Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền, lợi ích đất nước

Sáng 28/9, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/9. Ảnh: TL

Giảm thiểu hiện tượng chuyển giá, tránh thuế

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để chống xói mòn cơ sở thuế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Theo đó, có hai trụ cột được thực hiện, trong đó Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia, nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh né.

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng thuế suất thực tế ở Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam các cơ hội mới, như: tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận, Bộ trưởng nêu rõ.

Đánh giá đây là một dung lớn, mới và khó, có tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết. Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực UBTCNS cho rằng, hồ sơ dự án nghị quyết cơ bản đã bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 để thông qua, theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

Không ban hành nghị quyết là từ bỏ quyền đánh thuế

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH cũng đều nhất trí về việc ban hành nghị quyết để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam; tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế.

Áp dụng với các doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euor trở lên

Theo dự thảo nghị quyết, đối tượng áp dụng của chính sách này là công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất hai trong số bốn năm liền kề trước năm tính thuế tương đương 750 triệu EUR trở lên, trừ các trường hợp: các tổ chức của chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên.

Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung là một nội dung mới, khác với các quy định (về các mức thuế suất) trong Luật Thuế TNDN hiện hành, song Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, không cần thiết phải bổ sung từ “thí điểm” vào tên nghị quyết khi rà soát, vì đây chỉ là vấn đề về thủ tục, hình thức văn bản. Việc không có từ “thí điểm” sẽ đảm bảo phù hợp theo các cam kết với OECD, giảm các vướng mắc có thể có.

Nhấn mạnh nếu Việt Nam không đánh thuế bổ sung thì các doanh nghiệp chịu tác động cũng sẽ bị đánh thuế bổ sung tại nước mẹ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Việt Nam không ban hành nghị quyết là từ bỏ quyền đánh thuế. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngân sách, tới doanh nghiệp đang đầu tư và sẽ có kế hoạch đầu tư.

“Đánh thuế phải làm sao để môi trường đầu tư kinh doanh vẫn giữ được ổn định, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam hiện nay” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói và đề nghị dự liệu cả ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch sang Việt Nam, kèm theo đó là chính sách phù hợp.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, việc ban hành nghị quyết này là để thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu, là quyền lợi của đất nước. Nếu không đánh thuế tối thiểu với các doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro trở lên thì có nghĩa chúng ta từ bỏ quyền định thuế của mình, doanh nghiệp sẽ nộp phần chênh lệch về nước mẹ. Do vậy, khi áp dụng quyền đánh thuế của mình theo quy định của OECD, thì chúng ta sẽ giành được quyền chủ động, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, qua rà soát, ước tính có khoảng 122 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định thuế tối thiểu toàn cầu, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Dự kiến, khi ban hành chính sách thuế này thì sẽ có thêm một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu tư.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết UBTVQH thống nhất với đề xuất tại tờ trình của Chính phủ và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp hôm nay để rà soát, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.

Duy trì chính sách ưu đãi với doanh nghiệp không chịu tác động thuế tối thiểu

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mục đích của việc ban hành nghị quyết là xây dựng chính sách thuế đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Chủ trương và các chính sách của Việt Nam chủ động ứng phó đối với đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu của OECD phải đặt lợi ích, quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ.

Do thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng, nên đề nghị cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Tạo sự tin tưởng, yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho rằng, nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%.

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

Nghị quyết sẽ thể hiện rõ việc Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 để các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng có thể “yên tâm về môi trường pháp lý để hoạch định chiến lược đầu tư và kinh doanh”.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-de-dam-bao-quyen-loi-ich-dat-nuoc-136682.html