Bài 2: Tháo gỡ thách thức cho phương thức livetream bán hàng

Nhiều thách thức, trong đó có vận chuyển với chi phí cao đã kéo giảm đáng kể hiệu quả cũng là rào cản của phương thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

Khó khăn đến từ nhiều phía

Những ưu điểm của phương thức livestream bán hàng hay kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội đã được nhận diện rõ, tuy nhiên bên cạnh đó còn tồn tại những trở ngại lớn.

Theo ông Nguyễn Thành Dương, từ thực tế triển khai các lớp tập huấn cho thấy, khoảng cách địa lý tưởng như bình thường nhưng cũng là rào cản không nhỏ, nhất là với các tỉnh khu vực miền núi. Nhiều đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp đi hàng trăm km đến nơi tổ chức.

Độ tuổi của lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã hiện khá lớn, việc tiếp cận phương thức livestream bán hàng và thiết bị công nghệ cũng là thách thức.

Nhiều thách thức khi doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận phương thức livestream bán hàng

Ông Trần Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đầu tư, Liên Hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam cũng chỉ ra những bất cập liên quan đến công tác vận chuyển. Với hàng nông sản, câu chuyện vận chuyển, bảo quản trên đường đi ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Do vậy, ông Trần Thanh Bình cho rằng: Cần nhiều hơn nữa sự ủng hộ từ phía chính quyền, doanh nghiệp vận tải mới có thể gia tăng hiệu quả trong quá trình tiêu thụ nông sản qua nền tảng mạng xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng nhấn mạnh, trong tiêu thụ, đối với hàng nông sản khó nhất là khâu vận chuyển. Hàng nông sản có thể có kích cỡ lớn, khối lượng nặng và dễ hỏng trong thời gian vận chuyển quá dài. Chính vì vậy, không ít đơn vị logistics từ chối vận chuyển nông sản ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng đó, chi phí vận chuyển quá cao làm đội giá đơn hàng cũng là một khó khăn.

Nhà nước muốn hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, tiêu thụ nông đặc sản thì nên tập trung làm giảm chi phí vận chuyển hoặc yêu cầu phải có dịch vụ công ích để vận chuyển. Điều này chỉ có Nhà nước mới làm được, bởi lẽ, doanh nghiệp vận hành trên lợi nhuận sẽ không đi về khu vực xa xôi chi phí quá cao nhiều khi vượt qua cả giá trị đơn hàng và rủi ro lớn", đại diện Tiktok Việt Nam đề xuất.

Chung tay vượt qua trở ngại

Chuyển đổi số là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đi tắt đón đầu các cơ hội phát triển thị trường. Do vậy, ông Trần Thanh Bình nhấn mạnh, đầu tiên cần tập huấn cho bà con hiểu tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. “Cần thực hiện các giải pháp để bên mua và bên bán có thể chạm vào nhau và đây là nhiệm vụ chung chứ không phải của riêng ai”, đại diện Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam nói.

Đại diện Tiktok thì cho rằng: Để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên nền tảng mạng xã hội cần có 2 yếu tố. Thứ nhất, thúc đẩy từ phía chủ thể sản xuất bằng cách thực hiện các chương trình đào tạo, bằng những tấm gương để mọi người chia sẻ kinh nghiệm, cùng học hỏi và phát triển. Thứ hai, tạo cho người tiêu dùng có thói quen tiêu thụ nông đặc sản có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chung tay gỡ khó giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thành công phương thức bán hàng mới

Để góp sức thực hiện tốt 2 yếu tố trên, một mặt, Tiktok tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn và chương trình hỗ trợ sau đào tạo để bà con thành thạo sử dụng livestream bán hàng.

Mặt khác, tiếp tục tổ chức chợ phiên OCOP hàng tuần trên nền tảng, thực hiện các chương trình ưu đãi để làm sao hàng hóa đưa đến được người dùng với chi phí thấp nhất. “Tik Tok thỏa thuận với Bộ Công Thương về một chương trình toàn diện hơn cho năm 2024”, ông Nguyễn Lâm Thanh thông tin.

Gỡ khó về logistics cho các hộ sản xuất nhằm phát triển hơn nữa hình thức bán hàng qua mạng xã hội là cần thiết, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mạng Internet nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa cũng không kém phần quan trọng, thậm chí còn là yếu tố then chốt giúp xúc tiến tiêu thụ trên nền tảng mạng xã hội phát huy tác dụng.

Trên thực tế, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số nơi ở những địa phương khó khăn chưa có điện lưới, không có sóng điện thoại, địa hình phức tạp... Do vậy, việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố hàng đầu và cần sự cộng sức của nhiều bên từ Nhà nước, hợp tác xã tới doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực trẻ, có năng lực tiếp thu, sử dụng thiết bị công nghệ cũng là yếu tố quan trọng, giúp phát huy hơn nữa thế mạnh của hình thức bán hàng này.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thanh Dương cũng chia sẻ: Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục phối hợp với các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử lớn đào tạo tập huấn, xây dựng nên lực lượng cốt cán cho kinh doanh trên nền tảng số tại các địa phương.

Đặc biệt, Cục sớm hoàn thiện Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số để đưa vào triển khai áp dụng đồng bộ. Trong hệ sinh thái này tích hợp nhiều ứng dụng như hội chợ triển lãm áp dụng công nghệ thực tế ảo, truy xuất nguồn gốc trong xúc tiến thương mại, đào tạo tập huấn trên nền tảng số… Thông qua những nền tảng này giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy giao dịch, gia tăng xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng mới.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-thao-go-thach-thuc-cho-phuong-thuc-livetream-ban-hang-284108.html