'Vua' nhà rường kể chuyện cứu di sản cố đô

Nhà rường là một nét đẹp kiến trúc độc đáo rất riêng mang đậm chất Huế. Ấy vậy mà từng có thời kỳ nhiều ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi bị “xẻ thịt” đưa đi tứ xứ, rồi bị vùi lấp trong tro tàn thay cho củi mục... đến mức đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”. May mắn thay, “vua nhà rường” Dương Đình Vinh đã cất công sưu tầm, cứu giữ những ngôi nhà rường.

Giữ lại chút hồn xưa đất Huế

Chúng tôi ghé thăm vườn Ngự Hà (số 181 đường Xuân 68, TP Huế) vào một ngày cuối đông. Khác hẳn với sự ồn ào ở bên ngoài, không gian yên tĩnh, trong lành của vườn khiến ai một lần bước chân vào cũng cảm thấy bình yên đến lạ. Đến đây, du khách được thả hồn mình vào những đường nét kiến trúc cổ kính từ những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi mà mọi xô bồ tất bật của cuộc sống bỗng chốc thành hư vô, trước nét hoài cổ của Huế rất xưa. Công trình này chính là thành quả của ông Dương Đình Vinh, người hơn 25 năm nay vẫn sống trọn với đam mê và tâm huyết bảo tồn nhà rường, một mảng di sản kiến trúc nhà ở truyền thống cố đô.

Nằm khép mình giữa lòng Thành Nội, vườn Ngự Hà của ông Vinh bao gồm 6 căn nhà rường được bố trí liên hoàn bao quanh một hồ nước với tổng diện tích 1.040m2. Tiếp chúng tôi, ông Vinh cởi mở: “Do vườn Ngự Hà nằm trên một khu đất không rộng nên tôi không thể đưa vào đầy đủ số nhà rường và bày trí theo không gian mong muốn được. Mong ước của tôi là phải làm sao có đủ diện tích để phục dựng đầy đủ gần 20 căn nhà rường hoàn thiện, đó là những mẫu nhà rường tiêu biểu cho văn hóa kiến trúc Huế để mọi người tham quan tìm hiểu”.

Ông Vinh khiếm tốn vậy, nhưng với quy mô hiện tại, vườn Ngự Hà cũng đã phác họa nên những đường nét cơ bản của nhà rường Huế với các thành tố như: Cổng ngõ, chòi bát giác, trường lang, hiên, nhà thủy đình, hồ sen... các cột kèo đều được chạm trổ tinh xảo với nhiều họa tiết rồng, phượng. Đi cùng với đó, những đồ nội thất phù hợp được ông Vinh dồn hết tâm sức bài trí một cách nghệ thuật, khiến cho không gian càng thêm lộng lẫy, sang trọng, toát lên cái thần thái rất riêng của xứ Huế.

“Vua nhà rường” Dương Đình Vinh.

Ông Vinh chia sẻ thêm: “Chỉ có nhà rường ở Huế mới được thiết kế hoàn toàn theo kiến trúc của người Việt, là nét đẹp thuần túy nên cũng không quá bất ngờ khi hầu hết những ai yêu nhà rường đều tìm về với Huế. Hàng ngày, đây vẫn là nơi dừng chân thưởng lãm cho rất nhiều khách du lịch, trong đó có cả khách nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ Huế”.

Đầu tiên, điều làm nên giá trị của vườn Ngự Hà phải kể đến là toàn bộ các dãy nhà rường đều được phục chế hoàn toàn chứ không phải làm mới. Mỗi căn đều có một nét riêng. Có căn được ông Vinh phục chế theo đúng thiết kế nhà cổ. Có căn được ông đưa thêm vào nét hiện đại nhưng vẫn giữ được phần hồn. Phần cổng chính là nơi được chủ nhân dựng lại sao cho giống kiểu cổng nhà rường Huế xưa. Dãy nhà rường phía bên trái được phục dựng thấp theo kiểu nhà rường cổ, không gian được chủ nhân bày trí như một thư phòng, đặt tên là An Lạc - là nơi để các nhà nghiên cứu Huế, các văn nghệ sĩ đến đàm đạo, thưởng trà ngắm trăng.

