Bác sĩ 'liều' mở cơ hội sống cho trẻ dị tật tim bẩm sinh

Ê-kíp 2 bệnh viện Từ Dũ và Nhi Đồng 1 ở TP HCM đã thực hiện thành công thông tim bào thai bị hẹp van động mạch, mở ra nhiều cơ hội sống khỏe mạnh cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh

"Một lời cảm ơn không thể nào đền đáp được sự nỗ lực của các y, bác sĩ đã cứu sống con tôi. Tôi mong kỹ thuật mới sẽ được áp dụng nhiều hơn cho những sản phụ có con bị dị tật tim bẩm sinh được can thiệp ngay từ bào thai như mình". Đó là bộc bạch của chị D.D.L (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng), sản phụ đầu tiên vừa được can thiệp thông tim trong bào thai bị tim bẩm sinh tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Một quyết định cân não

Chị L. mang thai lần đầu và được theo dõi định kỳ tại Đà Nẵng. Khi được 26 tuần, bác sĩ phát hiện thai nhi bất thường ở tim (không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải). Sau đó, chị L. được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ.

TS-BS Đỗ Nguyên Tín - Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM (bìa phải) - cùng các đồng nghiệp người Ba Lan .Ảnh: NVCC

Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã có 3 lần hội chẩn cùng ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 để đi đến quyết định can thiệp thông tim trong bào thai. Đây là quyết định sau một thời gian cân não bởi khi thai 32 tuần 5 ngày, tim bé bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra.

Sau quá trình chuẩn bị với gần 20 nhân sự của các ê-kíp gây mê, hồi sức sơ sinh, chẩn đoán hình ảnh, sản, tim mạch của 2 bệnh viện, ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 40 phút. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe mẹ và bé ổn định.

"Thai phụ tiếp cho tôi sức mạnh"

TS-BS Đỗ Nguyên Tín - Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật thông tim trong bào thai cho sản phụ L. - cho biết người góp công lớn vào thành công này đầu tiên phải kể đến bác sĩ siêu âm. Bởi nếu các đồng nghiệp không chẩn đoán trúng, chính xác dị tật thì ê-kíp phẫu thuật không thể thực hiện được.

"Bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang của Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau thời gian được rèn giũa tay nghề đã rất giỏi, có thể siêu âm chính xác dị tật. Thứ 2 là ê-kíp tiền sản của Bệnh viện Từ Dũ chuyên môn rất cao. Họ hỗ trợ nếu gặp tình huống thai gò hoặc có vấn đề liên quan sản thì có thể can thiệp ngay. Bên cạnh đó, còn có ê-kíp gây mê, hồi sức sơ sinh, can thiệp bào thai, nong tim và các phương tiện, dụng cụ hiện đại giúp tôi tự tin hơn" - bác sĩ Tín cho biết.

Ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật nong tim trong bào thai cho sản phụ D.D.L vào đầu tháng 1-2024 .Ảnh: BVCC

Ngoài những yếu tố trên, theo bác sĩ Tín, điều quan trọng nhất là được sự đồng ý và quyết tâm của gia đình bệnh nhân, sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế TP HCM và cả sự liều mạng của bản thân ông. Bởi đây là ca phẫu thuật thông tim bào thai đầu tiên, pháp lý chưa có, nếu không có sự đồng tình của nhiều bên thì cũng khó có thể thực hiện.

"Đây là ca "đầu sóng ngọn gió" phải chấp nhận nguy cơ rủi ro và chịu búa rìu dư luận nếu thất bại. Sợ hãi, không liều thì không thể can thiệp cứu bé. Chính sự dũng cảm và quyết tâm của chị L. đã tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho tôi và đội ngũ y, bác sĩ" - bác sĩ Tín trải lòng.

Thành công ngoài mong đợi

Sau thông tim cho bào thai, việc chăm sóc rất đặc biệt. Sản phụ được theo dõi sát tim thai chặt chẽ và dự phòng mẹ dọa sinh non. Chị L. được dự sinh khi thai 38-39 tuần. Tuy nhiên, khi thai được 37 tuần 5 ngày, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn toàn viện và quyết định mổ bắt con.

9 giờ 17 phút ngày 31-1, bé trai con của chị L. chào đời, nặng 2,9 kg (tăng 600 g so với thời điểm thông tim thai).

"Sự đồng ý của gia đình khi thực hiện ca phẫu thuật này là nguồn động lực lớn giúp chúng tôi tự tin trong quá trình điều trị. Dù biết là ca đầu tiên được thực hiện nhưng họ vẫn chấp nhận. Đây được xem là thành công bước đầu" - BS CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người trực tiếp mổ ca sinh đặc biệt này, nói.

Là thành viên trong ê-kíp chuẩn bị cuộc mổ, bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết theo dự đoán, bé không được 2,9 kg khi chào đời nhưng lại tiệm cận được gần 3 kg nên đây là kết quả ngoài mong đợi. Bé chào đời tim, phổi, màu da, cử động như một em bé bình thường.

