Bài 2: Thúc đẩy bình đẳng giới

Mục tiêu số 1 của tín dụng chính sách xã hội là xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình thu nhập thấp, gia đình khó khăn tự vươn lên. Song song với nhiệm vụ trên, tín dụng chính sách còn phương thức quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu tự tin tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Xóa nhòa khoảng cách

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Khoa xét nghiệm Bệnh viện hữu nghị Việt Nam -Cuba, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành chương trình học tập và trưởng thành nhờ những khoản vay nhỏ từ Chương trình Học sinh, sinh viên của NHCSXH. Từ chỗ không một tia hy vọng được tiếp tục con đường học tập trên giảng đường đại học; bác sĩ Phương và cả 3 người em ruột của mình đã được người mẹ tảo tần Nguyễn Thị Hậu mạnh dạn đứng ra vay vốn của NHCSXH huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Tất nhiên, đằng sau sự mạnh dạn đó còn là sự động viên, khích lệ của những người làm tín dụng chính sách, Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh.

Một buổi sinh hoạt, bình xét vay vốn của Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: Trần Việt

Hơn 20 năm NHCSXH đi vào hoạt động cũng là chừng ấy thời gian Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp gắn bó và trở thành cánh tay nối dài, chuyển tải nguồn vốn đến với các hội viên Hội Phụ nữ. Nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trường hợp của gia đình bà Lê Thị Nguyệt cùng 4 người con mang dòng máu Bana ở thôn 8, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai là một điển hình. Người mẹ vay vốn để thoát nghèo; 4 đứa con vay vốn, lần lượt trở thành bác sĩ, kỹ sư nông ngiệp, giáo viên và kế toán. Đến nay, 3 trong số đó đã trở về xây dựng quê hương và nắm giữ những vị trí chủ chốt của địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp phụ nữ là người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng được nhãn hiệu nông sản nổi tiếng cho bản thân và quê hương; như Miến dong Triệu Thị Tá - đặc sản vùng miền núi Ba Bể, Bắc Kạn; Trà hoa vàng của Hợp tác xã Nông lâm Nghĩa Tá, tỉnh Bắc Kạn - sản phẩm do cô gái Nùng Dương Khánh Ly xây dựng... Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần lớn trong việc đưa xã đặc biệt khó khăn Bình Tân thuộc huyên Tây Sơn, Bình Định trở thành điển hình trong phát triển kinh tế khi có tới 327 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 1 hộ đạt cấp Trung ương, 43 hộ đạt cấp tỉnh, 88 hộ đạt cấp huyện và 195 hộ đạt cấp xã.

Không dừng lại việc làm giàu cho bản thân và gia đình, nhiều chị em khi đã thành công, quay trở lại cùng NHCSXH tiếp sức cho các hoàn cảnh khó khăn; chị Trần Thị Minh Hiếu - hội viên phụ nữ tổ 4 của Chi hội Phụ nữ chi hội 2, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi là một điển hình như thế!

Khởi nghiệp với 50 triệu đồng vay vốn từ NHCSXH để đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây quế, qua 5 năm phát triển, từ 1 cơ sở nhỏ, đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, cung ứng kịp thời về số lượng cũng như chất lượng cho thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện tại, cơ sở có hơn 50 lao động nữ (trong đó, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số) đang làm việc, mức lương bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Củng cố hoạt động tổ chức Hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, các cấp Hội Phụ nữ luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và đặc biệt là thực hiện các tiêu chí trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ và hỗ trợ phụ nữ sinh kế, khởi nghiệp thành công.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tập trung hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả thông qua các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực trong sản xuất; lồng ghép với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án do Hội chủ trì, tham gia thực hiện; đặc biệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" với hàng nghìn ý tưởng khởi nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển, nhân rộng.

Thông qua hoạt động ủy thác tín dụng chính sách, đã tạo điều kiện cho Hội Phụ nữ phát triển vững mạnh cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ cán bộ hội các cấp không ngừng nâng cao năng lực, đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo ngày càng tốt hơn cho hội viên phụ nữ theo đúng chủ trương của Đảng. Hội viên phụ nữ có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tăng cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, tại những địa phương còn nhiều khó khăn, tín dụng chính sách xã hội có vị trí quan trọng trong việc góp phần nâng cao vị thế của chị em phụ nữ đối với xã hội, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Tuy nhiên, 2,5 triệu hộ vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý chưa phản ánh hết số phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn chính sách bởi các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tham gia nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH cho các hội viên và đối tượng vay vốn là phụ nữ. Chưa kể, các chính sách tín dụng này có tác động lan tỏa lớn khi nhiều phụ nữ còn được thụ hưởng gián tiếp lợi ích từ tín dụng chính sách, thông qua việc cho vay vốn giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-2-thuc-day-binh-dang-gioi-i344607/