Bắc Macedonia có nữ tổng thống đầu tiên, phe cầm quyền thất bại

Cử tri Bắc Macedonia đã lựa chọn nữ tổng thống đầu tiên thuộc phe đối lập trong khi đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền chịu thất bại lịch sử trong cả hai cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội diễn ra đồng thời trong ngày 8.5.

Ứng cử viên Gordana Siljanovska-Davkova của phe bảo thủ đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8.5. Ảnh: AP

Bà Gordana Siljanovska-Davkova sẽ trở thành nữ tổng thống

Trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai hôm 8.5, bà Gordana Siljanovska-Davkova, một giáo sư luật 70 tuổi được đảng bảo thủ VMRO-DPMNE hậu thuẫn, đã giành chiến thắng sau khi nhận được gần 65% phiếu ủng hộ. Đương kim Tổng thống Stevo Pendarovski của đảng Xã hội cầm quyền đã chấp nhận thua cuộc sau khi chỉ giành được hơn 29% số phiếu bầu.

Trước đó, tại cuộc bỏ phiếu vòng 1 hôm 24.4, bà Davkova nhận được 40,1% phiếu bầu, trong khi đương kim Tổng thống Stevo Pendarovski chỉ giành được 19,9%. Về thứ ba là ứng viên Bujar Osmani, Bộ trưởng Ngoại giao với 13,4% phiếu bầu.

Chiến thắng khiến bà Davkova trở thành phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ tổng thống kể từ khi đất nước giành được độc lập từ Nam Tư cũ vào những năm 1990.

Phát biểu với những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng bà Siljanovska-Davkova nói: “Có sự thay đổi nào lớn hơn việc bầu một phụ nữ làm tổng thống. Tôi sẽ sát cánh cùng phụ nữ để thực hiện bước tiến vĩ đại này, một bước tiến tới cải cách”. Bà Davkova đã gọi kết quả này đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ mới kêu gọi sự đoàn kết trong mục tiêu chung là hội nhập vào EU.

Tổng thống Bắc Macedonia giữ nhiệm kỳ 5 năm. Các ứng cử viên phải đáp ứng tiêu chí từ 40 tuổi trở lên. Dù phần nhiều chỉ mang tính chất nghi thức, song Tổng thống Bắc Macedonia có quyền đề xuất người giữ vị trí Thủ tướng để Quốc hội thông qua và là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang của đất nước.

Phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội

Cũng trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra cùng ngày, Liên minh đối lập do đảng VMRO-DPMNE lãnh đạo cũng dẫn đầu cuộc bầu cử với 43% số phiếu trong khi liên minh của Đảng Dân chủ Xã hội, vốn đã nắm quyền bảy năm qua, đã phải vật lộn để giữ vị trí thứ hai với 14,8% - chỉ trước một nhóm do đảng dân tộc thiểu số Albania DUI lãnh đạo.

VMRO-DPMNE đã giành được nhiều sự ủng hộ do sự bất mãn của người dân đối với tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu chậm chạp dưới thời Đảng Dân chủ Xã hội cũng như tình trạng kinh tế trì trệ.

Năm 2001, Bắc Macedonia thoát khỏi bờ vực nội chiến. Nước này đã gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2020 và đã nộp đơn gia nhập EU từ năm 2004, nhưng việc đàm phán chính thức chưa thể bắt đầu, một phần do sự phản đối của Hy Lạp và Bulgaria.

Macedonia là một nước thuộc Nam Tư cũ, nhưng với nhiều người Hy Lạp đó là tên của tỉnh phía bắc gắn liền với những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế. Hy Lạp phản đối Macedonia sử dụng tên gọi này cũng như việc nước này gia nhập EU. Vấn đề được giải quyết sau khi vào năm 2018 hai nước đạt được thỏa thuận, theo đó Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Tuy nhiên, tiến trình gia nhập EU của Chính quyền Skopje tiếp tục gặp trắc trở do sự phản đối của Bulgaria vào năm 2020. Chính quyền Sofia ra điều kiện Hiến pháp Bắc Macedonia phải công nhận quyền của người Bulgaria thiểu số và bảo vệ quyền của họ cũng như tuân thủ thỏa thuận biên giới

Viện Nghiên cứu quốc tế về Trung Đông và Balkan (IFIMES) nhận định chiến thắng của VMRO-DPMNE trong cuộc bầu cử lần này có thể làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán gia nhập EU vì đảng này phản đối các thỏa thuận với Hy Lạp và Bulgaria. Theo IFIMES, Bắc Macedonia sẽ có thể mất thêm 20 hoặc 30 năm nữa.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/bac-macedonia-co-nu-tong-thong-dau-tien-phe-cam-quyen-that-bai-i370994/