Điểm đặc biệt của vườn Ngự Hà là dãy nhà chính nằm ở trung tâm. Đây vẫn là căn nhà rường ba gian hai chái với đầy đủ các nét tiêu biểu: Có Đông phòng, Tây phòng, gian giữa với đồ nội thất liên quan. Chủ nhân đã mạnh dạn lót thêm gạch men và trang bị thêm phòng vệ sinh, phòng tắm hiện đại ở trong các phòng ngủ. Ông Vinh giải thích: “Bảo tồn phải gắn liền với công năng. Có được sử dụng thường xuyên, thiết thực gần gũi với cuộc sống thì người ta mới trân trọng giữ gìn. Vua Minh Mạng ngày trước khi biết đến gạch men rồi cũng cho làm đấy thôi. Nhà truyền thống nhưng vẫn phục vụ được cho cuộc sống, đó mới chính là bảo tồn văn hóa”.

Được biết, ngoài vườn Ngự Hà, hiện tại ở Huế, ông Vinh còn có hai cơ sở phục chế nhà rường cổ với đội ngũ thợ tay nghề thiện nghệ. Hai mươi mấy năm sống với đam mê, đã có hàng trăm ngôi nhà rường cổ được cứu sống qua bàn tay phục chế của ông Vinh. Cũng bởi vì lí do này, giới đồ cổ ở Huế vẫn thường gọi ông với biệt danh đầy kính trọng: “Vua nhà rường”.

Bán cả gia sản để phục dựng nhà rường

Cảnh vật xung quanh vườn Ngự Hà.

Để có được thành công như hôm nay, chặng đường sưu tầm bảo tồn nhà cổ của “vua nhà rường” cũng phải trải qua không ít khó khăn, buồn vui. Đóng góp của ông Vinh trong việc bảo tồn nhà rường Huế là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên khi nói về phần mình, ông lúc nào cũng khiêm tốn cho rằng đó là công lao chung của anh em báo chí, các nhà nghiên cứu và yêu nhà rường Huế. Nhâm nhi chén trà nóng, ông Vinh kể cho chúng tôi nghe về mối lương duyên của mình với nhà rường, với vườn Ngự Hà hôm nay.

Ông Vinh là một người con của Huế. Trước năm 1975, ông theo học Trường CĐ Mỹ thuật Huế. Sau này, có một thời gian ông mở phòng trưng bày tranh tại TPHCM. Khoảng những năm 1980, ông có dịp ghé về thăm quê. Thời gian này, ở Huế người ta rục rịch cùng nhau phá bỏ nhà rường để xây dựng nhà kiểu mới. Nhìn nhiều ngôi nhà rường cổ bị phá dỡ rồi đưa đi tứ xứ, có những ngôi hư hỏng người ta tháo bỏ nằm lăn lóc hoặc đốt lò thay củi mà ông không khỏi xót xa. Chính điều này đã khiến ông quyết định bỏ hết công việc đang làm, bán một số đất ở TPHCM để gom tiền trở lại Huế mua xác nhà rường về phục chế.

Nội thất trong gian nhà chính được gia chủ bày trí một cách nghệ thuật. Ảnh: C.H

Ngày ấy, khi thấy ông mua những ngôi nhà rường về “phục dựng”, ai cũng nhìn ông với ánh mắt nghi ngại. Để thuận tiện cho công việc sưu tầm, ông Vinh lấy lí do đó đi mua cả trăm xác nhà rường với giá “rẻ như mua củi”. Nhưng khi ông “ôm” vào rồi mới thấy lo, bởi việc phục dựng nhà rường không hề đơn giản.

Nhờ có sự ủng hộ của bạn bè là các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ rằng đây là việc nên làm để bảo vệ một di sản truyền thống của dân tộc, ông Vinh càng có thêm động lực để tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện niềm đam mê của mình. Để trang bị đầy đủ những hiểu biết cần thiết, ông tự mình tìm hiểu về kiến thức nhà cổ, về kiến trúc, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân lâu năm từ các vùng khác nhau. Theo ông, mỗi ngôi nhà rường như một chứng nhân lịch sử hiện lên khi sưu tầm, đọc gia phả... rồi qua quá trình phục chế.

Dãy nhà rường cổ thấp theo kiểu “ra cúi vào lòn” của người Huế.

