Tổ chức chi viện chiến trường miền Nam

QĐND - Tháng 9-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua đề án do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị về việc xây dựng lực lượng vũ trang cho chiến trường miền Nam. Theo đề án này, bên cạnh việc phát triển lực lượng tại chỗ thì ta phải đưa vào miền Nam khoảng 3-4 vạn cán bộ, chiến sĩ quê gốc miền Nam, hoặc quen thuộc chiến trường miền Nam. Bộ Tổng tham mưu tổ chức Sư đoàn 338 thành Đoàn huấn luyện đặc biệt để huấn luyện cán bộ, chiến sĩ đưa vào chiến trường. Các đơn vị như: Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, 335, Trung đoàn 244... được biên chế theo thời chiến, để Bộ Tổng tham mưu có một số đơn vị bộ binh mạnh, khi cần thiết sẽ điều động đi chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Bộ Tổng tham mưu cũng chỉ đạo các địa phương Nam Bộ, Nam Trung Bộ thành lập cơ quan chỉ huy quân sự đến cấp xã, giúp Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp nắm tình hình.

Trong giai đoạn này, Mỹ-Diệm bắt đầu thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đàn áp nhân dân và cách mạng miền Nam hết sức dã man. Vì vậy, việc chi viện cho chiến trường là rất cấp bách. Trên bộ, tuyến đường giao liên 559 đã hình thành và đi vào hoạt động. Trên biển, Đoàn 125 cũng đã mở luồng, mở tuyến chi viện được một số chuyến vũ khí vào Nam. Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo việc mở đường, tăng cường lực lượng, phương tiện cho Đoàn 559 và Đoàn 125 để đẩy nhanh tiến độ chi viện chiến trường. Đến cuối năm 1963, qua tuyến giao liên của Đoàn 559, ta đã đưa được 40.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 2.000 cán bộ trung-cao cấp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật vào Nam. Số quân này chiếm tới 50% LLVT tập trung và chiếm 80% số cán bộ, nhân viên kỹ thuật của các cơ quan chỉ đạo. Nhiều cán bộ cấp cao đã được cử vào chiến trường tham gia Bộ tư lệnh Miền và các quân khu. Với sự chi viện từ miền Bắc, LLVT ở miền Nam đã từng bước được hoàn thiện về quy mô, tổ chức, biên chế, làm nòng cốt cho toàn dân đẩy mạnh tiến công và nổi dậy. Đã có nhiều trận đánh thu được hiệu suất chiến đấu cao như trận Ấp Bắc (1-1963); các chiến dịch: Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… làm cho quân địch khiếp đảm. Sự lớn mạnh của LLVT ở miền Nam là cơ sở để ta thực hiện các đòn tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch, giữ đất, giành dân, phá tan hệ thống đồn bốt, ấp chiến lược-cố gắng cao nhất trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-Diệm.

Trên miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng hệ thống phòng không lục quân, phòng không nhân dân, đề phòng địch mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Các đơn vị pháo phòng không thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân được củng cố, bổ sung trang bị. Một số đơn vị hiện đại như tên lửa, ra-đa, không quân đã ra đời. Lực lượng dân quân tự vệ lúc này đã được mở rộng lên tới 1,4 triệu người với 95 tiểu đoàn, 4.700 đại đội, 32.000 trung đội. Quân dự bị động viên được đăng ký với 1,2 triệu người, trong đó có 18 vạn quân dự bị loại 1, được đăng ký, quản lý chặt chẽ, huấn luyện định kỳ. Như vậy, sau kế hoạch xây dựng quân đội 5 năm lần thứ hai (1961-1965), Quân đội ta đã được tổ chức, biên chế khá hiện đại, chính quy, đủ khả năng đương đầu với các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của Mỹ-ngụy.

TRẦN QUANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/quan-su-quoc-phong/to-chuc-chi-vien-chien-truong-mien-nam/375512.html