Bài 3: Miss Saigon - Lặng lẽ tỏa hương, mềm mại vẻ đẹp Việt

Duyên dáng, ngọt ngào và chất chứa cả những tảo tần của người phụ nữ Việt Nam. Không có một sự định hình nào rõ ràng về hương đầu, hương giữa và hương cuối như những 'khái niệm hương nước hoa' thông thường. Miss Saigon là một nốt hương trầm lặng lẽ đi qua cả thời thanh xuân, thiếu nữ của bao phụ nữ Việt Nam. Một câu chuyện mùi hương và dáng hình của hoài niệm, của ký ức vươn dài đến hiện tại và bước ra cả thế giới rộng lớn của thương hiệu Miss Saigon.

Bao nhiêu năm qua, để tìm về những dấu ấn đậm chất tâm hồn Việt, người ta lại tìm đến Miss Saigon. Và đâu đó, giữa hàng trăm những thương hiệu nước hoa nổi tiếng, các chị, các cô, vẫn bỏ trong túi xách của mình lọ nước hoa có hình dáng thiếu nữ đội nón lá mềm mại. Ở đâu đó, cách nửa vòng trái đất, vẫn có những người phụ nữ mắt xanh, tóc vàng chọn cho mình chai nước hoa có tên Miss Saigon.

Và cũng thật kỳ lạ, những thăng trầm của một thương hiệu nước hoa Việt Nam đã trải qua gần 30 năm, dù như thế nào, vẫn được yêu mến và cũng là một biểu trưng cho sự mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam…

Miss Saigon được trưng bày ở Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Tú

Hương gây mùi nhớ

Trước khi đặt tay vào bàn phím để kể lại câu chuyện về “Miss Saigon”, tôi đã trò chuyện với hơn chục người của các thế hệ 5x, 6x, 7x, 8x, hiện đang sinh sống cả trong và ngoài nước, làm việc thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Điều thú vị là trong số những người tôi chọn để tâm tình ngẫu nhiên, có những người gần như không bao giờ sử dụng mỹ phẩm, nhưng vẫn biết Miss Saigon là thương hiệu nước hoa từng “đình đám” tại Sài Gòn.

Qua lời kể của cô sinh viên trường Đại học Luật từ Nha Trang vào Sài Gòn trọ học vào khoảng năm 2000, thời điểm đó cô không dùng nước hoa vì điều kiện gia đình có nhiều khó khăn, nhưng nhắc đến Miss Saigon là cô nhớ đến mùi thơm giật mình đến ngẩn ngơ từ cô bạn bàn bên cạnh, cô hồi tưởng đó là hương thơm thanh khiết, tạo sự dễ chịu vô cùng cho người đối diện và cô luôn tìm cách ngồi gần cô bạn để được thưởng thức mùi hương ấy.

Khách nước ngoài thích thú với nước hoa Miss Saigon với dáng vẻ và mùi hương rất Việt Nam. Ảnh: Mỹ Tú

Lại có một chàng trai Sài Gòn, mắt lấp lánh cười khi nhắc đến mùi hương của Miss Saigon. Với anh, đến bây giờ, khi đã chai sạn mùi đời và chai sạn cả với mùi của rất nhiều loại nước hoa đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, thế nhưng mùi hương của Miss Saigon vẫn có thể vô cớ đến bất cứ lúc nào trong ký ức của anh, nó khiến anh ngẩn ngơ nhớ về người mẹ đã rời bỏ anh và chốn trần gian này.

Anh kể, mẹ anh là một người cực kỳ yêu cái đẹp, chiếc khăn quàng đỏ trên vai ngày xưa của anh luôn được mẹ tự tay may bằng vải xoa, hàng ngày mẹ sẽ xịt lên đó hương thơm dịu ngọt của Miss Saigon để anh đến trường, nhờ chiếc khăn quàng đỏ độc đáo và mùi hương mê mải của Miss Saigon mà trong suốt những năm tiểu học anh luôn là “hotboy” trong mắt các bạn bè.

Sau này, như để nuôi dưỡng một phần ký ức đẹp của tuổi thơ, anh vẫn có thói quen chọn lựa những chai Miss Saigon dành tặng cho vài người bạn, người thân trong gia đình vào những dịp đặc biệt.