Mặc dù là người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về nhà rường nhưng chưa bao giờ ông Vinh nhận mình là một nhà nghiên cứu. “Có nhiều người thấy ông ấy làm mà không tư lợi gì cho bản thân cũng xì xào bàn tán. Tuy nhiên tất cả công việc đều xuất phát từ niềm đam mê cái đẹp, nặng lòng trước một nét đẹp văn hóa quê hương đứng trước nguy cơ mai một mà làm. Chắc có lẽ cũng chính vì lí do này mà ông Vinh thấy mình ngày càng nặng tình với nhà rường hơn”, ông Nguyễn Đắc Tây, một người bạn và cũng là quản gia của vườn Ngự Hà hơn 10 năm nay chia sẻ.

Nhờ cái duyên và cái tài của mình, tên tuổi của ông Vinh đã được nhiều người biết đến. Không chỉ ở Huế, nhiều người ở nơi khác khi có nhu cầu phục dựng nhà rường cổ cũng tìm đến mời bằng được ông về để xem xét, cho ý kiến hay phục dựng luôn cho gia đình mình. Nhờ có những người như ông mà nhiều người đã hiểu hơn về giá trị của nhà rường. Hình ảnh nhà rường Huế cũng nhờ đó mà dần hồi sinh trở lại.

Mong ước nhà rường thành đền thiêng

Cổng vườn Ngự Hà được thiết kế theo kiến trúc gốc của người Huế. Ảnh: C.H

Mỗi dịp Festival trên đất Huế, vườn Ngự Hà và những căn nhà rường do ông Dương Đình Vinh phục dựng lại là điểm đến quen thuộc của rất nhiều bạn bè, khách tham quan trong và ngoài nước. Không những được thưởng lãm và tư vấn miễn phí về kiến trúc nhà rường, nhiều người còn có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa Huế. “Vua nhà rường” còn chia sẻ những niềm trăn trở muốn đưa hình ảnh nhà rường Huế đến khắp mọi miền đất nước, giúp nhà rường Huế phát huy tối đa giá trị về văn hóa của mình.

Tháng 6/2015, ông Dương Đình Vinh đã đánh tiếng với tỉnh Kiên Giang xin được tặng một ngôi nhà rường gần 1 tỷ đồng mang ra đảo Phú Quốc dựng như một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo. Ý tưởng này khi đưa ra đã được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ hưởng ứng. Một doanh nhân trẻ ở TPHCM còn đánh tiếng tặng 100m3 gỗ sao xanh để ông thực hiện ý tưởng của mình, xây dựng được một ngôi đền vững chãi trước đầu sống ngọn gió. “Nếu mình dựng được ở đảo Phú Quốc một ngôi đền thờ bằng nhà rường với kiến trúc đặc thù Việt Nam, kiến trúc đặc thù của Huế thì đó sẽ là một cột mốc tốt nhất, một cột mốc vĩnh cửu”, ông Vinh nói về suy nghĩ của mình..

Hiện, ông Vinh cũng đang ấp ủ ý định tặng một ngôi nhà rường làm nơi thờ tự những người đã mất trong Sự kiện thất thủ kinh đô Huế 23/5 âm lịch (năm 1885). Ông cũng trăn trở mong muốn làm sao tặng cho quê hương đất đỏ của chị Võ Thị Sáu một ngôi nhà rường làm nơi thờ tự để tưởng nhớ công ơn của chị. Những hành động đó đều xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vừa đưa được hình ảnh nhà rường Huế nhân rộng ra khắp cả nước. Giá như có thêm nhiều người tâm huyết như ông Vinh thì rất nhiều người yêu nhà rường, yêu văn hóa Huế sẽ không còn đau đáu nỗi lo thất truyền một biểu tượng Huế xưa.

Nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn nhận xét: “Có thể có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhưng ở một góc độ nào đó cần phải cảm ơn những người như ông Dương Đình Vinh. Họ có điều kiện tài lực nhưng cũng rất tâm huyết, đam mê nên mới cố công sưu tầm, tìm hiểu và phục dựng lại. Nhờ có họ, Huế mới gìn giữ được một nét văn hóa kiến trúc nhà ở độc đáo. Nếu không có những người thực sự tâm huyết như vậy, có lẽ không ít ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi đã bị mục ruỗng hoặc vĩnh viễn chôn vùi trong những bếp lò”.

L.Chung – Đ.Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vua-nha-ruong-ke-chuyen-cuu-di-san-co-do-2016013016171709.htm