Nhìn lại an toàn hàng không Iran sau vụ trực thăng chở Tổng thống Raisi gặp nạn

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Iran không thể nâng cấp và hiện đại hóa thị trường hàng không nước mình.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn có mặt tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran. Ảnh: ISNA

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn có mặt tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran. Ảnh: ISNA

Tại Trung Đông, Iran bị coi là thị trường hàng không kém an toàn nhất khu vực. Gần 2.000 người Iran đã thiệt mạng trong các vụ rơi máy bay kể từ năm 1970. Bên cạnh đó, các vụ tai nạn liên quan đến các hãng hàng không Iran trong suốt 45 năm qua cũng đã khiến 1.755 người chết. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN), kể từ năm 2000 đã có 22 vụ tai nạn hàng không gây chết người xảy ra ở Iran.

Những số liệu trên cho thấy hàng không tại Iran đặc biệt không an toàn và một phần dẫn tới thực trạng này là hậu quả của hàng chục năm Iran chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ khiến nước này không thể mua được các phụ tùng, thiết bị, máy bay hiện đại phục vụ cho ngành hàng không. Trong tình cảnh như vậy, các hãng hàng không đã phải tháo rời một số máy bay cũ để lấy các bộ phận. Nhiều máy bay bay ở Iran ngày nay đã trở nên lỗi thời. Theo trang tin Airfleets.net, tuổi trung bình của máy bay được các hãng hàng không hàng đầu như Iran Air và Mahan Air sử dụng thường trên 20 năm và một số chiếc là hơn 30 năm.

Vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 19/5 không phải là lần đầu tiên Iran chứng kiến một vụ tai nạn máy bay chở quan chức chính phủ cấp cao. Một bộ trưởng quốc phòng, một bộ trưởng giao thông vận tải và tư lệnh các lực lượng vũ trang hàng không, mặt đất của Iran cũng từng thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay và trực thăng trước đây.

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi là trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Theo nhà phân tích quân sự Cedric Leighton của đài CNN, trực thăng Bell 212 bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối những năm 1960. Mẫu trực thăng này lần đầu tiên được sản xuất tại Mỹ và sau đó ở Canada.

Ông Leighton – một thượng tá không quân Mỹ đã nghỉ hưu - chỉ ra khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế có thể là một nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

“Phụ tùng thay thế chắc chắn là một vấn đề đối với Iran. Trong tình huống này, tôi nghĩ việc thiếu các phụ tùng thay thế do các lệnh trừng phạt, cộng với thời tiết rất xấu trong vài ngày qua ở khu vực phía Tây Bắc Iran. Những yếu tố đó có thể tạo ra một loạt sự cố dẫn tới vụ tai nạn”, ông Leighton nhận định.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-lai-an-toan-hang-khong-iran-sau-vu-truc-thang-cho-tong-thong-raisi-gap-nan-20240520112721652.htm