Tạo điều kiện để tuổi trẻ khẳng định mình

'Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp' là chương trình lớn của tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên Thủ đô nhằm thúc đẩy học sinh, sinh viên (HSSV) nỗ lực học tập, phấn đấu. Với sự sáng tạo và kinh nghiệm, các cấp bộ Đoàn, Hội thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả; đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng…

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, để tạo cơ hội cho đoàn viên, HSSV tham gia phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, năm qua, Hội Sinh viên các cấp đã tập trung tổ chức được 112 hoạt động tình nguyện gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội chú trọng triển khai nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, nhằm tạo môi trường để đoàn viên rèn luyện, trong đó nổi bật là các hoạt động cao điểm như: Chiến dịch Tôi yêu Hà Nội 2014, Tháng Thanh niên 2015, Tiếp sức mùa thi 2015, Mùa hè thanh niên tình nguyện…

Các bác sĩ trẻ Thủ đô tham gia khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con tại xã Ma Ly Pho, Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Lê Dung

Để thu hút HSSV tham gia xung kích phát triển kinh tế - xã hội, qua đó rèn luyện bản thân, khởi sự lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tổ chức 30 buổi tập huấn kiến thức và 25 buổi nói chuyện riêng về hội nhập quốc tế, 424 buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập thu hút sự tham gia của 265.300 bạn. Đồng thời, nhiều sân chơi, cuộc thi cho HSSV gắn liền với chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức như cuộc thi hùng biện Socrates, Challegen of Law, khởi nghiệp cùng Kawai... Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương Nguyễn Văn Triệu chia sẻ, CLB khởi nghiệp cùng Kawai của trường đã tạo ra một môi trường năng động, giúp sinh viên các trường có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình và được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng phục vụ cho con đường khởi nghiệp. Đã có 5.000 sinh viên tham gia với nhiều đề án kinh doanh thiết bị giáo dục, phần mềm công nghệ cao, dịch vụ giải trí.

Tổ chức Đoàn, Hội khối các trường đại học, cao đẳng cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện phong trào "Tôi yêu Hà Nội" với 5 nhóm nội dung, giải pháp: Hà Nội xanh, Hà Nội an toàn, Hà Nội văn minh, Hà Nội nghĩa tình và Hà Nội trẻ. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay, như: "Sinh viên cùng tiến" (Đại học Công nghiệp Hà Nội), "Xây dựng hình mẫu sinh viên HNMU" (Đại học Thủ đô Hà Nội), "Trao đổi giáo trình, tài liệu ôn thi" (Đại học Thủy lợi), "Phát triển lớp học miễn phí, thỏa niềm đam mê" (Cao đẳng Sư phạm trung ương). Đặc biệt, đã có 126 câu lạc bộ, đội, nhóm, nghiên cứu khoa học thu hút sự tham gia của 11.970 sinh viên nghiên cứu khoa học. Các cơ sở đã tổ chức 168 hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp 67.233 sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Chu Hồng Minh khẳng định, nhằm động viên, khích lệ đoàn viên sinh viên vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học, Hội Sinh viên các cấp đã trao 630 suất học bổng trị giá 1,2 tỷ đồng cho đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời hỗ trợ một số mô hình tiêu biểu cấp cơ sở như: "Vòng tay nhân ái", "Tuổi trẻ Bách khoa nhân ái", "Tiếp bước đến trường"...

Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng, cốt lõi của phong trào sinh viên là quan tâm, hướng đến nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là học tập, vì vậy các cấp bộ Đoàn, Hội cần cổ vũ động viên phong trào nghiên cứu khoa học trong HSSV, có chương trình hỗ trợ cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Thời gian tới, Thành đoàn sẽ tổ chức festival sáng tạo cho thanh niên; đồng thời tăng cường tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ sinh viên các cơ hội việc làm sau khi ra trường. Qua đó cũng nâng cao uy tín, tạo niềm tin, ngày càng thu hút đông HSSV hướng tới hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, xây dựng đoàn thanh niên, hội sinh viên trong trường học lớn mạnh.

Tuy chương trình "Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp" đã đạt kết quả đáng mừng, nhưng để duy trì, phát huy hiệu quả trong thời gian tới, tổ chức Đoàn, Hội các cấp của thành phố xác định cần khắc phục những hạn chế như: Công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Sinh viên còn nhiều bất cập, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ hội cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều cơ sở hội có ban chấp hành hầu hết là sinh viên năm cuối nên không có nhiều thời gian dành cho các hoạt động của hội. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ các cấp nhanh, trong khi công tác đào tạo và bồi dưỡng không kịp thời dẫn đến chất lượng cán bộ không đồng đều. Với phương thức đào tạo học chế tín chỉ, công tác sinh hoạt chi hội tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Để hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội cơ sở hiệu quả hơn nữa cũng cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, ban giám hiệu các nhà trường.

Linh Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/807712/tao-dieu-kien-de-tuoi-tre-khang-dinh-minh