Anh có kế hoạch triển khai lực lượng ở châu Âu giữa căng thẳng Nga - Ukraine

Trong khi căng thẳng Nga và Ukraine leo thang, Anh có kế hoạch triển khai binh lực sang châu Âu.

NATO cân nhắc phương án đối phó trường hợp Nga "động binh"

Mỹ đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao độ để điều động đến châu Âu hỗ trợ NATO nếu cần. Liên minh đã bắt đầu tăng cường phòng thủ với một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu và tàu chiến, cũng như đang chuẩn bị tăng cường lực lượng dọc theo sườn phía đông nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine. Mỹ và một số đồng minh, bao gồm cả Anh, đang thảo luận để đưa thêm hàng nghìn nhân viên tới các nước NATO ở Đông Âu.

Anh đang có kế hoạch triển khai binh lính sang các nước NATO Đông Âu. Nguồn: armyrecognition.com

NATO đang cân nhắc thành lập các nhóm chiến đấu 1.000 quân mới ở Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia, tương tự như cái gọi là triển khai tăng cường hiện diện trước đó, ở Estonia (do Anh chỉ huy), Latvia (Canada chỉ huy), Litva (Đức chỉ huy) và Ba Lan (Mỹ chỉ huy). Các bộ phận này được thành lập năm 2016 như một động thái của NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Pháp đã đề nghị sẽ chỉ huy nhóm chiến đấu mới ở Romania. Việc triển khai mới sẽ chỉ là một nhiệm vụ của NATO nếu tất cả 30 thành viên đồng ý, kể cả khi họ không đóng góp quân. Các đơn vị tham gia các hoạt động trên bộ, trên không, trên biển hoặc các hoạt động đặc biệt trong thời gian 12 tháng. Trong khoảng thời gian đó họ là những người phản ứng đầu tiên trong trường hợp khẩn cấp - từ mối đe dọa quân sự đến thiên tai.

NATO có một lực lượng 40.000 binh sĩ hải quân, lục quân và không quân thường trực sẵn sàng huy động khi có khủng hoảng. Khối này không có kế hoạch điều lực lượng đến Ukraine vì nước này không phải là quốc gia thành viên, nhưng tuyên bố sẽ tăng cường cho sườn phía đông và đông nam của NATO để củng cố hệ thống phòng thủ của mình. Lực lượng phản ứng của NATO (NATO Response Force – NRF) gồm khoảng 20.000 quân nhân - bao gồm một lữ đoàn 5.000 người, đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất cho các tình huống diễn ra vài ngay cho đến vài tuần.

Đối với lực lượng trên bộ, để di chuyển, phải thông báo trước 7 ngày. Thời gian huy động giảm xuống còn 5 ngày và thậm chí giảm xuống còn 48 giờ đối với một số phân đội vì căng thẳng với Nga. Pháp chỉ huy lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu cao sau khi tiếp quản từ một đơn vị của Thổ Nhĩ Kỳ. Vai trò này sẽ được chuyển giao cho một lữ đoàn Đức vào năm 2023. Ngoài ra còn có máy bay chiến đấu, tàu chiến và các lực lượng hoạt động đặc biệt trên toàn liên minh sẽ được thông báo ngắn hạn để huy động, tổng cộng bao gồm khoảng 15.000 người.

Tàu sân bay HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiếp nhận quyền chỉ huy bộ phận hàng hải của lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao vào đầu năm 2021 trong lần triển khai đầu tiên của kỳ hạm. Lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu của NATO cũng bao gồm 20.000 quân nhân khác, với vai trò tiếp nối và sẵn sàng huy động nếu khủng hoảng kéo dài hơn. Lực lượng này bao gồm 10.000 quân sẽ di chuyển trong vòng 30 ngày, và số còn lại hoạt động trong 45 ngày.

Anh hăng hái triển khai quân đội

Anh sẽ điều quân đội sang Đức với 3 căn cứ mới được mở, nhưng quân số giảm từ 82.000 xuống còn 73.000. Hàng trăm phương tiện bao gồm xe tăng và máy bay không người lái sẽ được triển khai trở lại Đức khi quân đội xây dựng 1 trong 3 trung tâm lớn tại nước này. Là một phần của sự thay đổi lớn nhất trong hai thập kỷ, quân đội muốn có một lực lượng cỡ lữ đoàn, khoảng 250 quân, được bố trí gần Đông Âu hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga.

