An toàn trường học: Đừng 'Mất bò mới lo làm chuồng'

Để chuẩn bị cho một năm học mới an toàn, vui tươi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, toàn ngành giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Tuy nhiên, những giải pháp đó là không đủ khi chỉ sau một tuần khai giảng, hàng loạt những trường hợp mất an toàn trường học, gây thương vong cho học sinh liên tiếp xảy ra bởi những “sát thủ” hiện hữu xung quanh các em hằng ngày.

Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện về cơ sở vật chất trường học của Bộ Giáo dục-Đào tạo dường như chưa sâu sát đến những chi tiết nhỏ, nhưng chính đó lại là những “tử thần” rình rập, gây nguy hiểm cho học sinh, mà chủ yếu kiểm tra thực trạng đủ hay thiếu trường lớp học, trang thiết bị dạy học cần mua sắm, bổ sung ra sao...

Cổng trường bị sập khiến 3 học sinh tử vong. Ảnh: giaoducthoidai.vn.

Sau khai giảng, dư luận còn chưa kịp hết bàng hoàng khi cổng trường sập, đè chết 3 học sinh ở Lào Cai, thì lại tiếp tục chứng kiến cái chết của một học sinh ở Nghệ An do bức tường trước cổng đổ sập, quạt trần rơi ở một lớp học tại Lào Cai khiến một học sinh bị thương, một trường tiểu học tại Hà Nội để quên học sinh trên ô tô và gần 50 học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở Đông Anh…

Các ông bố, bà mẹ khó tưởng tượng rằng buổi sáng họ đã trao gửi con đến tận tay những người có trách nhiệm ở nhà trường, thậm chí đưa con vào tận lớp học, mà buổi chiều lại nhận được tin báo con tai nạn, thậm chí tử vong trong chính ngôi trường đó. Phải chăng việc đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học, thời gian qua dường như còn rất nhiều lỗ hổng.

Điều đáng nói là những nguy cơ mất an toàn này đều đã được cảnh báo nhưng với nhiều lý do kiểu như chờ dự án, chờ phê duyệt, chờ kinh phí… khiến cho tai nạn được báo trước ấy thực sự xảy ra, lúc đó những cơ quan có trách nhiệm mới đến kiểm tra, chỉ đạo, lên phương án di dời học sinh và cải tạo, xây mới các trường học.

Không thể vì phượng đổ mà chặt toàn bộ phượng, cũng không thể vì đổ cổng mà phá hết cổng trường. Ngành giáo dục cần đánh giá chất lượng các công trình trong nhà trường và kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trước thềm năm học mới, thay vì kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, mang tính tạm bợ như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát để việc triển khai kế hoạch không chỉ nằm trên giấy, hoặc không thiết thực. Trong đó, cần cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền và phụ huynh trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà trường, kịp thời khắc phục những lỗ hổng, điểm nghẽn trong hoạt động của nhà trường để hướng tới mục tiêu lâu dài, liên tục là đảm bảo an toàn trường học ở mức cao nhất.

THÁI AN (Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/an-toan-truong-hoc-dung-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-634904