Miss Saigon cũng xuất hiện trong ký ức buổi đầu gian khó của cặp vợ chồng trẻ vào những năm cuối thập niên 90, anh chồng ngô nghê không biết nên tặng món quà gì cho vợ để kỷ niệm ngày cưới; nghe lời bạn bè tư vấn, anh chạy vội ra cơ sở chính của Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn ở ngay đường Trần Hưng Đạo, mua vội chai nước hoa có hình cô gái đội nón lá về tặng vợ.

Trong cảm nhận của vợ chồng anh, mùi hương của Miss Saigon những ngày ấy là mùi hương rất nồng, thơm gắt khi mới xịt, độ lưu hương khá lâu và mùi càng về sau càng dễ chịu. Giờ đây, khi được hỏi về ký ức với Miss Saigon, anh cho biết đó là một ký ức về một mùi hương đẹp, vấn vương nhưng đầy tiếc nuối, vì theo anh lẽ ra Miss Saigon phải đi xa hơn nữa so với thời điểm hiện tại.

Dáng hình gây thương

Ngày nay, khi ghé tòa nhà Bưu điện gần 140 tuổi ở Sài Gòn, bạn sẽ bắt gặp một kệ hàng bày ngay vị trí trung tâm của Bưu điện có tên “Miss Saigon”. Nhiều du khách mua hàng tại đây cho rằng, với nền chất liệu gốm sứ, thủy tinh và thiết kế kiểu chai mang hình dáng thiếu nữ Việt Nam trong trang phục truyền thống 3 miền, Miss Saigon không chỉ là một thương phẩm thông thường, mà mang trên mình một vẻ đẹp “Việt” nhất, thơ nhất, kinh điển và cũng đắm say nhất.

Lựa chọn hình ảnh dung dị của tà áo dài trong thiết kế ấy, Miss Saigon đã gửi gắm trong đó tất cả tình yêu dành cho những người phụ nữ Việt Nam, cả niềm tự hào về dải đất hình chữ S thân thương. Nhìn hình ảnh chai nước hoa Miss Saigon, người ta có thể mường tượng về người yêu, người vợ, người mẹ của chính mình.

Bằng cách đó, sau gần 30 năm có mặt trên thị trường, vẻ đẹp của Miss Saigon đã được xuất khẩu ra hơn 30 thị trường trên thế giới, từ dòng nước hoa bình dân Miss Saigon Elegance có giá gần 500.000 chai/50ml đến những bộ sưu tập cao cấp Miss Vietnam có giá 3.400.000 (gồm 3 chai Sài Gòn, Huế, Hà Nội; mỗi chai 35ml), hoặc Miss Saigon The Essence, gồm các mùi hương Oriental Pearl (Ngọc Viễn Đông), Miss - Aurora (Ánh ban mai), The Lover (Người tình) có giá từ 759.000 - 1.200.000 chai/50ml.

Dường như mỗi một hình ảnh của Miss Saigon được bắt gặp đâu đó, lại là hành trình cảm xúc mới, cảm xúc đáng tự hào của Việt Nam. Cũng như tôi, đã thực sự cảm thấy trái tim mình rung lên một nhịp khi vô tình bắt gặp dòng thông tin giản dị về Miss Saigon trong bài báo viết từ năm 2009 về “Đất Angkor đang thời cho hàng Việt”, tác giả kể rất chân thành “Phụ nữ Campuchia rất thích dùng nước hoa, thấy bao bì đẹp, kiểu chai đẹp họ càng ưa, nên chai nước hoa có hình dáng các cô gái Việt Nam bán chạy” (trích tuyển tập “Chợ Tỉnh - Chợ Quê” xuất bản năm 2012 của tác giả Lương Minh - Các Ngọc).

Miss Saigon là sản phẩm của công ty Mỹ phẩm Sài Gòn. Tiền thân của công ty là hãng nước hoa Imortel, được thành lập bởi một nhà tư sản vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước và vang danh khắp cả nước nhờ giới thiệu sáng kiến chai xịt nén, thay cho cách dùng truyền thống là nhỏ từng giọt lên da. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là Xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990. Năm 1992, Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn chính thức được chuyển thành Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn và tiếp tục được cổ phần hóa vào năm 1999.

Cẩm Tú

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-3-miss-saigon-lang-le-toa-huong-mem-mai-ve-dep-viet-139718-139718.html