Trong một thông cáo báo chí, chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Johnson xem xét đề nghị NATO và chuẩn bị thành lập các đơn vị vũ trang Anh để bảo vệ các đồng minh Châu Âu đang đối mặt với quân đội Nga. Các quan chức Anh được phái tới Brussels để hoàn thiện các chi tiết của đề nghị với NATO và các bộ trưởng sẽ thảo luận về các lựa chọn quân sự. Sự việc diễn ra sau khi Thủ tướng Anh yêu cầu các lãnh đạo quốc phòng và an ninh tăng cường các nỗ lực phòng thủ ở Châu Âu trong cuộc họp thông tin tình báo cấp cao về tình hình ở Ukraine.

Việc triển khai có thể sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và củng cố sự hỗ trợ của Anh đối với các đối tác Bắc Âu và Baltic. Thủ tướng Anh dự kiến sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin và đích thân tới khu vực này để chuyển tải thông điệp đó. Một chuyến đi thứ hai để gặp gỡ các đối tác thành viên NATO đang được lên kế hoạch vào đầu tháng tới. Thủ tướng Johnson cũng đã chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng chuẩn bị tới Moscow để hội đàm với những người đồng cấp trong những ngày tới.

Anh được cho đã chuyển khoảng 2.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Nguồn: news.sky.com

Thủ tướng Johnson tuần trước đã điện đàm với Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng dự kiến sẽ thay mặt Thủ tướng đi gặp đồng minh trong tuần này tại Hungary, Slovenia và Croatia. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Tổng Tham mưu trưởng Anh, Đô đốc Sir Tony Radakin, tham dự Nội các vào ngày 1/2, để thông báo ngắn gọn với các Bộ trưởng về tình hình Ukraine.

Hiện Anh có hơn 100 quân nhân ở Ukraine trong khuôn khổ Chiến dịch Orbital và một phi đội kỵ binh hạng nhẹ với khoảng 150 người, được triển khai tới Ba Lan. Orbital đã huấn luyện 22.000 quân Ukraine kể từ năm 2015, và các chuyến gia huấn luyện quân sự khác đã được cử tới nước này vào đầu tháng 2 để hỗ trợ việc huấn luyện các lực lượng Ukraine sử dụng 2.000 tên lửa được gửi từ Anh. Trong khi đó, HMS Prince of Wales ở High North, dẫn đầu Lực lượng Sẵn sàng Hải quân của NATO, đang ở chế độ chờ để di chuyển trong vòng vài giờ nếu căng thẳng gia tăng hơn nữa.

Theo một số nguồn tin, những nỗ lực triển khai của Anh đến Châu Âu đang được xem xét bao gồm: 45 lính biệt kích Hoàng gia; trung đoàn 26 và 47 Pháo binh Hoàng gia; trực thăng tấn công AH-64E Apache; 6 trực thăng RAF CH-47 Chinook; 1 phi đội máy bay Typhoon Không quân Hoàng gia đến Síp…; 2 chiếc OPV của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được gửi đến Biển Đen, có thể là HMS Trent và HMS Diamond.

Thủ tướng Johnson cho biết, các lực lượng Anh sẽ tham gia vào bất kỳ đợt triển khai mới nào của NATO nhưng không tiết lộ số quân. NATO triển khai khắp châu Âu để ứng phó với tình huống khẩn cấp và ngăn chặn các mối đe dọa. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự nhằm vào một quốc gia thành viên có thể sẽ khiến các đồng minh viện dẫn Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO – huy động quân đội của các quốc gia với khoảng 3,5 triệu quân. Tuy nhiên, lực lượng đó sẽ chỉ thực sự được sử dụng vào thời điểm có nguy cơ ở cấp độ của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/anh-co-ke-hoach-trien-khai-luc-luong-o-chau-au-giua-cang-thang-nga-ukraine-post922393.vov