đề ra. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là gần 50% thì năm 2019 chỉ còn 11,16%. Nhờ triển khai các đồng bộ các giải pháp, phát huy thế mạnh về cây chè, trồng rừng đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập của bà con đã cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2019 đạt trên 32 triệu đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011.

XDNTM là quá trình lâu dài, do vậy, sau khi xã đạt chuẩn NTM, Cây Thị sẽ tiếp tục tập trung rà soát lại các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, giải pháp để củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, tập trung vào nội dung nâng cao thu nhập cho người dân. Xã sẽ tập trung vào công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương, như: Chè, rừng, cây ăn quả....; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác...

Dương Minh Thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Thị

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/bam-sat-muc-tieu-nang-cao-doi-song-cho-nguoi-dan-277074-205.html