Còn theo BS CK2 Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, ban đầu tiên lượng sau sinh bé phải thở ôxy. Tuy nhiên, lọt lòng mẹ, bé khóc to, hồng hào, tự thở. Ngay sau khi cắt dây rốn, bé được siêu âm tại phòng mổ ghi nhận dòng máu chảy qua vị trí hẹp, không có lỗ van động mạch phổi và không cần can thiệp ngay giai đoạn đầu đời.

Bình thường, những thai nhi hẹp van động mạch phổi nặng như trường hợp con chị L., nếu không can thiệp nong van tim trong bào thai, có thể chào đời tím tái, khó thở, buộc phải can thiệp sơ sinh. Tuy nhiên, bé đã thoát khỏi nguy cơ này. Đây là thành công vượt ngoài mong đợi của ê-kíp và cũng là tiền đề cho các ca can thiệp bào thai tiếp theo.

"Sau siêu âm, bé được da kề da với mẹ. Nhìn gia đình sản phụ giàn giụa nước mắt trong niềm hạnh phúc là món quà không có gì quý giá hơn của ê-kíp 2 bệnh viện" - bác sĩ Hương xúc động.

Thêm ca thông tim bào thai thành công

Sau ca thông tim trong bào thai đầu tiên cho chị D.D.L, 7 ngày sau, ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện tiếp tục phẫu thuật cho trường hợp thứ 2.

Sản phụ N.T.P.A (27 tuổi, ngụ TP HCM) phát hiện thai nhi hẹp van động mạch chủ tiến triển khi thai 21 tuần và đến tuần 29 thì tình trạng nặng hơn.

Ngày 12-1, ca mổ được tiến hành. Quá trình phẫu thuật, thai nhi đổi ngôi liên tục nên việc đưa kim luồn vào thất trái và lên van động mạch chủ rất khó khăn.

Sau nhiều nỗ lực, ca mổ thành công, tình trạng tràn dịch màng ngoài tim thai đã được kiểm soát, nhịp tim thai bình thường. Hiện chị A. được theo dõi sức khỏe chặt chẽ để có thai kỳ khỏe mạnh.

Kỳ vọng vào đội ngũ kế thừa

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín từng thực hiện hơn 17.000 ca can thiệp tim bẩm sinh nhưng ông không bao giờ quên được thất bại khi can thiệp bào thai trước đó 2 năm cho một phụ nữ mang thai gần 30 tuần. Thai nhi được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh nặng và sẽ tử vong nếu không can thiệp ngay. Sau khi gia đình đồng ý phẫu thuật, bác sĩ Tín và ê-kíp đã tiến hành nong van tim bào thai. Tuy nhiên, ca phẫu thuật không thành công, tim em bé ngừng đập trong bụng mẹ. Thất bại này khiến ông day dứt và không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật thông tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ.

Bác sĩ Tín kể lần đầu tiên chứng kiến các đồng nghiệp Brazil phẫu thuật thông tim trong bào thai tại một hội nghị ở Mỹ, ông vừa sợ vừa nể phục.

"Cả hội trường im lặng chăm chú theo dõi khi cây kim đâm xuyên qua bụng, qua tử cung người mẹ, sau đó qua nước ối, qua thành ngực thai nhi và cuối cùng là vào tim em bé để phẫu thuật. Nếu chỉ cần sai sót nhỏ là tử vong cả mẹ và con. Tuy nhiên, những bác sĩ phẫu thuật lại rất thoải mái, vui vẻ, chứng tỏ họ xem đó là chuyện bình thường. Bởi đây là phẫu thuật thường quy. Với tâm niệm trọng tâm của bác sĩ là phải đặt ở bệnh nhân nên sau lần đó, tôi quyết tâm tìm hiểu, mày mò để đưa kỹ thuật này về Việt Nam" - bác sĩ Tín nhớ lại.

Theo bác sĩ Tín, kỹ thuật thông tim bào thai chỉ mới phát triển khoảng 5 năm qua. Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng chưa triển khai. Hiện chỉ một số nước như Brazil, Ba Lan, Mỹ... thực hiện thành công.

Sau đó, tận dụng khoảng thời gian được mời tham dự các hội thảo tại Ba Lan, bác sĩ Tín đã được các đồng nghiệp nước ngoài hướng dẫn, thực hành trên mô hình và chứng kiến trực tiếp các ca phẫu thuật thông tim bào thai. Cảm thấy chưa học đủ, ông tiếp tục tự bỏ chi phí để đến các quốc gia trên học tập thêm.

"Để phát triển ngành này cần có đội ngũ kế thừa và tôi tin tay nghề các em sau này sẽ tốt hơn và nhiều trẻ bị tật bẩm sinh nặng sẽ được can thiệp ngay từ bào thai. Điều này giúp giảm gánh nặng y tế, chi phí điều trị, thời gian và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhi và gia đình" - bác sĩ Tín kỳ vọng.

Bài và ảnh: LIÊN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bac-si-lieu-mo-co-hoi-song-cho-tre-di-tat-tim-bam-sinh-196240204201530961.htm