AI là kẻ thù hay bạn đồng hành với học sinh?

AI có thể nhanh chóng gợi ý các ý tưởng, kích thích sáng tạo. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến khả năng tư duy của học sinh.

AI có thể vừa là bạn, vừa là thù với học sinh. Ảnh: Pexels.

Giáo viên trên khắp thế giới đang phải vật lộn với câu hỏi xem các công cụ AI như ChatGPT là bạn hay thù đối với sự sáng tạo của học sinh. Theo Conversation, câu trả lời không đơn giản, bởi AI có thể vừa là bạn, vừa là thù. Mấu chốt nằm ở việc hướng dẫn học sinh tư duy sáng tạo, không phụ thuộc vào AI để tìm đáp án.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm học giả đến từ Đại học Nam Carolina, Đại học California, Berkeley and Emerson College, được công bố trên Journal of Creativity.

Nhóm các nhà nghiên cứu đã yêu cầu trong vòng 3 phút, học sinh hãy suy nghĩ và liệt kê tất cả công dụng có thể của một chiếc kẹp giấy mà không sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ.

Một tháng sau, học được yêu cầu thực hiện lại nhiệm vụ, nhưng lần này sử dụng ChatGPT. Kết quả cho thấy AI có thể là công cụ hỗ trợ tư duy hữu ích, nhanh chóng gợi ý các ý tưởng, kích thích khám phá sáng tạo.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kỹ năng tư duy sáng tạo và sự tự tin. Sinh viên cho biết họ thấy việc "có thêm một bộ não hỗ trợ" là hữu ích, nhưng họ cũng cảm thấy việc sử dụng AI là lối đi dễ dàng, hạn chế khả năng tự suy nghĩ.

AI hỗ trợ học tập

Ngày càng nhiều học sinh sử dụng AI để hỗ trợ việc học, từ viết luận, học ngoại ngữ đến nghiên cứu lịch sử, khoa học. Các công cụ AI đang trở thành một phần không thể thiếu trong bộ công cụ học tập của học sinh.

Học sinh thường có cái nhìn tích cực về tác động của AI đối với khả năng sáng tạo của mình. Trong nghiên cứu mới, 100% học sinh tham gia nhận thấy AI hỗ trợ hiệu quả cho quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, 16% học sinh thích sáng tạo mà không cần sự trợ giúp của AI.

Tin vui là học sinh tạo ra nhiều ý tưởng đa dạng và chi tiết hơn khi sử dụng AI. Các em nhận thấy AI giúp khởi động tư duy một cách hiệu quả. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng AI có thể đóng vai trò là "người đồng hành không phán xét" trong quá trình sáng tạo, khuyến khích học sinh đưa ra ý tưởng, vượt qua rào cản ngại ngùng trong môi trường nhóm.

Tuy nhiên, một số học sinh bày tỏ lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào AI, sợ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ độc lập và sự tự tin vào khả năng sáng tạo của bản thân.

Một số em cho biết gặp phải tình trạng "cố định tư duy", nghĩa là sau khi tiếp cận ý tưởng của AI, các em khó nghĩ ra ý tưởng riêng của mình.

Ngoài ra, một số học sinh cũng đặt câu hỏi về tính độc đáo của các ý tưởng do AI tạo ra. Nghiên cứu mới cũng đồng tình với quan điểm này.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy mặc dù sử dụng ChatGPT giúp cải thiện kết quả sáng tạo của học sinh, nhìn chung, các ý tưởng của AI có xu hướng lặp lại. Điều này có thể là do AI chủ yếu tái chế nội dung hiện có thay vì tạo ra ý tưởng mới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc cho phép học sinh rèn luyện khả năng sáng tạo độc lập trước sẽ giúp các em tự tin hơn vào bản thân và năng lực của mình.

Sau khi đạt được điều này, AI có thể đóng vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ học tập sâu hơn, tương tự như cách chúng ta dạy học sinh phép chia phức tạp trước khi được giao máy tính cầm tay.

Nghiên cứu chỉ ra AI có triển vọng hỗ trợ học sinh trong giai đoạn tạo ý tưởng. Ảnh: Sabeswings.

Con người vẫn là chủ đạo

Nghiên cứu mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng AI trong giai đoạn "tạo ý tưởng" của quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng ở giai đoạn đầu và cuối của quá trình này.

Những nhiệm vụ thiết yếu như xác định vấn đề và đánh giá phê phán các ý tưởng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào con người. Theo đó, nhóm tác giả nhận thấy quá trình sáng tạo thường trải qua ba giai đoạn: Xác định vấn đề, tạo ý tưởng và đánh giá.

Nghiên cứu chỉ ra AI có triển vọng hỗ trợ học sinh trong giai đoạn tạo ý tưởng. Tuy nhiên, thế hệ AI hiện tại, như ChatGPT-3, vẫn thiếu khả năng xác định vấn đề và điều chỉnh ý tưởng thành hành động cụ thể.

Sự xuất hiện và phát triển của AI trong lĩnh vực giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc giữ vai trò chủ đạo của con người vẫn là điều cốt yếu.

Làm gì tiếp theo?

Phát triển nội dung, đạo nhái và thông tin giả mạo là những thách thức hiện hữu khi ứng dụng AI trong giáo dục.

Cùng với sự phổ biến của AI, các trường học cần phải thiết lập các quy định để đảm bảo sử dụng công cụ này một cách có trách nhiệm.

Tại Mỹ, một số bang như California và Oregon đã bắt đầu phát triển các hướng dẫn về việc sử dụng AI trong giáo dục. Điều này cho thấy sự cần thiết của các quy định và chuẩn mực đạo đức rõ ràng để đảm bảo AI được sử dụng đúng mục đích, thúc đẩy sáng tạo và tránh những tác động tiêu cực.

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của AI đến sự sáng tạo, bao gồm tác động của nó đến khả năng tự chủ, sự tự tin và các giai đoạn khác của quá trình sáng tạo.

"Chúng tôi tin rằng AI trong giáo dục không chỉ là về công nghệ mới nhất, mà còn là định hình tương lai, nơi sự sáng tạo của con người và sự tiến bộ công nghệ song hành cùng nhau", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-la-ke-thu-hay-ban-dong-hanh-voi-hoc-sinh-post1458505.html